Người dân Việt Nam rất vinh dự và tự hào vì đất nước phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tốt, mức độ an toàn trước dịch bệnh cao hơn rất nhiều so với các cường quốc trên thế giới. Và bây giờ, Việt Nam lại là một trong những quốc gia đầu tiên có vaccine, niềm hạnh phúc càng lớn hơn. Đây là kết quả của cả quá trình lâu dài, bền bỉ, luôn có sách lược, chiến lược phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ. Để có vaccine, Bộ Chính trị ban hành kết luận; Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện, tìm nguồn và ban hành nghị quyết về mua và sử dụng vaccine. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, mua được vaccine không dễ, nhu cầu trên thế giới rất lớn mà nguồn cung có hạn. Tuy nhiên, Việt Nam rất thần tốc, vừa chống dịch hiệu quả cao, vừa triển khai đăng ký, mua vaccine và nhờ vậy, vaccine về nước đúng lộ trình. Với người dân Hải Phòng, niềm vui càng đong đầy khi là địa phương đầu tiên của cả nước đăng ký mua đủ vaccine tiêm phòng cho toàn thể gần 2 triệu người dân. Hải Phòng cũng nằm trong danh sách 13 tỉnh, thành phố đầu tiên trong nước được triển khai tiêm vaccine COVID-19.
Điều khiến người dân Hải Phòng và cả nước yên tâm hơn là việc tiêm phòng tuân theo quy trình nghiêm ngặt. 117.000 liều vaccine đầu tiên được trải qua quá trình kiểm nghiệm, đạt tiêu chuẩn mới triển khai tiêm. Công tác chuẩn bị tiêm phòng cũng rất khẩn trương nhưng rất bài bản, chắc chắn, thông tin đầy đủ đến người dân, chuẩn bị đầy đủ phương án xử lý những vấn đề, sự cố phát sinh trong quá trình tiêm chủng. Bộ Y tế cũng tổ chức tập huấn tất cả các đơn vị tiêm chủng trên toàn quốc về tiếp nhận, sử dụng, xử lý tai biến sau tiêm với mục tiêu an toàn là trên hết. Những người được tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khỏe điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vaccine. Theo Bộ Y tế, hệ thống tiêm chủng của Việt Nam sẽ liên thông với quốc tế, sau này là hộ chiếu vaccine, quản lý toàn bộ bằng QR code, mở ra nhiều cơ hội trong thông thương hàng hóa, lao động, học tập và du lịch cho các tổ chức và công dân Việt Nam.
Do nguồn vaccine có hạn nên những mũi tiêm đầu tiên được ưu tiên cho nhân viên y tế tại 18 cơ sở đang điều trị người bệnh COVID-19; các đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ; các vùng dịch tại 13 tỉnh, thành phố có dịch, trong đó tập trung cao nhất cho Hải Dương. Nhưng thời gian tới, sẽ có thêm nguồn vaccine và đối tượng tiêm chủng sẽ được mở rộng hơn. Cụ thể, theo Bộ Y tế, hiện nước ta chắc chắn có 60 triệu liều vaccine AstraZeneca, trong đó có 30 triệu liều viện trợ từ chương trình COVAX; 30 triệu liều do Việt Nam đặt mua. Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán với các quốc gia sản xuất vaccine để có thêm số lượng. Việt Nam dự kiến đầu năm 2022 sẽ có nguồn vaccine ngừa COVID-19 sản xuất trong nước, công suất tối đa của Nanogen và IVAC có thể lên tới 60-80 triệu liều/năm. Như thế, trong thời gian không xa, tất cả người dân Việt Nam sẽ có đủ vaccine phòng bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, có vaccine chưa phải là ngăn chặn được hoàn toàn dịch bệnh. Theo thông tin của nhà sản xuất, vaccine AstraZeneca có hiệu quả bảo vệ sau mũi 1 là 76%, sau mũi 2 là 81%. Mỗi người dân cần hiểu rõ các thông tin và có sự chuẩn bị cần thiết về mọi mặt trước khi tiêm phòng, cũng không loại trừ có sự cố không mong muốn xảy ra và trong mọi trường hợp đều cần bình tĩnh xử lý, không làm ảnh hưởng tới chiến dịch tiêm vaccine. Và điều cần nhất là không được lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch, phải thực hiện tốt nhất thông điệp “vaccine +5K” để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, bước vào cuộc sống bình thường mới./.
HỒNG THANH
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch…
Chiều 26/11, Công an huyện Vĩnh Bảo thông tin, sáng 26/11, khách hàng Nguyễn Quốc…
Chiều 26/11, tại Hải Phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) phối hợp UBND…
Sáng 26/11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Tổ trưởng Tổ…
Thuộc khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia - Techfest Việt Nam…
Sáng 26/11, UBND quận Ngô Quyền tổ chức Hội nghị trao Quyết định giao đất…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More