Print Thứ Ba, 19/02/2019 10:41

Mùa xuân mới năm Kỷ Hợi 2019 đã sang, nhân dân thành phố đã có được một cái tết vui tươi và tiết kiệm, trong đó phải nói là sự bình ổn giá cả của thị trường trước và trong tết đóng góp một phần rất quan trọng.

Các siêu thị tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong bình ổn thị trường

          Trước và trong tết: bình ổn nhất từ trước đến nay

          Đã trở thành quy luật, cùng với việc coi trọng ý nghĩa của tết truyền thống, thị trường hàng hóa cuối năm, nhất là cận tết bao giờ cũng sôi động vì sức mua tăng cao. Nguồn cung tập trung lớn dễ tạo ra ách tắc lưu thông, và tỷ lệ thuận với nó là sự đầu cơ, chộp giật làm giá cả biến động. Theo lãnh đạo Sở Công thương, nhận thức rõ điều đó nên ngay từ đầu quý 4, các biện pháp bình ổn thị trường đã được thành phố đặc biệt chú trọng.

          Trên tinh thần thực hiện kế hoạch 265/KH-UBND của UBND TP về chương trình bình ổn thị trường, ngành Công thương đã phối hợp với ngành NN&PTNT tiến hành rà soát lại nguồn cung các hàng hóa thiết yếu, từ khâu sản xuất, lưu thông đến kinh doanh và dịch vụ. Từ đó tổ chức chỉ đạo, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà sản xuất tích trữ hàng hóa, sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng và du khách đến Hải Phòng dịp tết.

Cũng theo đánh giá của ngành Công thương, thị trường hàng hóa dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vừa qua không có biến động lớn. Nguyên nhân là thời tiết mùa vụ năm nay khá thuận lợi cho nuôi trồng các loại nông sản phục vụ tết, đặc biệt trên địa bàn thành phố không xảy ra dịch bệnh, do đó sản lượng của các trang trại và khu vực ngoại thành đạt khá cao. Mặt khác, diễn biến tích cực từ việc giá xăng dầu giảm liên tục cũng tác động tốt vào khâu lưu thông, góp phần giữ ổn định thị trường. Việc phân nhóm các loại hàng và dự báo mức cung cầu, phân tích các yếu tố tác động, các giải pháp kiểm soát và kiềm chế được UBND TP trực tiếp chỉ đạo. Nên có thể nói, cả hệ thống quản lý và người tiêu dùng đã khá chủ động, ứng phó với diễn biến thị trường dịp tết năm nay.

          Tính đến ngày cúng ông Táo (23 tháng Chạp), sức mua vẫn chưa đáng kể, nguyên nhân cơ bản là nhiều cơ quan doanh nghiệp chưa phát lương thưởng, cùng với những khó khăn hiện hữu của lực lượng lao động tự do. Điều này không chỉ làm cho không ít đầu mối tích trữ hàng hóa lo lắng, mà các cơ quan quản lý cũng sốt ruột vì e rằng sức mua bùng nổ trong những ngày giáp tết sẽ rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố và các ngành liên quan thể hiện quyết tâm rất cao, các đoàn kiểm tra, kiểm soát, giám sát, liên tục hoạt động suốt những ngày tết. Đáng ghi nhận là hệ thống các siêu thị lớn cũng các hộ kinh doanh tại các chợ đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa đủ đáp ứng sức mua. Đặc biệt năm nay có sự tham gia tích cực của VinMart với chuỗi hàng chục điểm bán hàng, đã góp phần làm thị trường thêm phong phú.

Kết quả là, trước và trong tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thị trường hầu như không có biến động bất ngờ. Trong đó ổn định nhất là lương thực, thực phẩm tươi sống như bò, gà, lợn, thủy sản, rau củ quả… Khảo sát cho thấy, vẫn có những khoảng chênh về giá nhưng là do sự phân bố khu vực giữa các chợ, hơn nữa mức chênh cao nhất cũng chưa đến 5%. Một số mặt hàng được tiêu thụ rất mạnh, đơn cử như bia Sài Gòn gần như hết hàng ngày cận tết cũng chỉ dao động quanh mức 240 nghìn đồng/thùng 24lon; bia Heineken 380 nghìn đồng/thùng 24lon…

Phó Chủ tịch  UBND TP Nguyễn Văn Thành kiểm tra thị trường hàng hóa tết Kỷ Hợi 2019

Không chủ quan với thị trường sau tết

Ngoại trừ phân khúc cây cảnh có phần thiệt thòi do thời tiết nắng nóng, còn lại những gì diễn ra đã khẳng định: về cơ bản, thị trường trước và trong tết Nguyên đán năm nay bình ổn nhất từ trước đến nay, cả về giá và cung cầu hàng hóa. Việc người dân tập trung mua sắm những mặt hàng thiết yếu mang tính truyền thống, cùng với hạn chế đầu tư mua các vật dụng đắt tiền, đã làm nên một nét đẹp của tinh thần văn minh, tiết kiệm.

          Việc thị trường hàng hóa cơ bản bình ổn trước và trong tết được coi là một thành công lớn, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, mà vai trò chủ động trong chỉ đạo của UBND TP đóng góp tính chủ quan có thể nói là cao nhất. Bên cạnh đó, sự xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố không chỉ phân tán tính cục bộ thị trường, mà còn thu hút người tiêu dùng đến nhiều hơn với phương pháp mua sắm hiện đại mang tính ổn định cao, đã thực sự tạo ra môi trường cạnh tranh hoàn hảo. Mặt khác, thời tiết năm nay rất thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối cũng như mua sắm hàng hóa.

Nguồn tin từ ngành Công thương cho thấy, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên địa bàn thành phố dịp tết ước bình quân khoảng trên 11.000 tỷ đồng/tháng, tăng khoảng trên 16% so với bình quân các tháng khác trong năm và tăng trên 20% so với cùng kỳ dịp tết năm Mậu Tuất 2018. Mặc dù dự báo khả quan về thị trường, nhưng ngành công thương vẫn hết sức chủ động, nhằm phòng ngừa những diễn biến tiêu cực có thể xảy ra. Nhất là trong dịp sau tết, khi nhu cầu du xuân, lễ hội đầu năm tăng cao, làm xoay chuyển nhiều phân khúc thị trường.Vì vậy chương trình bình ổn tiếp tục được tăng cường, ngành Công thương cũng đã phối hợp với các quận, huyện trên địa bàn thành phố, tổ chức giám sát chặt chẽ việc kinh doanh, dịch vụ của hệ thống các chợ truyền thống. Với mục tiêu chung là vận động sự tham gia của cả xã hội, cùng chung tay bình ổn, để có được môi trường thương mại lành mạnh trọn vẹn.

          Điều quan trọng là, hoạt động của thị trường tết chưa chấm dứt, mà tiếp tục kéo dài hàng tháng sau tết. Mặc dù nhu cầu về một số mặt hàng sẽ giảm như thịt, thực phẩm chế biến, nông sản khô, cây cảnh, quà tặng… Nhưng nhiều nhóm hàng khác sẽ gia tăng như hoa quả, đồ lễ, thủy sản, rau củ, dịch vụ phương tiện giao thông… Trên thực tế, trong một tuần trở lại đây nhóm hàng này đang có dấu hiệu tăng, dù mức tăng bình quân mới chỉ từ 5%. Cá biệt có thể kể hoa quả hiện tăng giá khoảng 20% đối với các loại cam, quýt, bưởi, nho, xoài, táo… hoặc như một số loại rau xanh tăng tới 20% do nhu cầu “chống háo” sau tết. Đây cũng là quy luật tất yếu được cộng hưởng từ nhiều lý do, vì ngay sau tết có cả chuỗi những sự kiện liên quan làm nhu cầu tiêu thụ tăng cao, bắt đầu từ việc đốt hóa vàng, rồi cúng rằm tháng Giêng, đến sắm lễ trẩy hội. Một nguyên nhân nữa bổ trợ làm thị trường thêm khó, là rất có thể các siêu thị cạn hàng sau tết, chưa kịp chuyển hàng đáp ứng, nhất là hàng tươi sống.

          Mặt khác, như đã nêu ở trên, trên địa bàn thành phố cũng như cả nước thời điểm này có rất nhiều lễ hội được mở, bên cạnh việc du xuân còn thêm yếu tố tâm linh, tất cả đều liên quan đến thị trường hàng hóa và dịch vụ. Người Hải Phòng thích đi lễ nơi xa và cơ bản có thói quen sắm lễ từ trước, việc tập trung vào một số đồ lễ sẽ dễ tạo ra biến động về giá và nguồn cung. Nhu cầu lễ hội cũng khiến cho dịch vụ xe khách náo động, tình trạng “cháy” xe xảy ra đối với hầu hết các hãng taxi và cả các trạm dịch vụ xe tư nhân khác, khiến giá xe nhiều khi bị đẩy “lên trời”.

Dù nói gì thì cũng cần phải nhìn nhận là, diễn biến thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm nay được coi là bài học kinh nghiệm lớn, rất đáng ghi nhận những nỗ lực trước và trong tết, nhưng cần bổ sung tính chủ động quyết liệt hơn đối với khoảng thời gian sau tết. Từ kinh nghiệm những năm trước, nếu không có giải pháp hữu hiệu, thì khó ai dám chắc rằng thị trường sẽ tiếp tục bình ổn.

Lê Minh Thắng

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tiếp tục tập trung cao bình ổn dịp sau tết
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác