Văn hóa

Tiếng vĩ cầm trên hè phố

Tôi viết những dòng này khi người nghệ sỹ đường phố của Hải Phòng đã an yên nơi cõi vĩnh hằng hơn một năm rồi. Tôi viết bởi chiều nay, tôi lại đi ngang qua chốn ấy, đoạn đường dọc bờ sông Tam Bạc giữa lòng phố Cảng, mà không còn được nghe tiếng đàn réo rắt, không còn nhìn thấy hình ảnh quen thuộc của ông – người nghệ sỹ chơi vĩ cầm trên hè phố.

Không chỉ với một mình tôi, mà với rất rất nhiều người dân Hải Phòng, đặc biệt là những ai thường xuyên qua lại con phố Nguyễn Đức Cảnh và nhiều con phố khác ở nội thành, thì hình ảnh một cụ ông dáng hình gầy gò, khắc khổ, ngày ngày ngồi trên hè phố độc diễn với cây vĩ cầm đều đã quá quen thuộc. Mặc cho dòng đời hối hả trôi, mặc cho dòng người ngược xuôi tấp nập, ông vẫn say sưa kéo đàn. Những giai điệu quen thuộc của các ca khúc Bèo dạt mây trôi, Cò lả, Cây trúc xinh, Về quê … cứ thế lần lượt được ông tấu lên. Tiếng vĩ cầm trên hè phố hòa vào tiếng nói cười, tiếng máy nổ, tiếng còi xe… để trở thành một phần âm sắc không thể thiếu trong bản nhạc rộn ràng của cuộc sống.

Tiếng vĩ cầm trên hè phố

Người nghệ sỹ đường phố ấy tên là Đỗ Bá Lý, người mà giờ đây mỗi khi nhắc đến, những ai từng biết ông đều không khỏi cảm thương cho một số phận vất vả nhọc nhằn, một cuộc đời tựa như cuốn tiểu thuyết buồn với nhiều thăng trầm biến cố. Sinh ra trong gia đình khá giả nên ngay từ nhỏ, ông đã được cha mẹ cho theo học violin của một ông thầy người Campuchia tên là Chây Sa Khôn. Tuổi thơ êm đềm trôi qua chưa được bao lâu thì tai họa liên tiếp ập đến: cha ông đột ngột mất sớm do bệnh tật, 3 người anh của ông cũng vĩnh viễn ra đi bởi bom Pháp dội xuống trúng bữa cơm chiều. Người mẹ vượt lên đau đớn, mất mát để nuôi con, tiếp tục thực hiện tâm nguyện của chồng là cho con theo nghiệp đàn để thành tài. Năm ông 16 tuổi, thầy Chây Sa Khôn về nước, Đỗ Bá Lý phải tạm ngừng việc học đàn. May mắn thay, ông lại được Trưởng đoàn Kịch nói Hải Dương nhận về đoàn, được đi biểu diễn phục vụ nhân dân, bộ đội ở các tỉnh thành phía Bắc. Ông kết hôn và sinh được 3 người con. Những năm ấy, đồng lương còi cọc của một nghệ sỹ đoàn kịch không đủ để Đỗ Bá Lý nuôi các con. Ông đành gác lại niềm đam mê với cây vĩ cầm để lo làm kinh tế. Từ khi cùng gia đình chuyển về Hải Phòng sinh sống trong căn nhà bố mẹ để lại trên phố Tô Hiệu, ông và vợ bươn chải đủ nghề, kể cả đi rửa bát thuê để kiếm tiền nuôi con. Thế nhưng, sóng gió lại dồn dập đến: ba người con của ông lần lượt ra đi. Người vợ không thể vượt qua nỗi đau mất mát quá lớn ấy, cũng lâm trọng bệnh. Để chạy chữa cho vợ, ông Đỗ Bá Lý đành phải bán đi căn nhà cha mẹ để lại, nơi cuối cùng lưu giữ những kỷ niệm tuổi thơ, nơi ông có những tháng ngày đẹp đẽ bên gia đình. Thế nhưng, mọi nỗ lực của ông cũng trở thành vô hiệu. Bệnh tật đã cướp đi nốt người vợ, bỏ lại mình ông trong nỗi đau buồn, cô đơn. Không tài sản, không nhà không cửa. Tận đến năm 64 tuổi, ông Lý mới tái hôn. Ông cùng người bạn đời mới của mình thuê nhà ở trọ và sống bằng nghề bán hàng ăn sáng gần chợ Sắt. Những tưởng đôi vợ chồng già ấy sẽ có cuộc sống đạm bạc mà an yên, nào ngờ chẳng bao lâu sau, ông Lý mắc bệnh ung thư dạ dày, bao nhiêu tiền tích cóp đều được bà dồn vào, rồi vay mướn để chạy chữa cho ông. Mọi gánh nặng cơm áo lo toan dồn lên vai bà. Ấy thế mà họa vô đơn chí, bà lại bị ngã gãy chân. Tuổi già, bệnh tật, không con cái nương tựa, hai ông bà lâm vào cảnh túng quẫn đến tột cùng. Không có tiền trả tiền thuê nhà, ông bà phải ra đường…

Ông Đỗ Bá Lý từng tâm sự: “Cả cuộc đời tôi chưa có một ngày hưởng trọn niềm vui, đã quen cái cảnh được bữa sớm lo bữa tối. Trời cho tôi sức khỏe, tôi vẫn làm được, vẫn có thể mang tiếng đàn làm vui lòng người”. Cây đàn violin cũ kỹ trở thành công cụ mưu sinh của người nghệ sỹ nghèo từ đó. Ngày ngày, dù nắng hay mưa, dù mùa đông lạnh giá hay mùa hè nóng nực, người nghệ sỹ già với chiếc mũ phớt và bộ quần áo bạc màu vẫn cần mẫn ngồi đàn bên lề phố, gần các ngã tư đường. Bộ râu trắng phủ lên mặt đàn. Đôi tay gầy guộc đều đều kéo cây vĩ cầm lướt trên dây đàn, tạo nên những âm thanh du dương, da diết. Những bản nhạc dân ca, nhạc cổ điển được người nghệ sỹ già tấu lên với tất cả lòng say mê của mình. Tiếng đàn gợi lên cảm giác thanh thản bình yên. Tiếng đàn xua đi những ồn ã, bức bối, bụi bặm của phố phường. Tiếng đàn da diết khiến lòng người chợt lắng lại, khiến dòng đời như trôi chậm hơn. Không khó để bắt gặp hình ảnh một ai đó ngồi bệt xuống bên cạnh người nghệ sỹ già, lặng nghe ông đàn những bản nhạc mình yêu thích, để tạm vơi đi những căng thẳng lo âu của công việc, để tìm lại sự thăng bằng giữa cuộc sống bộn bề. Chỉ mấy chục giây dừng chờ đèn đỏ hay vài phút dừng lại bên lề đường để lắng nghe thôi, người qua phố cũng cảm thấy vô cùng thú vị. Người ta thường bỏ tiền vào cái vỏ đàn cũ kỹ được ông mở ra để bên cạnh. Người ta biếu tiền ông không phải vì thương cảm như cho tiền một kẻ ăn xin, mà là vì cảm phục tài năng và sự say mê của người nghệ sỹ đường phố bất đắc dĩ ấy. Tiếng đàn, không biết từ bao giờ, đã trở thành một phần thân thuộc đối với người dân Hải Phòng.

Ngày 28 tháng 7 năm 2017, cuốn “tiểu thuyết” cuộc đời của Đỗ Bá Lý đột ngột khép lại  ở tuổi 82. Tai nạn giao thông thảm khốc đã cướp đi sinh mạng của người nghệ sỹ già, khiến bao người bất ngờ và thảng thốt. Ông nằm đấy, bất động giữa lòng đường. Chiếc ghế, chiếc ô, chiếc loa và cả cây đàn violin nằm ngổn ngang trên phố. Tiếng vĩ cầm tắt lịm giữa trưa hè. Và, những giọt nước mắt cứ tiếp nối rơi.

Ngày tiễn người nghệ sỹ già thân thuộc về thế giới bên kia, một ban nhạc ngẫu nhiên đã được thành lập bởi những người chơi vĩ cầm tại Hải Phòng. Trước giờ tiễn biệt, bản “Cát bụi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được tấu lên bằng tất cả lòng yêu mến, kính trọng mà mọi người dành cho ông. Đấy chính là lời cầu mong cho ông được yên nghỉ nơi suối vàng. Dẫu thân xác trở về cát bụi, linh hồn ông sẽ được siêu thoát khỏi những khổ hạnh, trầm luân của kiếp người này mà bay về với miền cực lạc.

Chiều thu. Hè phố rải đầy lá vàng. Gió cuốn lá bay xao xác. Cái khoảng trống trên hè phố nơi người nghệ sỹ ấy vẫn ngồi cũng chính là khoảng trống trong lòng người mỗi lần đi qua chốn ấy. Người chơi vĩ cầm bên bờ hồ Tam Bạc đã khuất bóng từ lâu. Tiếng vĩ cầm trên hè phố đã tắt lịm rồi. Nhưng, những âm thanh da diết của nó vẫn còn vang mãi trong mỗi người dân Hải Phòng. Và nó chỉ được lấp đầy phần nào khi những âm điệu da diết của tiếng vĩ cầm bỗng chợt ngân lên trong tâm tưởng: “Mây í ì i trôi, chim sa tang tính tình cá i lội, ngậm i một tin trông, hai tin đợi ba bốn í tin chờ, sao chẳng thấy đâu …”.

Bút ký: ĐẶNG THỊ THÚY

Nguồn. Cửa Biển

Tin khác

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XIII

Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII…

25/11/2024

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện quyết tâm sắp xếp, tổ chức bộ máy

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…

25/11/2024

Tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh

Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…

25/11/2024

Hải Phòng có tân Cục trưởng Cục Hải quan thành phố

Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…

25/11/2024

Thí sinh Hải Phòng trở thành Á vương 1 của Nam vương Thế giới – Mr World 2024

Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…

24/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More