Sáng 15.3, thành phố Hải Phòng đã tổ chức họp bàn biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP).
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, từ ngày 1.2 đến 14.3, bệnh DTLCP đã phát sinh tại 223 xã, thuộc 54 huyện trên địa bàn 18 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn buộc phải tiêu hủy lên tới 24.000 con.
Tại Hải Phòng, tổng đàn lợn là 412.058 con. Dịch bệnh phát sinh từ ngày 22.2 tại thôn 12 (xã Chính Mỹ, Thủy Nguyên) đến ngày 14.3 đã lan rộng ra 409 hộ, ở 104 thôn, thuộc 37 xã, phường, trên địa bàn 6 quận, huyện. Số lợn bắt buộc phải tiêu hủy chiếm 6.050 con, trọng lượng 331.671kg.
Riêng ngày 14.3, dịch phát sinh thêm tại 37 hộ, ở 22 thôn, thuộc 9 xã trên địa bàn 2 huyện Thủy Nguyên và Tiên Lãng. Số lợn bắt buộc phải tiêu hủy là 583 con, trọng lượng trên 41.390kg.
Theo thống kê, DTLCP chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh kém. Cụ thể, qua điều tra dịch tễ, 40% số hộ phát sinh dịch bệnh tại các địa phương có sử dụng thức ăn thừa của các nhà hàng, bếp ăn tập thể để chăn nuôi lợn.
Ngoài ra, tình trạng vận chuyển lợn từ vùng dịch vào Hải Phòng giết mổ, tiêu thụ và nguồn nước, phương tiện vận chuyển thức ăn chăn nuôi đến các hộ chăn nuôi cũng là những nguồn tiềm ẩn nguy cơ lây lan mầm bệnh.
Hải Phòng đã cấp 31.000 lít hóa chất triển khai tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc, phòng chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đình Chuyến, yêu cầu: Trong thời gian tới, các thành viên Ban chỉ đạo tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai quyết liệt công tác phòng, chống và khoanh vùng dập dịch.
Tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc các chốt, trạm kiểm soát hoạt động hiệu quả; kiểm tra các ổ dịch, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống; nghiên cứu, rà soát Kế hoạch phòng, chống bệnh DTLCP của thành phố, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn. Phối hợp với Sở Tài chính khẩn trương tham mưu cho thành phố đề xuất mức hỗ trợ hợp lý cho các hộ dân có lợn buộc phải tiêu hủy do mắc dịch.
Hải Phong Theo Báo Lao động