Sau khi báo Kinh tế & Đô thị đăng tải loạt bài về tình trạng xe dù bến cóc ngang nhiên bắt khách dọc đường, gây cản trở giao thông thậm chí việc các nhà xe tự ý chạy sai hành trình, sai tuyến đã khiến các nhà xe làm ăn chính thống lâm vào tình cảnh lao đao.
Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản số 2669/BGTVT-VT gửi UBND các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Cục Cảnh sát Giao thông cùng phối hợp để kiểm tra xử lý vi phạm.
Xe dù Đông Phong bắt khách tại đường Lê Thanh Nghị (Hà Nội).
Vẫn khó trong khâu quản lý
Thống kê sơ bộ đến hiện tại trên địa bàn Hải Phòng có hàng trăm xe khách dán mác xe chạy hợp đồng không tuân thủ theo đúng tuyến đăng ký mà luôn tìm cách lách luật để nhằm qua mặt các cơ quan chức năng.
Nhận định về điều này một lãnh đạo Sở GTVT Hải Phòng cho rằng: Việc đơn vị được ký dưới hình thức xe chạy hợp đồng rất đơn giản, bởi cứ đầy đủ thủ tục thì đơn vị chức năng sẽ ký. Còn việc chạy ra sao như thế nào thì rất khó trong khâu quản lý. Có lẽ vì lợi dụng tâm lý nhiều khách hàng thấy được sự tiện ích trong việc đưa đón nên hành khách đã bỏ qua nhiều quyền lợi khi đi trên các xe này. Những xe dù kiểu như vậy có rất nhiều không “không bảo hiểm hành khách, không vé, không đóng bảo hiểm, chế độ quyền lợi cho lái xe, khi xảy ra tai nạn hành khách chịu nhiều thiệt thòi và tự coi thường tính mạng của mình”.
Theo Hạt trưởng Hạt quản lý đường bộ huyện Tiên Lãng, tại địa bàn có khoảng 6 DN đăng ký vào bến, điều này đồng nghĩa với việc họ được bảo đảm nhiều quyền lợi. Khi tham gia thì các DN phải đóng phí bến bãi tuy không nhiều nhưng là trách nhiệm của DN với cơ quan chủ quản.
Ở Tiên Lãng hiện có khoảng 4 đơn vị chạy xe khách không đăng ký vào bến. Như vậy mỗi tháng họ cũng tiết kiệm được một khoản chi phí. Mỗi đơn vị có từ 3 – 5 xe đa phần hoạt động từ 3h sáng trở đi. Vì không đăng ký nên quản lý họ khó khăn trong khi các nhà xe làm ăn chính thống thì kêu trời vì họ mất một lượng khách không nhỏ. Trung bình mỗi xe dù chạy khoảng 15 – 20 khách. Như vậy, 10 xe chạy liên tục thì lượng khách trong huyện Tiên Lãng sẽ không còn. Các nhà xe chính thống giữ được khách đã khó giờ còn khó hơn trong việc xe “trống ghế” nhưng vẫn phải chạy đúng giờ, đúng hành trình.
Xe dù Hoàng Ngân tại huyện Tiên Lãng.
Bộ GTVT vào cuộc
Ngay sau khi có đơn của một số DN hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ GTVT đã có văn bản chỉ rõ UBND các tỉnh cần vào cuộc kiểm tra làm rõ nội dung đơn phản ánh của một số DN về việc “hiện nay tình trạng xe dù bến cóc ở Hải Phòng khá nhiều, các xe này không được Sở GTVT cấp phép chạy tuyến cố định, thường xuyên chạy bừa bãi, đè giờ các xe hoạt động trên tuyến cố định ( Hà Nội – Hải Phòng).
Mặc dù DN đã có đơn kiến nghị các cơ quan chức năng trên địa bàn nhưng các xe dù vẫn tiếp tục tái diễn và ngang nhiên lộng hành với số lượng ngày càng nhiều… đẩy các DN vận tải tuyến cố định đến bờ vực phá sản. Bộ GTVT đề nghị Cục CSGT chỉ đạo lực lượng tổ chức kiểm tra rà soát và xử lý vi phạm nếu có như các đơn vị vận tải đã phản ánh.
Ở Hải Phòng tình trạng xe dù chạy không đúng tuyến đang là hiện tượng phổ biến, trong khi lực lượng chức năng thì mỏng nên để xử lý triệt để là điều vô cùng khó khăn. Mặc dù UBND TP Hải Phòng đã tổ chức cuộc họp liên ngành gồm CSGT, Sở GTVT Hải Phòng để cùng phối hợp triển khai nhưng đến nay Thanh tra Sở GTVT cũng mới bắt đầu tiến hành các bước để kiểm tra xử lý các phương tiện vi phạm quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn các huyện, quận. Lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT Hải Phòng cho biết: “Do lượng người ít nên đơn vị này phải căn cứ vào tình hình cụ thể mới quyết định thời gian làm việc cho phù hợp”.
Câu chuyện về xe dù cho đến hiện tại không còn mới mẻ gì trên địa bàn Hải Phòng nhưng làm thế nào cho hiệu quả, các đơn vị kinh doanh vận tải không nhờn và lách luật để qua mặt các cơ quan chức năng thì lại là bài toán khó. Cần lắm sự vào cuộc của các Sở ban ngành trong và ngoài TP.