Print Thứ Hai, 25/03/2019 13:55

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi- Thú y, những ngày vừa qua, dịch diễn biến phức tạp tại các huyện, số lợn thịt bị tiêu hủy trên toàn thành phố chiếm khoảng gần 3% tổng đàn lợn thịt. Tuy nhiên, tại các huyện, còn hơn 353.000 con lợn thịt khỏe mạnh cần các giải pháp cụ thể để sớm được tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu thị trường và hỗ trợ người chăn nuôi.

Các quầy bán thịt lợn tại chợ Lương Văn Can (quận Ngô Quyền) vắng khách.

Lượng tiêu thụ giảm mạnh

Mấy ngày nay, theo phản ánh của người tiêu dùng, giá thịt lợn tại các chợ nội và ngoại thành, không giảm so với trước. Các loại thịt mông, vai, ba chỉ giá dao động ở mức 90- 100 nghìn đồng/kg, tại chợ nội thành, 80 nghìn đồng/ kg ở các chợ ngoại thành. Người chăn nuôi ở các xã chưa xảy ra dịch như Thủy Triều, An Lư (Thủy Nguyên); Lê Lợi, Hồng Phong (An Dương); Quang Hưng, Mỹ Đức, (An Lão)…vẫn tiêu thụ được đàn lợn khỏe mạnh.

Tuy nhiên, việc thịt lợn tại các chợ giảm hơn nhiều so với những ngày đầu xuất hiện dịch. Tại các chợ Lương Văn Can (quận Ngô Quyền), An Dương (quận Lê Chân), Tam Bạc (quận Hồng Bàng)… chủ các quầy hàng bán thịt lợn cho biết, mấy ngày nay, lượng người mua thịt giảm 20-30% so với những ngày đầu xuất hiện dịch. Trong khi giá tôm, cá, thịt gà, thịt bò…cũng đắt hơn. Tại các chợ ngoại thành như Minh Kha (An Dương), Mỹ Đức (An Lão), Tú Sơn, Đại Họp (Kiến Thụy)…người mua thịt càng giảm hơn. Chị Nguyễn Thị Chiên ở xã Quang Phục (huyện An Lão) cho biết, mấy ngày nay, thấy trong xã và huyện dịch tả lợn diễn biến phức tạp tại các hộ nuôi, nên chị tạm thời không mua thịt để phòng, chống nguy cơ lây nhiễm.

Tại huyện Thủy Nguyên- địa phương đã công bố dịch, việc lưu thông thịt lợn trong nội vùng càng khó khăn hơn, mức tiêu thụ giảm nhiều so với trước khi xảy ra dịch. Ở một số xã trong vùng dịch, hiện các hộ chế biến và kinh doanh sản phẩm thịt lợn hiện chuyển hướng nghề khác. Số ít hộ giết mổ lợn khỏe bán lại cho người dân trong thôn, xã, nhưng lượng bán được rất ít. Theo Chủ tịch UBND xã Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên) Lê Sinh, từ ngày 24-2 đến nay, hoạt động mua, bán thịt lợn trên địa bàn xã bị ảnh hưởng. Trên địa bàn xã có khoảng 20 hộ giết mổ lợn, hiện nay 10 hộ đã chuyển nghề. Thị trường tiêu thụ thịt lợn chỉ bằng 20-25% so với ngày thường.

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia chế biến, tiêu thụ

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi-Thú y, đàn lợn khỏe mạnh tại các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ ngoài vùng dịch, các trang trại, gia trại vẫn chiếm 97% trong tổng đàn lợn toàn thành phố (khoảng 353.000 con lợn thịt). Vì vậy cần giải pháp tiêu thụ cụ thể ở từng địa phương tùy theo diễn biến thực tế phát sinh dịch.

Huyện Thủy Nguyên công bố vùng dịch, nên theo quy định không được lưu thông lợn ra khỏi địa bàn cho tới khi hết dịch. Dù huyện tăng cường công tác tuyên truyền sử dụng thịt lợn an toàn, người dân vẫn lo ngại và hạn chế sử dụng thịt lợn. Kéo theo đó, sức mua trên thị trường giảm, số lượng lợn thương phẩm tồn đọng lớn.

Trường hợp muốn tiêu thụ ra ngoài địa bàn huyện, bắt buộc phải lấy mẫu xét nghiệm để chứng minh âm tính với dịch tả lợn châu Phi. Trong khi đó, chi phí làm xét nghiệm hơn 1 triệu đồng/mẫu. Vì vậy, địa bàn huyện Thủy Nguyên lúc này rất cần các cơ quan truyền thông, báo chí tuyên truyền, động viên người dân sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn từ các cơ sở giết mổ lợn có sự giám sát cán bộ thú y và chính quyền địa phương, để đẩy mạnh tiêu thụ nội vùng.

Đối với các huyện chưa công bố dịch và ngoài vùng dịch, để hỗ trợ các hộ chăn nuôi tiêu thụ lợn khỏe mạnh, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hải Phòng đề xuất thành phố xem xét phương án chỉ định cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm lớn, các doanh nghiệp chế biến có uy tín trên địa bàn thành phố thu mua lợn của các hộ dân, sau đó cung cấp, phân phối ra thị trường. Trong quá trình thu mua, giết mổ lợn có sự kiểm dịch chặt chẽ của cơ quan thú y. Đối với lợn của các hộ chăn nuôi được thu mua cũng phải qua kiểm dịch. Tuy nhiên, Chi cục cũng đề xuất thành phố yêu cầu ngành chức năng miễn phí kiểm dịch cho các hộ chăn nuôi.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn Phạm Văn Lập, để thiết thực hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, giải pháp tiêu thụ sản phẩm lợn khỏe mạnh rất cấp thiết vào thời điểm hiện tại. Vì vậy, khâu tuyên truyền, vận động người dân yên tâm tiêu thụ thịt lợn đã qua kiểm dịch, bảo đảm an toàn cần được chính quyền địa phương, các ngành chức năng chú trọng bằng nhiều hình thức.. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường giám sát chặt chẽ các khâu lưu thông, vận chuyển, giết mổ để bảo đảm nguồn cung thịt lợn ra thị trường an toàn…

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ – Báo Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: TIÊU THỤ SẢN PHẨM THỊT LỢN KHỎE MẠNH: Kiểm dịch chặt chẽ, hỗ trợ lưu thông
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác