Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tại điểm cầu Hà Nội, sáng 27/11. Đồng chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trịnh Đình Dũng – Phó Thủ tướng Chính phủ. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo 63 tỉnh thành trong cả nước và đại diện một số tổ chức quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị – Ảnh: VGP
Tại điểm cầu thành phố Hải Phòng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự Hội nghị.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng dự tại điểm cầu Hải Phòng
Nghị quyết Trung ương 7, khóa X, là Nghị quyết toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với các quan điểm, chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Qua 10 năm thực hiện, Nghị quyết đã thu hút sự đồng tình, hưởng ứng cao của các tầng lớp nhân dân trong cả nước; nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam có bước phát triển vượt bậc, góp phần cải thiện rõ rệt đời sống của đại bộ phận nông dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội chung của cả nước. Cơ cấu ngành nông nghiệp đang được chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, cả nước gắn với nhu cầu thị trường; một số nông sản khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2017 đạt 36,5 tỷ USD, tăng 2,2 lần so với năm 2008. Giai đoạn 2008-2018, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 2,66%/năm. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng 3,5 lần, đạt từ 9,15 triệu đồng/người/năm (năm 2008) lên 32 triệu đồng/người/năm (năm 2017). Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 1,5%/ năm…
Tại Hải Phòng, sau 10 năm triển khai Nghị quyết, nông nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện, bền vững, từng bước tiến tới nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao. Tốc độ tăng GRDP nông lâm thủy sản giai đoạn 2008 – 2017 của thành phố đạt 3,07%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,9% (năm 2008) xuống còn 2,06% (năm 2017). Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp, làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn…
Bên cạnh những kết quả đạt được, do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, quá trình triển khai Nghị quyết còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại nhất định.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hải Phòng
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết đề ra, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò chủ thể của người dân. Đảng, Nhà nước ta cần phải khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên, khả năng sáng tạo của nông dân. Tiếp tục đổi mới tư duy, cùng với nông dân đẩy mạnh cuộc cách mạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sớm khắc phục những tồn tại, yếu kém trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; sản xuất nông nghiệp sạch; chủ động hơn nữa trong khắc phục thiên tai. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, hợp tác xã trong đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có cái nhìn mạnh mẽ hơn về vấn đề thị trường để khắc phục tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa; sản xuất nông sản gắn với nhu cầu của thị trường; mở rộng thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh công nghiệp chế biến. Xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững, gắn với duy trì nền văn hóa truyền thống, vùng miền, văn hóa làng gắn với văn hóa phố; các thị trấn, thị xã đều phải có kế hoạch mở rộng để đô thị hóa khu vực nông thôn… Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo triển khai hiệu quả Nghị quyết.
V.H.N – haiphong.gov.vn 27/11/2018