Print Thứ Tư, 20/03/2019 08:50

Đến thời điểm này, các đơn vị quản lý văn hóa cùng các ban ngành liên quan vẫn loay hoay tìm các giải pháp chia sẻ với những tồn tại của các sân khấu xã hội hoá.

Chương trình “Ngũ biến” của sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc.

Chủ trương xã hội hóa (XHH) các hoạt động văn học – nghệ thuật trong đó có nghệ thuật sân khấu đã được triển khai thực hiện hơn 20 năm nay… Sau thời kỳ hàng loạt sân khấu rầm rộ ra mắt, nhiều đơn vị âm thầm đóng cửa, một số đã tắt đèn một thời gian dài, chờ củng cố, nâng cấp. Số ít còn duy trì được hoạt động cũng vất vả, bấp bênh. Không ít suất diễn phải trả vé… Thành phố Hồ Chí Minh từng là điểm sáng nổi bật so với cả nước về hoạt động phát triển mô hình sân khấu XHH, nay chỉ còn vài ba sân khấu ngày đêm chật vật tìm cách hút người xem. Còn tại Hà Nội, hàng loạt sân khấu xã hội hóa cũng nói lời từ giã. Việc đóng cửa nhiều sân khấu này, hóa ra lại là chuyện… bình thường.

Cụ thể, tại thành phố Hồ Chí Minh, muôn nỗi khó khăn đang đổ dồn lên tình yêu nghề, niềm say mê nghệ thuật và nhiệt huyết với sàn diễn của các ông bà “bầu” sân khấu kịch nói. Nhìn vào mặt bằng sân khấu cho thuê mướn làm điểm tổ chức biểu diễn văn hóa nghệ thuật hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh, gần như không có sàn diễn nào đẹp, đạt chuẩn, có vị thế tốt, nằm ở khu vực đông dân cư, khu trung tâm, có thể đáp ứng cho hoạt động tổ chức biểu diễn kịch nói. Không có điểm diễn, các ý tưởng nghệ thuật, những mong muốn biểu diễn sẽ không thể phát huy, nghệ sĩ không có nhiều cơ hội rèn nghề… Từ đây, các tác phẩm sân khấu nghệ thuật sẽ không có cơ hội đến với công chúng. Không chỉ vậy, việc đóng cửa, tắt đèn sàn diễn kéo dài sẽ khiến lượng người xem của các sân khấu kịch dần quên thói quen đến rạp xem kịch. Và cứ thế, theo dòng chảy của thời gian, loại hình sân khấu kịch nói cứ èo uột dần. Bà “bầu” Mỹ Uyên của Nhà hát sân khấu nhỏ 5B tâm tư: Vấn đề cơ sở vật chất muôn đời là nỗi khó khăn, niềm trăn trở khôn nguôi của các ông bà “bầu” sân khấu XHH.

Ở một góc nhìn khác, không thể phủ nhận, nhiều năm qua, chất lượng nghệ thuật, tổ chức biểu diễn trong lĩnh vực sân khấu nói chung. sân khấu kịch XHH nói riêng bị giảm sút, do thiếu đội ngũ sáng tác hùng hậu, có tài, có kinh nghiệm nghề, sự sáng tạo, kiến thức sâu rộng. Thiếu tác phẩm hay, xuất sắc, không thể có được những vở diễn độc đáo. Chưa kể, đội ngũ đạo diễn sân khấu có tay nghề hiện cũng hiếm hoi, nên không thể xây dựng nhiều vở diễn có sự bứt phá. NSND Trần Ngọc Giàu lo ngại: “Hiện nay, nhiều đạo diễn sân khấu kịch dựng không ra tác phẩm hoàn chỉnh, vở diễn đầy lỗi và vẫn theo cảm tính. Càng về sau, người dạy nghề đạo diễn càng thiếu, người học không được trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết cho nghề. Tôi sợ nhất là tại các gameshow truyền hình, các em chỉ mới dựng được một tiểu phẩm nhưng ban giám khảo đã tung hô, khen ngợi. Một game show và một tiết mục sân khấu dàn dựng hoàn toàn khác nhau”. Chính khoảng trống hụt hẫng trong công tác đào tạo đội ngũ kế thừa suốt nhiều năm qua, khiến cho lĩnh vực sân khấu thiếu hụt trầm trọng những đạo diễn có tay nghề, giỏi chuyên môn. Tình trạng này tồn tại, diễn biến theo xu hướng ngày càng xấu đi, nhưng đến nay, đơn vị quản lý văn hóa cùng các ban ngành liên quan chưa tìm ra được một giải pháp cụ thể để hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ với những khó khăn, bức bách, tồn tại của các sân khấu XHH.

Đề cập tới hướng đi của xã hội hoá dân khấu, NSND Lê Huy Quang khẳng định: “XHH sân khấu là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, xu thế tất yếu của cuộc sống. Nhưng để thực hiện được điều đó, trước hết vẫn phải có được sự hậu thuẫn từ phía nhà nước, bằng những cơ chế chính sách phù hợp từ đầu tư cơ sở vật chất, cho đến đào tạo, sử dụng, đãi ngộ… đội ngũ nghệ sĩ. Từ đó mới có thể khuyến khích được tinh thần sáng tạo từ những tài năng thực sự. Đây hoàn toàn không phải là sự trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, mà thực tiễn sân khấu hiện nay đang đòi hỏi phải có một sự đổi mới mang tầm vĩ mô, được thực hiện đồng bộ từ trên xuống dưới, thì mới có thể cải thiện được tình hình”. Vì thế, cần điều tra, đánh giá thực trạng XHH hoạt động sân khấu từ khi ra đời đến nay. Từ đó mới có thể định ra được lộ trình tích cực và hiệu quả hơn, để chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, trong đó có hoạt động sân khấu đạt được những mục tiêu đề ra”, NSND Lê Quang đề xuất.

MINH NGUYỆT

 

 

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tìm hướng mới cho sân khấu xã hội hóa
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác