Print Chủ Nhật, 02/08/2020 21:35 Gốc

Chiều 2/8, Thường trực Chính phủ họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Cùng dự tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng lãnh đạo các bộ, ngành.

Tham dự tại điểm cầu Hải Phòng có các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng; cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch HĐND, UBND thành phố; lãnh đạo các Sở, ngành chức năng thành phố.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng.
Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành chủ trì ở điểm cầu Hải Phòng.

Cùng quan tâm, đồng tâm trong công tác phòng chống dịch

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tham dự đông đủ, thể hiện sự quan tâm, sự “đồng thanh nhất trí” về quyết tâm chống dịch COVID-19 trong giai đoạn 2 sau khi có ca nhiễm đầu tiên ở Đà Nẵng ngày 24/7. Những ngày gần đây, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 diễn ra ở nhiều nơi, không chỉ ở Đà Nẵng, Quảng Nam mà còn ở TPHCM, Hà Nội…

Thủ tướng đặt vấn đề giãn cách xã hội sẽ được đặt ra đến đâu, như thế nào chứ không phải tất cả các khu vực đều giãn cách xã hội. Những phương thức nào chúng ta đã làm cần tiếp tục làm tốt hơn như vận động nhân dân rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, truy vết, xét nghiệm mở rộng…

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần kiên quyết khoanh vùng dập dịch và giãn cách xã hội ở khu vực có dịch trong cộng đồng; bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng không để đổ gãy kinh tế. Điều này đòi hỏi chỉ đạo thật tốt để nhân dân ủng hộ, chỉ có nhân dân ủng hộ thì mới thành công.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau khi dịch bệnh quay lại tại Đà Nẵng từ ngày 24/7, số trường hợp mắc gia tăng và lây nhiễm rất nhanh trong cộng đồng. Trong vòng 10 ngày tính từ 24/7 đến nay, đã ghi nhận 144 trường hợp mắc và 3 trường hợp tử vong. Riêng trong ngày 31/7/2020, số trường hợp mắc đạt mức kỷ lục từ đầu dịch với 82 trường hợp mắc, trong đó có 56 trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng.

Dịch bệnh tại Đà Nẵng có khả năng xuất hiện từ đầu tháng 7 và đã qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm với 2 thời điểm có thể gây bùng phát dịch là từ 5- 8/7/2020 và từ 16-20/7/2020. Tại Đà Nẵng, có khả năng có nhiều nguồn lẫy nhiễm khác nhau và còn nhiều trường hợp mắc bệnh khác hiện đang ở ngoài cộng đồng, đồng thời việc truy vết F0 đầu tiên là rất khó khăn.

Thời gian qua là cao điểm của mùa du lịch và có rất nhiều hành khách từ các địa phương đã đi/đến Đà Nẵng. Có khoảng 1,4 triệu người đã đến Đà Nẵng từ 1-29/7/2020, từ tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất từ Hà Nội và TPHCM. Do vậy, nguy cơ xuất hiện các trường hợp mắc tại các địa phương khác là rất cao, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM.

Hiện tại, với số liệu về các trường hợp mắc bệnh đã được ghi nhận, có thể nhận định nguồn lây nhiễm chính là tại Bệnh viện đa khoa thành phố Đà Nẵng với mức độ lây nhiễm rất cao trong hệ số khoảng từ 6-10 và lây lan ra cộng đồng tại Đà Nẵng, Quảng Nam và một số địa phương.

Bộ Y tế dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng và lây lan nhanh tại nhiều địa phương trên cả nước, số trường hợp mắc được phát hiện sẽ vẫn tập trung lớn là các trường hợp có liên quan dịch tễ đến bệnh viện Đà Nẵng và tiếp tục ghi nhận các trường mắc tại cộng đồng tại các địa phương khác, đồng thời có thể sẽ có thêm các trường hợp tử vong do có nhiều bệnh nhân đã có bệnh lý nền rất nặng. Tình hình dịch bệnh hiện nay rất phức tạp và khó lường, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội của đất nước.

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết Bộ đã khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, đồng thời yêu cầu phải rà soát chặt chẽ, tất cả các ca F1 buộc phải cách ly, không có ngoại lệ, theo đúng quy định. Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, ngành Y tế đã triển khai thành lập các Tổ COVID-19 cộng đồng và phân chia số lượng người cần quản lý, giám sát và tiến hành lấy mẫu khi có triệu chứng bất kỳ. Các lực lượng của Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với địa phương, nỗ lực cao nhất để phải ngăn bằng được, càng sớm càng tốt dịch bệnh tại Đà Nẵng, giảm thiểu tối đa tử vong ở khu vực này. Đồng thời, tích cực thực hiện giãn cách bệnh nhân COVID-19, bệnh nhân nặng tại Đà Nẵng, giải phóng nhanh, giảm mật độ với bệnh viện này (ở cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế), và coi đây là nhiệm vụ ưu tiên. Hiện, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn trị trực thuộc trong và ngoài ngành y tế đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, sinh phẩm cho các phòng xét nghiệm trên địa bàn để đảm bảo xét nghiệm chẩn đoán vi rút SARS-CoV-2 tại chỗ; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khác thực hiện xét nghiệm.

Hải Phòng chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với dịch

Tại thành phố Hải Phòng, tính đến 17h00 ngày 1/8, có 486 trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19, trong đó 482 trường hợp âm tính, 10 trường hợp chờ kết quả. Trường hợp người Hàn Quốc nghi ngờ mắc COVID-19 (ở đường Văn Cao) đã có kết quả lần 2 do Hàn Quốc xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2. Trường hợp người Vĩnh Bảo tiếp xúc gần với bệnh nhân ở Thái Bình có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2.

Về tình hình thực hiện cách ly y tế, toàn thành phố có 206 người thực hiện cách ly tại các điểm tập trung của thành phố, 531 người thực hiện cách ly tại các khách sạn (chuyên gia nước ngoài), 5.214 người thực hiện cách ly tại nhà hoặc nơi cư trú.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành cho biết, vừa qua Hải Phòng đã thành lập Ban chỉ đạo các cấp và thành lập ban giám sát cộng đồng, toàn hệ thống phòng chống dịch đã hoạt động trở lại. Qua rà soát, toàn Hải Phòng có 7.078 người đi từ vùng dịch về, đã tổ chức cách ly y tế, tiến hành xét nghiệm 281 trường hợp F1 có liên quan trực tiếp, kết quả xét nghiệm đều âm tính. Bên cạnh đó, Hải Phòng đã tiến hành rà soát lại các trang thiết bị phòng dịch, phát khẩu trang cho nhân dân, các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại Hải Phòng vẫn diễn ra bình thường.

Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành phát biểu tại Hội nghị.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng kiến nghị với Chính phủ về việc mua sắm trang thiết bị y tế hiện đang gặp khó khăn, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu có mặt bằng giá chung để các địa phương làm căn cứ mua sắm. Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, Hải Phòng xin phép được tổ chức kỳ thi bình thường theo kế hoạch Bộ Giáo dục và Đào tạo và thành phố đã xây dựng, trên cơ sở đảm bảo an toàn tuyệt đối công tác phòng chống dịch.

Qua phần báo cáo của Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận Hải Phòng đợt dịch trước đã làm rất tốt, lần này cũng chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với dịch, phát khẩu trang cho nhân dân, chuẩn bị tốt để kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra bình thường.

Không chủ quan nhưng cũng không gây hoang mang dư luận

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá, dịch COVID-19 được dự báo sẽ phức tạp, lan rộng nếu chúng ta không khoanh vùng, dập dịch quyết liệt, kịp thời. Biểu dương nỗ lực của ngành y tế, của thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước đã khoanh vùng ổ dịch tích cực với biện pháp mạnh mẽ, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần lớn là không được lơ là, chủ quan. Trước hết, hệ thống chính trị phải vào cuộc, đặc biệt là những vùng có dịch, ổ dịch, cần coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo. Phải khởi động hệ thống, nhất là hệ thống y tế, để sẵn sàng phòng chống dịch. Đồng thời, quản lý chặt chẽ biên giới; sẵn sàng dồn sức và khả năng có thể để phòng chống dịch tốt nhất. Các bệnh nhân nặng ở các bệnh viện cần phải có biện pháp quản lý tốt để hạn chế tử vong.

