Sáng 31/7, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì hội nghị trực tuyến với các quận, huyện về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đến dự hội nghị có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; các Phó chủ tịch UBND thành phố. Tại điểm cầu địa phương có các đồng chí Bí thư các quận, huyện ủy; Chủ tịch UBND các quận, huyện.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cho biết, từ ngày 25 đến 30/7, Hải Phòng triển khai nhiều biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Hội nghị này nhằm rà soát, nghe báo cáo tổng hợp công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các sở, ngành, địa phương và thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.
Trong ngày 30/7, toàn thành phố có 208 người về từ vùng dịch
Báo cáo tình hình dịch bệnh của thành phố, Chánh Văn phòng UBND thành phố Phạm Hưng Hùng cho biết, tính đến 12 giờ ngày 30/7, tích lũy số trường hợp ghi nhận tại Hải Phòng là 34 ca bệnh. Về tình hình di biến động dân cư trên địa bàn thành phố, người về (đến) từ vùng dịch trong ngày 30/7 là 208 người (giảm 88 người so với ngày 29/7). Số người từ Hải Phòng đi khỏi địa bàn về vùng dịch là 7 người, giảm 4 người so với ngày 29/7.
Về kiểm soát tại các chốt, trong ngày 30/7 rà soát 11.467 phương tiện với tổng 15.236 người qua lại. Tập trung chủ yếu tại chốt ga Dụ Nghĩa, đường 5A (huyện An Dương), chốt cao tốc Hà Nội-Hải Phòng tại Đình Vũ (quận Hải An), chốt cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, nhánh xuống quốc lộ 10 (huyện An Lão). Tổng số phương tiện phải quay đầu không được vào thành phố là 155 phương tiện với tổng số 218 người. Tổng số người thực hiện khai báo y tế là 15.236 người, trong đó 139 người có yếu tố dịch tễ.
Về xử phạt hành chính, tính từ ngày 21/7 đến nay, toàn thành phố xử phạt 1.536 trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch, thu tổng số tiền 1.497,705 triệu đồng (trong ngày 30/7, xử phạt 172 trường hợp với số tiền 316,85 triệu đồng).
Tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch; xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng
Theo Trưởng Công an quận Lê Chân, liên quan đến việc xử lý vi phạm của 2 ca bệnh là nhân viên y tế của Bệnh viện Giao thông Vận tải, hiện lực lượng chức năng nhiều lần gửi văn bản đến Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) giám định xác nhận thời gian ủ bệnh và cơ chế lây nhiễm của 2 trường hợp trên làm cơ sở xử lý vi phạm nhưng chưa có phản hồi. Công an quận Lê Chân đang tiếp điều tra, xử lý vi phạm.
Theo lãnh đạo quận Đồ Sơn, trong ngày 30/7, qua các chốt kiểm soát của thành phố phát hiện 12 người từ vùng dịch về và yêu cầu thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà; quận chuẩn bị khu cách ly y tế tập trung 100 chỗ. Quận thành lập 8 tổ tuần tra, kiểm soát. Vào 0 giờ đêm ngày 30/7, qua kiểm tra phát hiện 1 cơ sở karaoke ở phường Hợp Đức hoạt động, phát hiện 12 trường hợp dương tính với ma túy. Quận phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tước giấy phép kinh doanh vĩnh viễn với cơ sở này và tiếp tục điều tra xử lý vi phạm… Các nhà hàng, cơ sở lưu trú (trừ nơi lưu trú của công nhân), cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận hiện dừng hoạt động theo chỉ đạo của thành phố.
Tại hội nghị, lãnh đạo quận Ngô Quyền, Kiến An, Hồng Bàng thông tin về tình hình rà soát người về từ vùng dịch; đẩy mạnh lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 với các trường hợp theo quy định của thành phố; xử lý vi phạm quy định về phòng, chống dịch; chuẩn bị khu cách ly y tế tại địa phương; rà soát tình hình khó khăn đối với người bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đề nghị hỗ trợ kinh phí theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương đề xuất Sở Tài chính hướng dẫn giải quyết kinh phí hoạt động với các chốt mới thành lập và chỉ đạo có tiếp tục duy trì hoạt động các tổ kiểm soát dịch bệnh ở thôn, tổ dân phố (có hỗ trợ kinh phí) hay không.
Theo Giám đốc Công an thành phố Vũ Thanh Chương, về tình trạng xe vượt chốt kiểm soát liên ngành, trong ngày 30/7 có 5 trường hợp. Công an thành phố đề nghị hơn 4.000 cơ sở kinh doanh có điều kiện ký cam kết thực hiện quy định về phòng, chống dịch; tăng cường phát hiện, xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm quy định về phòng, chống dịch. Về một số kiến nghị, đề xuất, Công an thành phố đề xuất tăng cường tuyên truyền, phát động toàn dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trong phòng, chống dịch bệnh; đề nghị thành phố hỗ trợ xét nghiệm SARS-CoV-2 với lực lượng thực hiện nhiệm vụ; có phương án bảo đảm an ninh năng lượng, viễn thông, điện nước cho thành phố nếu có tình huống xấu xảy ra.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lương Hải Âu đề xuất thành phố có văn bản trao đổi thông tin với các tập đoàn viễn thông trong kiểm soát các thuê bao vào thành phố. Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng thông tin về việc kiểm soát người, tàu hàng ra vào khu vực cảng biển… Theo lãnh đạo Sở Công thương, đến ngày 30/7, toàn thành phố cơ bản hoàn thành xét nghiệm với các nhân viên làm việc tại các siêu thị bán hàng thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố và đều có kết quả âm tính.
Tiếp tục nhận diện nguy cơ dịch bệnh bùng phát ở Hải Phòng
Phát biểu tại hội nghị, Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19 Phạm Thu Xanh thông tin, dịch bệnh diễn biến phức tạp với số ca mắc mới và tử vong tăng. Tại Hà Nội, ghi nhận ca mắc ở 18 quận, huyện. Đồng chí đề xuất thành phố có biện pháp kiểm soát chặt từ bên ngoài và bên trong. Trong đó, chú trọng các chốt cửa ngõ thành phố, như chốt cầu Nghìn, ga Du Nghĩa, chốt ở Quảng Ninh sang. Để làm được điều này, cần phân luồng kiểm soát chặt xe container và các phương tiện khác ra, vào thành phố. Với việc siết chặt các biện pháp bên trong, cần sớm phát hiện mầm bệnh ở cộng đồng như tăng cường “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; lập danh sách các trường hợp nguy cơ để xét nghiệm chủ động. Đồng thời, làm chậm sự lây lan bằng giảm tập trung đông người; thiết lập đường dây nóng ở các địa phương, thành lập tổ tuần tra ở khu dân cư; sắp xếp lại các chợ dân sinh, chợ cóc; yêu cầu các phòng khám bệnh cam kết bảo đảm quy định phòng, chống dịch. Đồng chí cũng yêu cầu xét nghiệm test nhanh với các thuyền viên ở các tàu nội địa…
Theo rà soát của Sở Du lịch, hiện nay các khách sạn trên địa bàn thành phố đáp ứng phục vụ cách ly y tế với tổng số 16.319 chỗ ở.
Chuyển 2.500 tổ kiểm soát dịch bệnh thôn, tổ dân phố sang hoạt động tự nguyện; chuẩn bị cơ sở cách ly y tế tập trung đáp ứng 20.000 chỗ ở
Sau khi nghe báo cáo của các sở, ngành, địa phương và xin ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố ghi nhận trong những ngày qua các địa phương, chốt kiểm soát hoạt động tích cực, hiệu quả cao trong kiểm soát người, phương tiện ra, vào thành phố, giữ Hải Phòng 14 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng. Lực lượng Công an thành phố và các quận, huyện rà soát, phát hiện các tụ điểm kinh doanh dịch vụ nhạy cảm; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trên diện rộng và quản lý các phương tiện vận tải. Tuy nhiên, trong 5 ngày triển khai, hiệu quả hoạt động của gần 2.500 tổ kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn dân cư chưa thực sự tốt, chỉ phát hiện được 45 người đưa đi cách ly y tế, thấp hơn nhiều so với số người ngoại tỉnh về Hải Phòng; việc xử phạt vi phạm hành chính với các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch chưa nhiều, trong 10 ngày chỉ mới xử lý khoảng 1.000 trường hợp; ý thức của một bộ phận dân cư chưa cao. Đồng chí chỉ đạo chuyển hoạt động của 2.500 tổ kiểm soát dịch bệnh ở các thôn, tổ dân phố từ hỗ trợ kinh phí sang tự nguyện.
Để kiểm soát tốt dịch bệnh, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị tăng cường lực lượng tại các chốt kiểm soát dịch bệnh bệnh liên ngành của thành phố; các chốt phụ giáp ranh giữa các địa phương và chốt tại các bãi xe; các địa phương rà soát, thành lập thêm các chốt kiểm soát ở các chợ đầu mối của thành phố; gia cố thêm các chốt kiểm soát tại các nơi giao nhận hàng như nhà xe, bến cảng. Chủ tịch UBND thành phố giao trách nhiệm cho các địa phương kiểm soát người từ vùng dịch về Hải Phòng. Nếu thời gian tới, phát hiện các trường hợp mắc COVID-19 từ các vùng dịch về các địa phương, không khai báo y tế, các địa phương phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, thậm chí xử lý kỷ luật.
Về các biện pháp phòng, chống dịch tiếp theo, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu vẫn làm chắc việc kiểm soát người ra vào thành phố và trong khu công nghiệp; xét nghiệm diện rộng với các trường hợp nguy cơ cao; quản lý lái xe và thực hiện gói hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời yêu cầu ẩy mạnh tuyên truyền để người dân tránh tụ tập đông người; phát động toàn dân theo dõi, phát hiện, phản ánh, vận động những người ở vùng dịch về khẩn trương ra khai báo y tế; thống nhất thành phố sẽ bố trí một số số điện thoại đường dây nóng của thành phố và các quận, huyện, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân.
Trong thời gian qua, thành phố chỉ đạo thí điểm 3 doanh nghiệp thực hiện 2 mô hình gồm mô hình “3 tại chỗ” và mô hình làm việc ở một nơi, ăn, nghỉ ở nơi riêng. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các ngành, các địa phương có doanh nghiệp được lựa chọn thí điểm cần tăng cường phối hợp chuẩn bị, rút kinh nghiệm triển khai ngay nếu có tình huống dịch bệnh xảy ra. Chủ tịch UBND thành phố cũng chỉ đạo Sở Y tế tập trung mua sắm các trang thiết bị phục vụ trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, nhất là trang bị cho cơ sở 2 của Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp để điều trị người bệnh nặng cũng như các trang thiết bị cho toàn hệ thống các bệnh viện để đáp ứng điều trị người bệnh nhẹ. Văn phòng UBND thành phố tổng hợp khả năng đáp ứng của các cơ sở lưu trú như khách sạn, các trường học, chuẩn bị sẵn bộ khung đáp ứng phục vụ cách ly các trường hợp F1 và các công nhân, người lao động ở doanh nghiệp, đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra với khoảng 20.000 chỗ ở. Thành phố sẽ thành lập khoảng 4-5 tổ nắm tình hình và xử phạt lưu động ở tất cả các quận, huyện./.
Trịnh Thường. Ảnh: Duy Thính