Print Thứ Bảy, 26/01/2019 19:36

Sau gần 3 năm thực hiện các khâu đột phá được xác định tại Đại hội Đảng bộ huyện Tiên Lãng lần thứ 28 trở thành “đòn bẩy” giúp kinh tế của huyện phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề quan trọng phát triển kinh tế, xã hội địa phương những năm tiếp theo.

 

Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp của huyện Tiên Lãng.

Ảnh: Hoàng Phước

 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tiên Lãng lần thứ 28 (nhiệm kỳ 2015- 2020) xác định tập trung thực hiện 3 khâu đột phá là: đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, tạo hiệu quả và thu nhập cao cho lao động nông thôn; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội cốt yếu; đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ các khu, cụm công nghiệp.


Trên cơ sở các khâu đột phá được chỉ ra, huyện tập trung chỉ đạo các ngành định hướng, hướng dẫn nhân dân tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa trên cơ sở thế mạnh sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Đồng thời, xây dựng, triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, đề cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, giảm dần diện tích cấy lúa sang trồng cây công nghiệp, cây rau màu, cây ăn quả và chăn nuôi, thủy sản theo hướng hàng hóa; triển khai quy hoạch chi tiết phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2025- 2030. Cùng với đó, huyện tiếp tục bảo tồn và phát triển làng nghề chiếu cói Lật Dương; quy hoạch được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng sản xuất khoai tây 200 ha ở các xã Tiên Cường, Tự Cường, Quyết Tiến, thị trấn…; vùng cây công nghiệp 1.400 ha ở các xã Kiến Thiết, Cấp Tiến, Đoàn Lập, Vinh Quang…; vùng sản xuất lúa đặc sản 500 ha ở 3 xã đường 10 (Tiên Cường, Tự Cường, Đại Thắng); vùng chuyên canh dưa hấu ở Tiên Cường, Tự Cường; vùng chăn nuôi tập trung ở các xã Khởi Nghĩa, Cấp Tiến, Kiến Thiết…; vùng nuôi trồng thủy sản với diện tích 1.760 ha ở các xã phía nam huyện. Huyện phối hợp các sở, ngành thành phố rà soát, đề xuất quy hoạch 1 khu NTTS ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2020- 2025, với diện tích 140 ha tại Đông Hưng- Tây Hưng, 8 vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể quy hoạch vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017- 2020, diện tích 150 ha tại xã Quang Phục; vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2020- 2025 diện tích 400 ha tại xã Vinh Quang, Hùng Thắng, Toàn Thắng; vùng nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2026- 2030, diện tích 550 ha tại Tiên Hưng và Vinh Quang…Thực hiện khâu đột phá trên, đến hết năm 2017, toàn huyện có 5.000 ha diện tích cây trồng cho giá trị kinh tế cao từ 100 triệu đồng/ha/ năm trở lên.


Cùng với đó, trong gần 3 năm qua, huyện chuẩn bị chu đáo việc thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai các chính sách ưu đãi để thu hút, mời gọi các nguồn đầu tư về địa phương. UBND huyện tập trung các nhóm giải pháp để giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hút đầu tư, như: đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất – kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đến nay, huyện cơ bản hoàn thành GPMB, tích cực thu hút đầu tư cụm công nghiệp thị trấn Tiên Lãng; quy hoạch xong các khu, cụm công nghiệp như cụm công nghiệp Tiên Cường và Thị tứ Hòa Bình; cụm công nghiệp Quang Phục; khu công nghiệp Tiên Thanh; khu công nghiệp Vinh Quang…


Một trong những điểm sáng ấn tượng mà Tiên Lãng đạt được trong thời gian qua là công tác bồi thường GPMB xây dựng các công trình trọng điềm. Từ năm 2015 đến nay, UBND huyện triển khai thực hiện công tác bồi thường GPMB 6 dự án. Trong đó, sớm hoàn thành công tác  GPMB dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10 đoạn qua địa bàn và là địa phương đầu tiên của thành phố hoàn thành, bàn giao đơn vị thi công, được thành phố ghi nhận, đánh giá cao; dự án xây dựng cầu Đăng, cầu Hàn; cơ bản hoàn thành công tác GPMB dự án xây dựng cụm công nghiệp thị trấn Tiên Lãng, dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường 25  đoạn từ tỉnh lộ 354 đến quốc lộ 10; đang tập trung cao công tác GPMB dự án tuyến đường bộ ven biển; dự án xây dựng Trường mầm non thị trấn Tiên Lãng cơ sở 2. Tổng số hộ thuộc diện thu hồi 1.908 hộ, với tổng diện tích đất thu hồi 129,76 ha, trong đó có 112 ha đất nông nghiệp. Đến nay, cơ bản chi trả xong tiền đền bù GPMB đúng quy định đối với các hộ dân có đất nông nghiệp, bảo đảm ổn định, đáp ứng nhu cầu, tạo sự phấn khởi trong nhân dân.


Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu để thu hút đầu tư vào địa bàn, huyện tập trung cao công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ các khu, cụm công nghiệp. Từ năm 2015 đến 2017, toàn huyện có gần 6.400 người được đào tạo nghề, trong đó, lao động nông thôn được đào tạo nghề thông qua Đề án 1956 của Chính phủ hơn 1.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề cuối năm 2017 đạt 50%. Từ hoạt động tạo việc làm, nâng cao tay nghề người lao động, góp phần tăng thu nhập người dân, qua đó giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2017 xuống còn 3,51%; hộ cận nghèo giảm còn 4,33%.


Với sự tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện 3 khâu đột phá, sau gần 3 năm thực hiện, đến nay Tiên Lãng thu được nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực phát triển kinh tế, đầu tư kết cấu hạ tầng. Trong đó, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn huyện năm 2017 đạt 8.150 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 37,56 triệu đồng/người, tăng 9,5% so với năm 2016. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Đời sống người dân trong huyện không ngừng được cải thiện, nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc…Đó là những tiền đề quan trọng để Tiên Lãng hoàn thành chương trình xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2020.

 

Trần Đình Vịnh (Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng) – Báo Hải Phòng 29/8/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tiên Lãng phát triển kinh tế từ những khâu đột phá
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác