Những năm gần đây Hải Phòng có bước tiến vượt bậc và khá toàn diện trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên Hải Phòng phát triển thì các địa phương trong cả nước cũng phát triển, trong điều kiện thế giới cũng liên tục vận động, và cuộc CMCN 4.0 chính là một ví dụ điển hình. Hơn nữa, với những gì đã cam kết khi hội nhập quốc tế, Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung không thể đứng ngoài cuộc chơi toàn cầu hóa. Vấn đề đặt ra là phải nhận diện rõ thực trạng của để định hình cho một chiến lược tiếp cận CMCN 4.0 với những dự báo chính xác, kết hợp những hành động thiết thực, không thể chỉ mang tính trừu tượng.
Trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế lao động thuần túy?
Trước hết về lợi thế, với hơn 130 năm hình thành và phát triển kể từ năm 1888, Hải Phòng luôn được xác định là thành phố lớn thứ 3 cả nước (sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Đặc thù địa lý Hải Phòng cũng giúp cho thành phố có lợi thế trở thành trung tâm của vùng duyên hải Bắc Bộ, với hệ thống các cửa sông kết nối tự nhiên với hầu hết các tỉnh miền Bắc, chiều dài bờ biển khoảng 125km là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế biển.
Trên thực tế, Hải Phòng hiện vẫn sở hữu hệ thống cảng lớn nhất và trong tương lai vẫn chưa có địa phương nào ở phía Bắc là “đối thủ” của Hải Phòng trên lĩnh vực này, nhất là khi cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện được hoàn thiện và đưa vào khai thác. Hải Phòng cũng nằm trong số ít các địa phương sở hữu cả 5 dạng hình giao thông gồm đường sông, đường biển, đường bộ, đường sắt và hàng không.
Ngày 5-8-2003, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 32-NQ/TW về “xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”. Gần đây nhất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW về “xây dựng và phát triển Hải Phòng đến 2030, tầm nhìn đến 2045”.
Với những cơ chế đặc thù đã, đang và sẽ được áp dụng, Hải Phòng sẽ có thêm nhiều lợi thế từ nguồn lực đầu tư. Đây được coi là những điểm nhấn quan trọng cho việc phát triển Hải Phòng thành “đầu tàu” của khu vực duyên hải Bắc Bộ, là điểm cực của tam giác kinh tế trọng điểm (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh), đồng thời là đầu mối trong chiến lược phát triển hai hành lang – một vành đai kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thực tế thời gian qua với hướng đầu tư mở, nhiều công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng giao thong, hạ tầng đô thị đã làm thay đổi diện mạo Hải Phòng.
Trên lĩnh vực khoa học – công nghệ, Hải Phòng có đội ngũ hơn 4.900 cán bộ có trình độ từ đại học trở lên, công tác tại 4 trường đại học, 20 trường cao đẳng và gần 70 tổ chức KH&CN. Trong đó có gần 300 tiến sỹ, tiến sỹ khoa học và trên 1.800 thạc sỹ, số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt khoảng 9 người/1 vạn dân.
Thành phố cũng có 28 phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia VILAS được công nhận. Những năm gần đây, với phương châm “lấy ứng dụng là chính”, đội ngũ các nhà khoa học và công nghệ đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc phát triển chung của thành phố, coi trọng việc chuyển hóa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt là các ứng dụng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển nông nghiệp – nông thôn và lĩnh vực quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội nêu trên, Hải Phòng hiện cũng có không ít những hạn chế đan xen. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thành, đó là tác động tiêu cực từ hội nhập quốc tế, với thách thức cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ. Trong khi trình độ công nghệ của đa số các doanh nghiệp còn lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn, chi phí sản xuất đầu vào cao ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất, chất lượng, nhất là năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP).
Chất lượng nguồn nhân lực thành phố nhìn chung còn thấp về trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm quản lý cũng như nề lối làm việc. Công tác quy hoạch vẫn bộc lộ bất cập chưa theo kịp yêu cầu phát triển, nảy sinh những vấn đề về quy hoạch không gian biển, quản lý tổng hợp vùng bờ và những quy hoạch khác. Chưa kể những vấn đề về môi trường, luôn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến phát triển bền vững.
Hạ tầng giao thông là thế mạnh bậc nhất của Hải Phòng hiện nay
Còn theo chia sẻ ông Dương Ngọc Tuấn – Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng, hiện ngành KH&CN thành phố chưa hình thành rõ nét nhiệm vụ liên quan tới các công nghệ nền tảng của CMCN 4.0. Mặt khác, dù đạt được những thành tựu lớn, nhưng thực trạng ngành cũng còn nhiều hạn chế như: hoạt động nghiên cứu triển khai ở một số lĩnh vực hiệu quả thấp, yếu về hàm lượng khoa học; trình độ công nghệ sản xuất còn thấp, tỷ trọng thiết bị hiện đại chưa cao, chất lượng quá trình đổi mới chưa có đột phá; cơ cấu nhân lực theo ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu cán bộ đầu tàu, chuyên gia giỏi trong lĩnh vực công nghệ cao… Rõ ràng, đây là một thách thức đối với Hải Phòng, bởi lẽ KH&CN sẽ phải gánh vác trách nhiệm rất lớn, với vai trò tiên phong khi tiếp cận với CMCN 4.0.
Về sản xuất, hạn chế lớn nhất của Hải Phòng hiện nay trên lĩnh vực công nghiệp là hàm lượng gia công phụ thuộc còn chiếm tỷ lệ quá cao, sử dụng nhiều lao động và đóng góp giá trị gia tăng thấp. Thiết bị công nghệ hiện đại chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp FDI, còn lại các doanh nghiệp nội địa sở hữu những thiết bị lạc hậu, manh mún, sản phẩm thiếu tính cạnh tranh.
Ở mảng dịch vụ, Hải Phòng cũng dựa nhiều vào sự thụ hưởng phát sinh, hoặc nhập khẩu, hoặc mô phỏng công nghệ bên ngoài, ít sản phẩm thể hiện tính sáng tạo và tự chủ. Trong khi đó ngành nông nghiệp cũng phổ biến là sản xuất truyền thống, chưa mạnh về công nghệ và thiếu tính tập trung.
Ở nhiều lĩnh vực khác cũng vậy, dù những năm gần đây cơ bản có tăng trưởng đột phá, nhưng chưa đủ để khẳng định sự bền vững. Trước tầm ảnh hưởng toàn diện của CMCN 4.0, đòi hỏi Hải Phòng phải có sự chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng, hình thành một cơ chế đầy đủ để thụ hưởng và hòa nhập.
Lê Minh Thắng (còn nữa)