Hiện nay, 100% cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn thành phố đều kết nối liên thông dữ liệu với BHXH. Đây là căn cứ để tổng hợp giám định và thanh, quyết toán. Tuy nhiên, việc ứng dụng hệ thống này vào thực tế còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.
Gửi chậm, thiếu, trùng dữ liệu
Theo đại diện BHXH Hải Phòng, tính đến ngày 31-5-2018, một số cơ sở KCB BHYT gửi chậm dữ liệu từ 4 đến 5 ngày như: Bệnh viện hữu nghị Việt- Tiệp (10.305 hồ sơ), Trung tâm y tế Kiến An (3.450 hồ sơ), Bệnh viện Trẻ em (2.166 hồ sơ), Bệnh viện Phụ sản (2.161 hồ sơ)… Một số cơ sở gửi trùng dữ liệu nhiều như: Bệnh viện đa khoa Hồng Bàng (4.978 hồ sơ), Bệnh viện đa khoa Ngô Quyền (4.781 hồ sơ), Bệnh viện Giao thông vận tải (3.082 hồ sơ)… Tất cả những hồ sơ gửi chậm, gửi thiếu, trùng dữ liệu đều phải sàng lọc hoặc yêu cầu gửi lại nên mất rất nhiều thời gian. Tình trạng này ảnh hưởng lớn đến công tác giám định BHYT. Các thủ thuật, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế thực hiện cho người bệnh không được giám định kịp thời khiến công tác thanh quyết, toán chi BHYT cho các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn.
Việc chuyển dữ liệu lên hệ thống giám định BHYT đúng, đủ, kịp thời giúp công tác thanh, quyết toán BHYT thuận lợi hơn. Ảnh: Đỗ Hiền
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Quốc Trinh, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Thủy Nguyên cho rằng: Hiện, phần mềm giám định BHYT hoạt động chưa thực sự ổn định. Cơ quan BHXH yêu cầu các cơ sở y tế gửi dữ liệu KCB trong ngày đối với người bệnh kết thúc điều trị là chưa phù hợp với quy chế chuyên môn bệnh viện, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Có những lúc việc kết xuất dữ liệu trục trặc, hệ thống không nhận dữ liệu, chúng tôi không biết lỗi hay nhầm ở đâu nên bắt buộc phải làm lại từ đầu. Có những hôm, cán bộ phải làm tăng ca, thêm giờ, rất áp lực. Còn theo đại diện Bệnh viện Lao và Bệnh phổi: các cán bộ y tế chủ yếu được đào tạo về chuyên môn y khoa nhưng ít được đào tạo về công nghệ thông tin. Nhất là ở tuyến y tế cơ sở, nguồn nhân lực công nghệ thông tin vừa yếu về chuyên môn vừa thiếu về số lượng, chưa thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Mặt khác, do danh mục dùng chung giữa các cơ sở y tế chưa quy chuẩn, chưa rút gọn với hàng nghìn mã gây khó cho cơ sở y tế. Đơn cử như siêu âm thì chỉ cần quy định một mã, chụp X- quang cần một mã thay vì có hàng trăm mã như hiện nay, điều này sẽ tạo điều kiện cho cơ sở y tế đẩy thông tin lên cổng dễ dàng hơn. Các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế thường xuyên bổ sung, thay đổi, dẫn đến khó khăn cho các đơn vị trong triển khai thực hiện thống nhất. Bên cạnh đó, tại một số cơ sở y tế, hệ thống máy móc kỹ thuật hoạt động không ổn định. Phần mềm quản lý KCB đang sử dụng tại các cơ sở y tế do nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin cung cấp, nhiều phần mềm không được chỉnh sửa, cập nhật kịp thời để phù hợp với yêu cầu trích xuất dữ liệu theo quy định.
Nhiều trường hợp thẻ BHYT (hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa,…) không kiểm tra tự động qua hệ thống service được vì thời hạn thẻ không có quy tắc, mạng 3G do BHXH cung cấp không hoạt động được. Do đó, các cơ sở y tế phải kiểm tra thông tin hiệu lực thẻ thủ công, mất rất nhiều thời gian, công sức.
Tiếp tục hoàn thiện, khắc phục hạn chế
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thống nhất ban hành quyết định số 4210/QĐ-BYT ngày 20-9-2017 quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT giúp các cơ sở khám chữa bệnh chỉ phải áp dụng và thực hiện theo một chuẩn duy nhất. Trên cổng tiếp nhận dữ liệu đã xây dựng và đăng tải tài liệu hướng dẫn kỹ thuật để các cơ sở KCB trích xuất dữ liệu khám chữa bệnh BHYT theo chuẩn định dạng dữ liệu mới để chuyển lên Cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế và Cổng tiếp nhận dữ liệu thuộc hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam.
Phó giám đốc phụ trách BHXH thành phố Nguyễn Thị Lộc cho biết: từ ngày 1-7-2018, BHXH thành phố lập tổ giám sát và phân tích chi phí KCB tại các cơ sở y tế. Hằng tháng, tổ giám sát thông báo việc chuyển dữ liệu lên hệ thống giám định của các cơ sở KCB để cơ sở kịp thời rà soát dữ liệu, chuyển đúng thời gian, tiến độ, tránh ảnh hưởng đến số liệu quyết toán. Đồng thời, BHXH thành phố phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác chuyển dữ liệu lên hệ thống phần mềm giám định BHYT tại các cơ sở y tế; cập nhật danh mục dùng chung (dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế); chuyển giao hướng dẫn phần mềm; kiểm tra, giám sát quá trình triển khai, vận hành hệ thống thông tin giám định BHYT cho các cơ sở KCB và cơ quan BHXH quận, huyện.
Hoàng Xuân – Báo Hải Phòng 07/7/2018