Tiếp tục chương trình Hội nghị Chính phủ với địa phương, chiều 28/12, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân một số tỉnh, thành phố đã báo cáo về tình hình phát triển của địa phương; đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ trong việc khống chế thành công dịch COVID-19; đồng thời nêu ra quyết tâm và đề xuất những giải pháp nhằm duy trì tốc độ phát triển nền kinh tế trong năm tiếp theo.
Khẳng định vai trò của Chính phủ trong việc khống chế đại dịch COVID-19
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố đều cho rằng trong năm 2020, trước những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều kết luận, nghị quyết, chỉ thị và chỉ đạo các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc,” vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhưng nước ta đã kiểm soát, khống chế được dịch, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng là kết quả rất đáng mừng.
Bên cạnh đó, nền kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục có sự tăng trưởng, được đánh giá là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong bối cảnh đó, thành phố Hải Phòng đã chủ động, kịp thời tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, quyết liệt chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với nhiều cách làm mới, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố.
Thành phố đã kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, là thành phố duy nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, địa phương duy nhất trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ không có ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh, khi dịch COVID-19 có những diễn biến khó lường thì sự chỉ đạo đồng bộ, cụ thể, dứt khoát, nhanh và kịp thời của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân là nhân tố đặc biệt quan trọng để tạo nên sức mạnh ngăn chặn, phòng, chống dịch.
Đến thời điểm này, tỉnh Cao Bằng chưa ghi nhận, phát hiện trường hợp nào nghi ngờ mắc COVID-19; tất cả các trường hợp đang thực hiện cách ly đều chưa có biểu hiện viêm đường hô hấp, sức khỏe ổn định.
Duy trì tốc độ tăng trưởng nền kinh tế
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng giúp kinh tế-xã hội đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong và ngoài nước, đặc biệt là những cơ chế, chính sách cho phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.
Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020), tỉnh Đồng Tháp cơ bản đạt mục tiêu đã đề ra, nền kinh tế tỉnh tiếp tục có bước phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm ước đạt 6,44%/năm, thu nhập bình quân đầu người nâng lên đáng kể, đến cuối năm 2020 ước đạt trên 47 triệu đồng, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn còn 1,21 lần.
Bên cạnh đó, lĩnh vực an sinh xã hội được chú trọng, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh-quốc phòng được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế phát triển. Diện mạo đô thị và nông thôn ngày càng khang trang, văn minh, sạch đẹp…
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030.
Trước tình hình thế giới, khu vực được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đại dịch COVID-19 chưa được kiểm soát trên toàn cầu và tác động tiêu cực có thể kéo dài, thành phố Hải Phòng nhất trí cao với những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Chính phủ đề ra trong năm 2021, trong đó, trọng tâm là tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép,” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Bước vào năm 2021, với những định hướng rất hiện thực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố đã được Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đề ra, cùng những nền tảng kinh tế-xã hội đã được tạo lập, những kinh nghiệm được đúc rút trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Hải Phòng sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu phát triển hơn nữa trong năm 2021 và những năm tiếp theo, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển vùng Bắc Bộ và cả nước.
Để giúp Hải Phòng hoàn thành được nhiệm vụ, phát huy mạnh mẽ vai trò là cực tăng trưởng, Chủ tịch thành phố Nguyễn Văn Tùng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, Chính phủ quan tâm hướng dẫn thành phố nghiên cứu triển khai lập quy hoạch thành phố Thủy Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng; xem xét, sớm phê duyệt Đề án di dời cảng Hoàng Diệu, tạo điều kiện thuận lợi phát triển không gian đô thị theo hướng Bắc sông Cấm, chỉnh trang, nâng cấp đô thị trung tâm dọc theo hai bờ sông Cấm…
Đề ra giải pháp phát triển kinh tế trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết, địa phương sẽ tiếp tục tập trung tháo 3 điểm nghẽn lớn của tỉnh về kết cấu hạ tầng như biên mậu, du lịch; hạ tầng giao thông; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thể chế, cơ chế cũng như sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ban, sở, ngành với các địa phương trong tỉnh.
Tỉnh Cao Bằng cũng sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược: khai thác, phát triển mạnh lợi thế du lịch-dịch vụ theo hướng bền vững, cơ bản bảo tồn nguyên vẹn các giá trị lịch sử, văn hóa, bản sắc dân tộc là giá trị cốt lõi; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; bảo đảm an ninh lương thực, sinh kế bền vững từ nông nghiệp cho nông dân và phục vụ xuất khẩu; phát triển kinh tế biên mậu để phát huy tối đa lợi thế 333km đường biên giới tiếp giáp với Quảng Tây và thị trường lớn của Trung Quốc./.
Xuân Tùng (TTXVN/Vietnam+)
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…
Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị…
Chiều 10.1, Ban Tổ chức hội thi truyền thống Vật dân tộc thời Mạc lần…
Sáng 10/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), hướng…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More