Thủ tướng yêu cầu dồn mọi nguồn lực và bằng mọi biện pháp xử lý triệt để ổ dịch liên quan đến các khu vực nguy cơ cao là thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam cũng như các ổ dịch khác xuất hiện. Tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết, áp dụng biện pháp cách ly phù hợp, lấy mẫu xét nghiệm rộng, giám sát y tế đối với tất cả các trường hợp mắc bệnh, có nguy cơ mắc bệnh, tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh và các trường hợp từ ngày 1/7/2020 có đi – về từ Đà Nẵng, Quảng Nam và qua lại ổ dịch…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thủ tướng nêu rõ, cần phải bình tĩnh, chủ động, kiên quyết để ngăn chặn có hiệu quả làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 vào Việt Nam; không để lây lan trên diện rộng, không để những ổ dịch mới khi phát hiện không được ngăn chặn. Những địa phương chưa giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 vẫn phải bảo đảm sản xuất kinh doanh, không đễ đứt gãy nền kinh tế, nhất là những trung tâm kinh tế lớn.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị nâng cao ý thức giữ gìn sức khỏe cho đơn vị và cộng đồng, giữ vệ sinh, đeo khẩu trang, giảm tụ tập, giữ khoảng cách, đặc biệt những vùng có ổ dịch. Người dân thực hiện cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh để phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm. Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì hướng dẫn, phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai việc này.

Thủ tướng lưu ý không để xảy ra ổ dịch, nhất là các bệnh viện, cơ sở y tế và bảo vệ nhân viên y tế tốt nhất, đồng thời xử lý nghiêm minh người tung tin đồn, tin giả gây hoang mang dư luận. Trong chỉ đạo, cần cân bằng giữa an ninh y tế và an ninh kinh tế xã hội, đặc biệt không đưa ra những giải pháp thái quá như ngăn sông cấm chợ; không được tuyên bố cách ly xã hội mà chưa tính toán phương án phù hợp, nhất là chưa có ổ dịch, vì điều này dễ dẫn đến bế tắc các hoạt động kinh tế, xã hội và gây mất trật tự an ninh.

Các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục kiểm soát các trường hợp nhập cảnh trên các tuyến biên giới đường bộ, đường thủy, đường biển, cảng hàng không, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở. Kiểm tra nghiêm ngặt các cơ sở lưu trú, các khu vực, địa điểm tập trung đông người nước ngoài. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp khởi tố các trường hợp nhập cảnh trái phép. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo phương án cụ thể bảo đảm an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT, có phương án cụ thể đối với các khu vực cách ly.

Thủ tướng yêu cầu công tác tuyên truyền cần chú ý không gây chủ quan nhưng cũng không gây hoang mang dư luận; nhân dân cần tiếp tục tin tưởng của các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế.

*** Cũng trong chiều nay 2/8, ngay sau Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp trực tuyến với Ban Thường vụ quận, huyện ủy về công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TU ngày 30/7/2020 của Ban Thường vụ về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới.

Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến với Ban Thường vụ quận, huyện ủy.

Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành nhấn mạnh, trước tình hình dịch phức tạp, cả nước đang mất dấu F0, đề nghị các địa phương lãnh đạo chỉ đạo từ cơ sở ưu tiên hàng đầu cho công tác phòng chống dịch. Trước nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất lớn như hiện nay, đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu không để lây lan từ các cơ sở y tế, không để nhân viên y tế nhiễm bệnh; không chỉ truy vết người ở vùng dịch về mà chú ý từ cả các địa phương khác, cần phát huy vai trò giám sát cộng đồng, tăng cường quán triệt việc phát hiện người có biểu hiện dịch tễ; nếu thấy biểu hiện dịch tễ thì cần xét nghiệm ngay. Ngành y tế chú trọng trang bị đầy đủ các trang thiết bị, khẩn trương mua sắm bổ sung thêm khẩu trang, hóa chất, thuốc sát trùng…; thực hiện phu khử trùng các khu vực công cộng, tăng cường tuyên truyền việc đeo khẩu trang…

Nhấn mạnh nếu không phòng bệnh được thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhân dân và không bảo vệ được nền kinh tế, đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu các đồng chí Ban Thường vụ Thành ủy từ sáng mai trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo cụ thể; yêu cầu các tổ giám sát tại cộng đồng khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Nhóm PV thực hiện

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thường trực Chính phủ họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác