Những ngày gần đây, tiếp theo đợt tăng giá của các loại gia cầm, giá lợn thịt cũng tăng với cường độ rất mạnh. Đáng chú ý đây là hai nhóm thực phẩm tươi sống giữ quyền chi phối đáng kể trong sinh hoạt hàng ngày của người dân, khiến nhiều gia đình thu nhập thấp đau đầu trong cân đối chi tiêu.
Bà Nguyễn Thị Hiệp, một người nội trợ ở ngõ 246 Đà Nẵng cho biết, khoảng chục ngày trở lại đây giá lợn tăng khá cao, với mức bình quân 10% so với đầu tháng 6. Cụ thể, thịt ba chỉ loại ngon đang được bán với giá 130 nghìn đồng/kg, ngang giá với sườn non; thịt nạc mông 115 nghìn đồng/kg, nạc vai 110 nghìn đồng/kg, thịt nách, chân giò và thịt tạp các loại cũng dao động từ 90 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng/kg.
Còn theo ông Đào Quang Đại, một tiểu thương ở huyện Kiến Thụy chuyên buôn thịt lợn bán ở chợ An Đà, thì giá lợn hơi đã lên tới 65 nghìn đồng/kg, cũng là mức cao nhất trong vòng một năm qua. Nhưng ông Đại cũng cho biết thêm, vào thời điểm cách đây hơn một năm, khi giá lợn hơi ở mức 70 nghìn đồng/kg thì giá thịt bán lẻ tại các chợ vẫn khá cao, hơn cả mức hiện tại bình quân khoảng 10%, trong khi giá xăng lúc đó chỉ bằng 70% giá xăng hiện nay. Cho thấy giá lợn tăng đợt này không hẳn vì tác động của xăng dầu, mà còn từ những nguyên nhân khác.
Dự đoán về điều này, ông Đại cho rằng kịch bản cũ đang lặp lại. Thứ nhất là nhu cầu tiêu thụ trong nước đang tăng do hoạt động của mùa du lịch, lưu thông thuận lợi suốt 3 miền. Thứ hai do cửa khẩu biên giới Việt-Trung thông thương trở lại sau thời gian bị kiểm soát chặt do phía Trung Quốc triển khai các biện pháp phong tỏa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, mà Trung Quốc luôn là thị trường hút nhiều nông sản của Việt Nam. Thứ ba, từ hai nguyên nhân trên dẫn đến mất cân đối cung-cầu, bởi lượng lợn thịt dự trữ không đáp ứng được do việc tái tạo chưa trở lại bình thường như cũ. Cuối cùng mới là tác động tiêu cực của giá xăng dầu, dẫn đến cước vận chuyển gia tăng.
Dẫu đó mới chỉ là nhận định từ kinh nghiệm của một tiểu thương, nhưng thực tế giá lợn thịt tăng đã kéo theo phản ứng dây chuyền, hệ lụy đáng kể đến nhiều nhóm thực phẩm khác. Đơn cử như các loại thực phẩm chế biến từ thịt lợn là giò, chả, mọc, pate… các loại đều tăng theo.
Trong khi đó các quán ăn điểm tâm và quán cơm đường phố cũng buộc phải giảm khẩu phần của khách, khi suất ăn bình dân không thể tăng theo nguyên liệu chế biến. Bà Lê Thị Dung, chủ một quán cơm ở đường Lạch Tray tâm sự, khách hàng ổn định chủ yếu là công nhân và sinh viên, khẩu phần ăn từ 15 nghìn đồng đến 25 nghìn đồng/suất xem như đã ấn định, nên chủ quán buộc phải bớt đi mỗi món một tí để bù vào vốn.
Trước khi giá lợn thịt tăng như trên, thị trường thành phố đã chứng kiến đợt tăng giá mạnh mẽ của các loại gia cầm. Trong đó những loại bán phổ biến như gà ta (nuôi công nghiệp) tăng từ 90 nghìn đồng lên 120 nghìn đồng/kg; ngan ta tăng từ 90 nghìn đồng lên 130 nghìn đồng/kg; vịt từ 70 nghìn đồng lên 85 nghìn đồng/kg, gà công nghiệp lông trắng từ 55 nghìn đồng lên 65 nghìn đồng/kg; trứng gà ta từ 26 nghìn đồng lên 32 nghìn đồng/chục quả; trứng gà công nghiệp từ 22 nghìn đồng lên 30 nghìn đồng/chục quả… so với tháng đầu năm 2022.
Cùng với hai loại thực phẩm nêu trên, giá các loại thủy sản hiện cũng đang ở mức khá cao, như tôm thẻ chân trắng từ 200 nghìn đồng đến 240 nghìn đồng/kg dù đang rộ vụ, cá thu vẩy 60 nghìn đồng/kg, cá trắm cỏ 75 nghìn đồng/kg, cua đồng 150 nghìn đồng/kg… đây đều là những thức ăn bình dân, được tiêu thụ hàng ngày. Tuy nhiên theo những người nội trợ, mức giá trên của thủy sản đã giảm nhiều so với đầu mùa du lịch, vì nguồn cùng đang tốt và mức tiêu thụ cũng giảm đáng kể.
Còn giá rau xanh đang tương đối ổn định do rộ vụ, nhưng là sự ổn định ở mức giá cao, như muống 12 nghìn đồng/bó, cải xanh-dền-mồng tơi đều 10 nghìn đồng/bó, rau ngót 13 nghìn đồng/bó, cá biệt rau dút chính vụ nhưng lên tới 15 nghìn đồng/bó và rất ít hàng.
Theo tính toán của bà Nguyễn Thị Hiệp, với diễn biến tăng nêu trên, chi phí mỗi bữa ăn của người dân đều tăng từ 15 đến 20%. Như gia đình bà Hiệp có 4 người, nếu như trước kia tiền sinh hoạt bình quân 150 nghìn đồng/ngày, thì hiện đã lên tới 200 nghìn đồng/ngày.
Đối với gia đình khá giả thì khỏi nói, nhưng với những gia đình lao động không ổn định hoặc chỉ sống nhờ lương hưu thì thực sự áp lực. Chỉ còn cách giảm khẩu phần hoặc cải tiến bữa ăn theo kiểu “thịt kho đậu”, “thịt kho tôm” hoặc chuyển sang thủy sản tạp, vì phải dành tiền chi tiêu các việc khác, khi hầu hết giá cả hàng hóa nói chung đều tăng trong thời gian qua.
“Không lý thuyết theo kiểu tính đến đủ lượng Kalo hay chất lượng an toàn thực phẩm, nhưng thực sự giá cả đang làm khó cho người thu nhập thấp như chúng tôi, khi ra chợ mỗi ngày chỉ dám mua 3 lạng thịt thay cho nửa cân ngày trước, nên nhiều lúc thèm cũng phải thắt lưng buộc bụng”, bà Hiệp bộc bạch.
Nhìn từ góc độ quản lý, thị trường biến động cũng luôn phát sinh những vấn đề về chất lượng hàng hóa, về nguồn gốc xuất xứ, về phân phối lưu thông… trở thành thách thức cho các hoạt động kiểm soát. Nhưng thực tế cũng cho thấy, mọi động thái không thích hợp rất có thể sẽ làm tăng thêm sự bất ổn, khi cán cân cùng-cầu và lưu thông chịu tác động.
Lê Minh Thắng