Cùng với Vĩnh Phúc, hệ thống camera giao thông thông minh tốc độ cao, xử lý thông tin bằng trí tuệ nhân tạo (AI) thực tế đang được áp dụng, nghiên cứu áp dụng tại nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM, Bình Định, Cần Thơ. Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cũng sẽ triển khai xây dựng trung tâm dữ liệu camera dùng chung, ứng dụng AI giám sát xử lý vi phạm, giám sát an ninh trật tự trên địa bàn cả nước.
Điển hình là tại tỉnh Bình Định, địa phương đang áp dụng hệ thống theo dõi giao thông và xử lý vi phạm tích hợp AI. Hệ thống được lắp đặt qua 3 giai đoạn, tại 13 nút giao trên 23 tuyến đường. Mỗi nơi bao gồm: 1 trụ cần vươn, 1 tủ camera chứa 1 thiết bị xử lý AI và 1 camera có khả năng kiểm soát phương tiện giao thông cho 1 tuyến đường (từ 2 đến 3 làn đường).
Hệ thống xử lý vi phạm tích hợp AI sẽ tự động ghi nhận các trường hợp vi phạm giao thông, nhân viên vận hành hệ thống kiểm tra lại thông tin và xác nhận các trường hợp vi phạm. Dữ liệu sau đó được chuyển sang Phòng Cảnh sát Giao thông-Công an tỉnh.
Tại đây, hệ thống tự mã hóa biển số xe, lỗi vi phạm và tùy vào tình hình thực tế, lực lượng kiểm soát hình ảnh vi phạm liên hệ với các tổ tuần lưu để kịp thời có mặt xử lý vi phạm tại chỗ, hoặc gửi thông báo vi phạm về địa phương nơi chủ xe đăng ký sở hữu phương tiện.
Chỉ tính đến cuối tháng 8.2023, có đến gần 7.700 trường hợp các loại phương tiện vi phạm hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông được phát hiện qua hệ thống và chuyển tới Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh Bình Định) để xử lý.
Việc tích hợp trí tuệ nhân tạo vào hệ thống theo dõi giao thông và xử lý vi phạm giao thông được đánh giá mang lại nhiều lợi ích quan trọng, trong đó ưu thế lớn nhất là hệ thống theo dõi giao thông tích hợp AI có khả năng giám sát rộng rãi và liên tục, theo dõi nhiều vùng cùng một lúc và có khả năng phát hiện các hành vi vi phạm một cách nhanh chóng.
Đáng chú ý một lãnh đạo của Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cho hay, đơn vị cũng đang triển khai thực hiện Đề án 165 theo Quyết định số 165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính“.
Cục Cảnh sát Giao thông theo đó là chủ đầu tư dự án xây dựng Trung tâm Dữ liệu dùng chung, phục vụ cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu camera, có khả năng tích hợp các hệ thống camera giám sát trên không gian mạng; quản lý dữ liệu dùng chung và tích hợp với các hệ thống nghiệp vụ trong và ngoài ngành Công an.
Theo tìm hiểu của Lao Động, địa điểm đầu tư dự án này là tại Cục Cảnh sát Giao thông (số 112 Lê Duẩn, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), tổng đầu tư 850 tỉ đồng và theo kế hoạch hoàn thành năm 2025.
Một cấu phần quan trọng là dự án sẽ xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ cho việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội và quản lý điều hành giao thông, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tự động giám sát biển số xe; giám sát giao thông thông minh; giám sát xử lý vi phạm; giám sát an ninh trật tự.
Cơ sở này sẽ bao gồm toàn bộ dữ liệu camera trên tuyến Quốc lộ 1A, các tuyến cao tốc trên toàn quốc và các hệ thống camera tại các địa phương đã được đầu tư trang bị để kết nối vào hệ thống giám sát an ninh, trật tự an toàn xã hội và quản lý điều hành giao thông.
Cẩm Hà