Print Thứ Bảy, 26/01/2019 16:28

Dành trọn vẹn một ngày cuối tuần về với huyện Kiến Thụy trong dịp cuối năm, du khách có dịp tham quan nhiều di tích tâm linh mang giá trị văn hóa, lịch sử quý báu của vùng đất từng ghi dấu nhiều công trạng của các bậc quân vương khi xưa.

Từ trung tâm thành phố Hải Phòng, theo con đường dài gần 20 km về phía Nam, du khách sẽ đến thị trấn Núi Đối. Nơi đây được đánh giá là thơ mộng nhất ở Hải Phòng bởi mang vẻ đẹp sơn thủy hữu tình với dòng sông Đa Độ rộng lớn, xanh trong uốn lượn như dải lụa mềm cùng với núi Đối và núi Chè. Đỉnh núi Đối xưa còn có 5 phiến đá đại diện cho ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, một thế đất tụ linh khí núi sông. Tại các địa danh này, khoảng gần 800 năm trước, Phật hoàng Trần Nhân Tông, người sáng lập Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, về đây vãn cảnh trước khi về cõi Niết Bàn. Núi Đối, núi Chè cũng là nơi Hưng Đạo Đại vương tập trung quân binh vùng đồng bằng sông Hồng để mở trận quyết chiến đánh tan quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng. Tọa lạc trên đỉnh núi Đối là chùa Khánh Đối. Chùa có tên chữ là Linh Sơn Viên Giác Tự, được khởi dựng cách đây hơn 800 năm, nhìn ra sông Đa Độ, tạo nên một không gian tĩnh mịch, mang đậm bản sắc văn hóa tín ngưỡng phật giáo.

Đền Mõ còn lưu giữ cây gạo đại thụ  linh thiêng ở xã Ngũ Phúc.
Đền Mõ còn lưu giữ cây gạo đại thụ  linh thiêng ở xã Ngũ Phúc.

Rời chùa Khánh Đối, tiếp tục đi theo đường tỉnh lộ về phía tây nam khoảng 6 km, du khách sẽ đến quần thể di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia đền, chùa Mõ tọa lạc tại thôn Nghi Dương, xã Ngũ Phúc. Theo ngọc phả đền Mõ, năm Quý Mùi (1283), công chúa Quỳnh Trân, con gái vua Trần Thánh Tông (1258-1278) xuất gia quy y cửa Phật và chọn mảnh đất nằm ven sông Văn Úc (xã Ngũ Phúc ngày nay) để tu hành. Công chúa chiêu mộ dân chúng đến vùng này khai khẩn ruộng đồng, lập điền trang, thái ấp, chùa chiền, đồng thời cung cấp lương thực, quần áo, tiền bạc nhằm mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho họ. Để điều hành công việc hằng ngày của người dân theo giờ giấc như: nghỉ ngơi, ăn uống, đi làm… công chúa đặt ra hiệu lệnh bằng cách gõ mõ cho mỗi công việc. Vì vậy, ngay từ thời đó, chùa, chợ đều được gắn thêm từ Mõ: chùa Mõ, chợ Mõ. Sau khi công chúa mất, vua Trần Anh Tông (1293-1314) ra sắc phong bà là Trần Triều Ả Nương Thiên Thụy Quỳnh Trân công chúa và cho lập đền thờ bà ở ngay bên cạnh chùa Mõ, gọi là đền Mõ. Quần thể đền, chùa Mõ là tổng thể kiến trúc thống nhất, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Cùng với kiến trúc cổ đặc sắc, trong sân đền còn có cây gạo đại thụ hơn 700 tuổi được công nhận là cây di sản Việt Nam. Tương truyền, cây gạo này do chính tay công chúa Quỳnh Trân trồng. Trải qua thời gian, thân cây xù xì, mọc rêu nhưng đến mùa vẫn nở hoa đỏ rực, tỏa bóng mát.

Từ chùa Mõ, đi ngược lại phía thị trấn khoảng 8 km, du khách sẽ đến điểm đến cuối là Khu tưởng niệm các Vua Nhà Mạc ở thôn Cổ Trai (xã Ngũ Đoan). Vương triều Mạc bắt đầu khi Mạc Đăng Dung (người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, trấn Hải Dương – nay là làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy) đăng quang năm 1527, đóng đô ở Thăng Long, lấy Hải Dương làm Dương kinh (kinh đô thứ 2), lập cung điện ở Cổ Trai. Đến với Khu tưởng niệm các Vua Nhà Mạc rộng hơn 10 ha, du khách sẽ ngỡ ngàng trước khung cảnh vừa mang nét cổ kính, linh thiêng vừa thơ mộng, lung linh. Tại đây còn lưu giữ nhiều cổ vật quý giá, đặc biệt là thanh Định Nam Đao hơn 500 năm tuổi đặt trong chính điện. Đến với khu tưởng niệm, du khách được thưởng thức Mạc trà – nét văn hóa độc đáo của người Việt. Mạc trà gắn liền với Thái Tổ Mạc Đăng Dung, từ thuở hàn vi đến khi lên ngôi đế vương, trong ẩm thực thường nhật, Mạc Thái Tổ đều có thói quen uống trà.

Nguyễn Dương – Báo Hải Phòng 13/1/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tìm dấu vết đế vương tại Kiến Thụy
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác