Print Thứ ba, 21/04/2020 19:21 Gốc

Dù các ngân hàng liên tiếp cảnh báo và bản thân khách hàng cũng đã nâng cao cảnh giác, nhưng nhiều sự cố vẫn xảy ra, đặc biệt là trong đợt dịch bệnh COVID-19 này.

Với sự bùng nổ của công nghệ, các thủ đoạn của tội phạm mạng đang trở nên ngày một tinh vi hơn, mà đích ngắm chủ yếu là nhằm vào ngân hàng.

Dù các ngân hàng liên tiếp cảnh báo và bản thân khách hàng cũng đã nâng cao cảnh giác, nhưng nhiều sự cố vẫn xảy ra, khiến khách hàng không khỏi bất an.

Liên tiếp cảnh báo

Mới đây nhất, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cảnh báo khách hàng cần thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin qua email, tin nhắn, gọi điện thoại, tin nhắn mạng xã hội.

Lý do là bởi lợi dụng tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng tội phạm có hành vi giả mạo các cơ quan nhà nước, cơ quan chức năng phòng chống dịch bệnh (Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh quốc gia, Bộ Y tế…) gửi thư điện tử (email) hay tin nhắn SMS, tin nhắn qua mạng xã hội, có chủ đề liên quan đến COVID-19 như “Cập nhật thông tin về COVID-19”, “Bán bộ Kit test nhanh COVID-19” hoặc “Khai báo y tế liên quan đến COVID-19”… đính kèm tệp tin chứa virus, mã độc hoặc đường link dẫn tới địa chỉ website hoặc ứng dụng có lưu trữ các tệp tin chứa virus, mã độc.

Khi người nhận email mở tệp tin hoặc truy cập vào đường link hoặc tải ứng dụng theo đường link, virus, mã độc sẽ ngay lập tức được tải tự động và cài đặt trên thiết bị cá nhân của người nhận email, đồng thời đánh cắp thông tin để thực hiện các giao dịch chiếm đoạt tài sản sau đó.

Ngoài ra, chúng còn lợi dụng các website quyên góp từ thiện liên quan đến dịch COVID-19 để cài mã độc lấy cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản.

Do đó, Vietcombank khuyến cáo khách hàng cần thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin qua các kênh này và lưu ý khách hàng tuyệt đối bảo vệ thông tin cá nhân, không chia sẻ các thông tin bảo mật liên quan đến mã tài khoản, mật khẩu đăng nhập dịch vụ ngân hàng điện tử, số thẻ, ngày hết hạn thẻ, số CVV thẻ, mã OTP… cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào thông qua các đường link giả mạo, email, điện thoại, tin nhắn…

Thậm chí, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) còn đưa ra khuyến cáo không nhập tên tài khoản (username), mật khẩu tài khoản Internet banking (passwords) hay mã xác thực (OTP) vào bất kỳ website nào ngoài https://online.vpbank.com.vn và ứng dụng VPBank Online.

Tiền vẫn “đi lạc”

Thủ đoạn lừa đảo lấy cắp thông tin ngân hàng nhìn chung không có gì mới, các công nghệ bảo mật cũng luôn được ngân hàng mạnh tay đầu tư. Tuy nhiên một vài sự cố xảy ra thời gian qua đang khiến khách hàng canh cánh nỗi lo mất tiền trong tài khoản.

Theo phản ánh của chị L.T.Y.T tại huyện Di Linh (Lâm Đồng), hơn 50 triệu đồng đã bất ngờ “bốc hơi” khỏi tài khoản Vietcombank của chị vào đêm ngày 15/4 vừa qua.

Cụ thể, khoảng hơn 23 giờ ngày 15/4, chị T. nhận liên tiếp các tin nhắn điện thoại báo biến động số dư trong thẻ ghi nợ Vietcombank Amex Cashback Plus. Lần đầu là trừ khoản tiền 0.1 USD từ Roll20.net, sau đó tiếp tục là 20.000 đồng, rồi 160.000 đồng từ Google Service.

Phát hiện thẻ bị trừ tiền không rõ nguyên nhân, chị T. đã ngay lập tức gọi lên tổng đài khóa thẻ. Trong thời gian gọi tổng đài thì thẻ tiếp tục bị trừ 5 giao dịch liên tiếp, mỗi lần 10.000.000 đồng từ Goole Service. Tổng cộng số tiền bị mất là 50.160.000 đồng.

Phản hồi từ tổng đài Vietcombank cho biết số tiền bị mất trên là do chị T. bị lộ thông tin thẻ. Tuy nhiên khách hàng này khẳng định không cung cấp hay để lộ thông tin cá nhân và thông tin thẻ cho bất kỳ ai.

Do khu vực sinh sống là huyện Di Linh (Lâm Đồng) không có phòng giao dịch nào của ngân hàng Vietcombank nên ngày 17/4, chị T. đã có mặt tại Chi nhánh ngân hàng Vietcombank tại 664 Sư Vạn Hạnh, quận 10. Thành phố Hồ Chí Minh để làm đơn tra soát theo hướng dẫn của tổng đài viên.

Trong buổi làm việc trực tiếp tại ngân hàng, giao dịch viên cho biết chị T. cần chờ trong khoảng 3 tháng hoặc có thể sớm hơn để ngân hàng tra soát lại cùng với Google về các khoản giao dịch trên. Sau khi có kết quả tra soát, chị T. cần tới ngân hàng để tiếp tục làm việc.

Đây không phải lần đầu tiên chị T. bị mất tiền trong tài khoản Vietcombank. Trước đó, hồi tháng 5/2017, chị T. đã bị mất hơn 13 triệu đồng từ thẻ tín dụng Visa Vietcombank, cũng với những giao dịch bất thường vào đêm khuya như trên.

Chị T. cho biết do đã nắm được quy trình xử lý của ngân hàng nên chị thực hiện theo đúng trình tự hướng dẫn.

Điều đáng nói là hiện nay đang trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các phương tiện như xe khách hay máy bay tuyến Lâm Đồng – Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại đều đang tạm dừng, tôi đã phải thuê xe riêng, di chuyển quãng đường hơn 250km để đến ngân hàng làm việc, rất vất vả và tốn kém“, chị T. chia sẻ.

Lần mất tiền trước, tôi đã phải đợi thời gian tra soát kéo dài nhiều tháng cùng nhiều lần đi lại làm việc với ngân hàng mới lấy lại được số tiền. Trong lúc đang thực hiện giãn cách xã hội và dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay, nếu cũng phải đi lại nhiều lần, mỗi lần hàng trăm km như vậy tôi thực sự rất lo lắng“, chị T. nói thêm.

Trước đó, hồi tháng 2/2020, một sự cố hy hữu đã xảy ra khi chủ thẻ Vietcombank thực hiện chuyển tiền tại một ATM công cộng. Số tiền lẽ ra phải được chuyển tới người nhận tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietbank) thì lại “đi lạc” sang một tài khoản khác tại Vietcombank.

Sự cố sau đó đã nhanh chóng được xử lý và số tiền được hoàn về cho chủ thẻ.

Xu hướng thanh toán online phát triển mạnh mẽ đồng nghĩa với việc tài khoản ngân hàng sẽ luôn có sẵn tiền. Do đó, bên cạnh việc khách hàng cảnh giác và cẩn trọng hơn trong giao dịch, thì các ngân hàng cũng cần chú trọng hơn nữa việc nâng cấp hệ thống, tăng cường các giải pháp công nghệ tối ưu, bảo mật tài khoản, đem lại sự an tâm cho khách hàng./.

Lê Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tiếp tục cảnh báo thủ đoạn lừa đảo lấy cắp thông tin ngân hàng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác