Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 5921/VPCP-CN ngày 5-7-2019 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, về việc thực hiện các biện pháp đảm bảo cung ứng điện. Đây là động thái cần thiết trong bối cảnh thời tiết mùa hè năm nay diễn biến bất thường, tác động không nhỏ đến công tác cung ứng và sử dụng điện năng của Hải Phòng cũng như cả nước.
Nhu cầu gia tăng
Trên nền tảng bứt phá mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng, thời gian qua thành phố đang có những bước tiến ngoạn mục trong lĩnh vực kinh tế, xã hội. Riêng về sản xuất công nghiệp, với việc khai thác hiệu quả các khu công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài vào thành phố đã vượt lên vị trí dẫn đầu cả nước, xuất hiện ngày càng nhiều dự án lớn.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng sản xuất công nghiệp đã đạt 23,5% so với cùng kỳ 2018. Cùng với đó, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, xu hướng mua sắm vật chất cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Những điều đó đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng điện năng cũng tăng theo.
Theo tính toán của ngành điện, tốc độ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ điện trên địa bàn thành phố từ 8 đến 10%/năm. Mặc dù ngành điện đã có nhiều nỗ lực, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng/năm để nâng cấp cải tạo hệ thống truyền tải điện, tuy nhiên khi nắng nóng cao điểm, nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, vẫn tiềm ẩn nguy cơ quá tải cục bộ, gây sự cố mất điện, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư sản xuất điện và nâng cấp cải tạo hệ thống truyền tải, việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả chính là một trong những giải pháp hữu hiệu để tạo sự ổn định trong cung ứng điện năng trên địa bàn.
Nhìn rộng ra cả nước, đây cũng là yêu cầu cấp bách trong tình hình phát triển chung. Thông tin từ tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, do tình hình nắng nóng gay gắt diện rộng duy trì liên tục ở mức 39 đến 40 độ ở khu vực miền Bắc và miền Trung đã làm cho công suất tiêu thụ đầu nguồn và sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc tăng cao kỷ lục.
Để bảo đảm cung cấp điện với mức tiêu thụ tăng rất cao, EVN đã phải thường xuyên huy động các tổ máy nhiệt điện chạy dầu với chi phí cao, có ngày tổng công suất chạy dầu lên tới gần 2.000 MW. EVN cũng khuyến cáo tới các cơ quan, công sở, nơi sản xuất và người dân chú ý sử dụng điện an toàn, hiệu quả và tiết kiệm.
Lợi ích từ tiết kiệm
Trở lại với văn bản chỉ đạo số 5921/VPCP-CN của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Bên cạnh yêu cầu đảm bảo, ưu tiên nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện, Phó thủ tướng cũng chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền tiết kiệm điện trong phạm vi cả nước, nhất là đối với các khu vực có mức tiêu thụ điện cho sản xuất và sinh hoạt lớn.
Đây là biện pháp hết sức cần thiết, giành thế chủ động trước những diễn biến phức tạp của thời tiết mùa hè năm nay.
Những năm qua, phong trào tiết kiệm điện đã được triển khai rộng rãi trên địa bàn Hải Phòng. Nổi bật là phong trào “Gia đình tiết kiệm điện” ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, các chương trình phối hợp như phong trào “Thắp sáng niềm tin”, “Mùa hè thanh niên tình nguyện chung tay tiết kiệm điện”, “Trường học chung tay tiết kiệm điện”… cũng đã đem lại những kết quả thiết thực.
Có thể nói, việc thực hiện tiết kiệm điện là điều lợi cả đôi đường. Ông Nguyễn Trí Thọ ở ngõ Nam Pháp 1 (Ngô Quyền) chia sẻ, với cách tính giá điện như hiện nay, tiết kiệm được càng nhiều thì lợi ích càng cao. Ông Thọ cho biết, gia đình ông vừa đầu tư cải tạo thay thế hệ thống chiếu sáng bằng đèn compact và một số thiết bị gia dụng khác theo công nghệ mới.
Nhưng ông Thọ cho rằng, quan trọng nhất vẫn là ý thức sử dụng, vì vậy mọi người trong nhà ông ai cũng được “tập huấn” phương pháp “tắt – bật”, nhất là đối với máy điều hòa nhiệt độ. Nhờ vậy, nếu như mùa nóng năm 2018, trong 4 tháng nóng bình quân mỗi tháng gia đình ông phải trả tiền điện 1,5 triệu đồng/tháng, nhưng mùa nóng năm 2019 này, dù giá điện tăng nhưng mức bình quân hai tháng đầu mùa giảm xuống chỉ còn 1,35 triệu đồng/tháng.
Trên địa bàn thành phố hiện nay, nguồn điện cung cấp tương đối ổn định với sự tham gia hòa mạng của Công ty cổ phần nhiệt điện Hải Phòng. Như đã nói ở trên, ngành điện những năm qua đã có nhiều cố gắng đổi mới đầu tư, đổi mới phương thức dịch vụ. Tuy nhiên trong quá trình chuyển đổi cơ chế, nhận thức chung về cơ sở hạ tầng lẫn ý thức sử dụng điện trong xã hội vẫn còn biểu hiện đan xen giữa bao cấp và thị trường.
Mặt khác, một số hạ tầng trong quá trình cải tạo chưa thực sự đồng bộ, nguy cơ quá tải và những nguy cơ khác trong mùa hè nắng nóng, mưa, bão vẫn tiềm ẩn. Chính vì vậy, yêu cầu về tiết kiệm điện đòi hỏi sự tham gia không riêng các hộ gia đình, các doanh nghiệp, mà còn cần sự thống nhất của các cấp, ngành thuộc hệ thống quản lý nhà nước.
Lê Minh Thắng