Print Thứ Hai, 25/03/2019 13:49

Trong 169 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn trực thuộc Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, 105 doanh nghiệp thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (gọi là thỏa ước). Trong đó, 92 thỏa ước có điều khoản có lợi hơn với người lao động theo quy định của pháp luật…

Công nhân Công ty TNHH Fuji Xerox Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP) trong ca sản xuất.

Ảnh: DUY THÍNH

Còn nhiều rào cản

Công ty TNHH Bluecom Vina (Khu công nghiệp Tràng Duệ) là 1 trong 5 doanh nghiệp tham gia ký kết thỏa ước nhóm doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2016 với 21 điều khoản có lợi hơn với người lao động. Theo Chủ tịch Công đoàn công ty Trần Văn Tú, “chặng đường” đi đến thống nhất các nội dung trong thỏa ước nhiều gian nan. Bởi lẽ, đại diện người sử dụng lao động tại Việt Nam không đủ thẩm quyền để quyết định chế độ, chính sách, những nội dung đưa ra tại thỏa ước, mà phải báo cáo với lãnh đạo tập đoàn để cân đối với tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty. Quá trình này mất nhiều thời gian do lãnh đạo tập đoàn là người nước ngoài, nên việc đề xuất những phúc lợi theo tập quán của người Việt Nam khó khăn…

Ngoài khó khăn trên, theo đại diện Công đoàn Công ty TNHH Toyoda Gosei (Khu công nghiệp Nomura), quá trình xây dựng và áp dụng thỏa ước hạn chế về việc tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến người lao động. Cụ thể, do đặc thù số lượng lớn lao động, sản xuất theo dây chuyền nên công đoàn công ty phải mất gần 2 tháng để tổng hợp ý kiến người lao động. Một số lao động chưa hiểu rõ chế độ, chính sách theo quy định pháp luật, chưa chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, nên đưa ra một số kiến nghị chưa phù hợp với quy định pháp luật luật và phù hợp với quy mô của công ty.

Một nguyên nhân khác được Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng Phạm Thị Hằng đưa ra là cán bộ công đoàn cơ sở mặc dù được tập huấn bài bản về kỹ năng đối thoại, thương lượng song phần lớn họ là lao động trực tiếp sản xuất, thường xuyên biến động, thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh, kiến thức pháp luật, bất đồng ngôn ngữ với chủ doanh nghiệp, khó khăn trong quá trình thương lượng, ký kết thỏa ước. Một số chủ doanh nghiệp chưa nhận thức tầm quan trọng của xây dựng thỏa ước, dẫn đến chất lượng thỏa ước chưa cao, nội dung đối phó, thiếu rõ ràng, chủ yếu sao chép luật dẫn đến có thỏa ước không có điều khoản nào được thông qua bằng thương lượng và thực sự có lợi hơn với người lao động so với quy định pháp luật.

Thỏa ước mang tính thực chất

Tại buổi làm việc giữa Ban Dân vận Trung ương với Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng về tình hình quan hệ lao động ngày 4-3, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng, tỷ lệ doanh nghiệp tiến hành ký kết thỏa ước của Khu kinh tế Hải Phòng là tương đối cao, tuy nhiên, mới có 92/105 bản thỏa ước có điều khoản có lợi hơn cho người lao động. Đồng chí đề nghị, thời gian tới, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động và các doanh nghiệp xây dựng, thương lượng, ký kết những thỏa ước thực chất, phải có các điều khoản, mang lại lợi ích, phúc lợi tốt hơn với người lao động. Những bản thỏa ước mang tính hình thức, không mang lại lợi ích cho người lao động, chỉ nhắc lại quy định của luật thì không cần thiết thực, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh lao động như hiện nay. Tổ chức công đoàn thông qua đối thoại định kỳ, hội nghị người lao động để đánh giá, giải quyết các vấn đề liên quan đến thỏa ước lao động tập thể; chú trọng rà soát, sửa đổi bổ sung định kỳ thỏa ước để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị….

Theo Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng Phạm Thị Hằng, trong năm 2019, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng tiến hành rà soát lại toàn bộ thỏa ước chưa bảo đảm chất lượng để hướng dẫn công đoàn cơ sở thực hiện theo đúng quy trình, thương lượng các nội dung, điều khoản có lợi cho người lao động. Đối với đơn vị chưa thành lập tổ chức công đoàn, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng với vai trò đại diện cho người lao động trực tiếp lấy ý kiến từ phía người lao động để tiến hành thương lượng, sao cho đến khi thành lập công đoàn cơ sở là cơ bản hoàn thiện các nội dung thỏa ước. Và sau khi thành lập công đoàn, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng hướng dẫn công đoàn cơ sở tiếp tục hoàn thiện thỏa ước… Ngoài ra, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng hướng tới mở rộng thỏa ước lao động tập thể đa doanh nghiệp, dự kiến có thêm từ 8 đến 10 doanh nghiệp tham gia thương lượng, ký kết, bảo đảm thỏa ước thực chất với tất cả điều khoản đều có lợi hơn với người lao động.

NHẬT HUY – Báo Hải Phòng 

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: THƯƠNG LƯỢNG, KÝ KẾT THỎA ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ: Để người lao động có lợi hơn
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác