Sau 20 năm thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, bằng nhiều cách làm sáng tạo, việc thực hiện QCDC ở các khu vực, lĩnh vực loại hình đơn vị kinh tế- xã hội trên địa bàn thành phố đạt kết quả tích cực. Phóng viên Báo Hải Phòng phỏng vấn đồng chí Bùi Đức Quang, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy chung quanh vấn đề này.
Cán bộ xã Kiến Quốc (huyện Kiến Thụy) tích cực xuống cơ sở vận động nhân dân hiến đất, làm đường nông thôn mới. Ảnh: Phương Linh
– Đề nghị đồng chí cho biết kết quả nổi bật trong xây dựng và thực hiện QCDC ở các khu vực, loại hình đơn vị của thành phố trong thời gian qua?
– Hải Phòng là nơi khởi nguồn của phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Sau 20 năm thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị (khoá 8) về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, việc lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa tổ chức thực hiện QCDC trên địa bàn thành phố được các cấp, ngành thực hiện sâu rộng các lĩnh vực, loại hình. Ban Thường vụ Thành ủy ban hành các quyết định: thành lập Ban chỉ đạo, ban hành Quy chế làm việc; phân công nhiệm vụ các thành viên Ban chỉ đạo và các tổ công tác QCDC của thành phố; chỉ đạo các cấp uỷ Đảng thường xuyên củng cố, kiện toàn, bổ sung, hoàn thiện quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm từng thành viên trong Ban chỉ đạo phù hợp từng thời kỳ và yêu cầu của việc thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở. Từ đó, hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC các địa phương có nhiều đổi mới nhất là trong công tác tuyên truyền, kiểm tra và tổ chức hội nghị chuyên đề. Ban chỉ đạo các cấp phối hợp chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội hướng dẫn và tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở dần đi vào nền nếp.
Việc thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn phát huy hiệu quả rõ nét ở cộng đồng dân cư. Cấp ủy Đảng, chính quyền ngày càng có nhiều biện pháp, cách thức cụ thể, thiết thực cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trên các lĩnh vực. Công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp chuyển mạnh theo hướng cụ thể, gần dân, vì dân phục vụ, công khai, minh bạch; đẩy mạnh cải cách hành chính. Việc thực hiện công khai, dân chủ, công bằng trong một số lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm ngày càng được chú trọng thực hiện: quản lý quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Việc thực hiện QCDC trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, lãng phí… được quan tâm và có chuyển biến rõ nét; tạo sự thống nhất, đoàn kết trong nội bộ, hoàn thành nhiệm vụ chính trị, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. Qua thực hiện QCDC tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các vụ việc tồn đọng kéo dài.
Việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc theo Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ tiếp tục được quan tâm thực hiện. Nhiều doanh nghiệp quan tâm rà soát, xây dựng, bổ sung quy chế thực hiện QCDC, quy chế đối thoại tại nơi làm việc, quy chế tổ chức hội nghị người lao động trong đơn vị. Đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước, công tác xây dựng và thực hiện QCDC ngày càng chuyển biến tích cực. Nhiều ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở các doanh nghiệp được kiện toàn, bổ sung, tham mưu cấp ủy Đảng nhiều biện pháp, cách làm nhằm cụ thể hóa thực hiện.
– Theo đồng chí, việc thực hiện QCDC ở cơ sở hiện nay còn những hạn chế gì ?
– Các hạn chế đó là: một số đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước chưa triển khai; công tác xây dựng và thực hiện QCDC có nơi mang tính hình thức, hiệu quả thấp, chưa bảo đảm được các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn. Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ, thiếu chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo thực hiện; ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở một số cơ quan, địa phương, đơn vị chưa được kiện toàn kịp thời, hiệu quả hoạt động chưa cao. Sự phối hợp của chính quyền với các ban, ngành, đoàn thể trong tổ chức thực hiện QCDC có nơi còn mang tính hình thức, kém hiệu quả; công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện QCDC ở cơ sở chưa thường xuyên. Xảy ra trường hợp lợi dụng dân chủ, gây trở ngại đối với quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là công tác giải phóng mặt bằng; thậm chí còn xảy ra tình trạng lạm dụng dân chủ gây khó khăn cho công tác lãnh đạo, điều hành của cấp uỷ Đảng, chính quyền.
Việc thực hiện QCDC trong một số cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập còn hình thức, trong đó có các đơn vị ngành giáo dục, gây bức xúc trong dư luận, có đơn vị đã bị phát hiện và xử lý do có hành vi sai phạm trong năm 2017. Kết quả thực hiện QCDC trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt hiệu quả thấp.
– Đồng chí cho biết các giải pháp để tiếp tục xây dựng và thực hiện hiệu quả cao QCDC ở cơ sở trong thời gian tới?
– Thứ nhất, các cấp ủy Đảng tiếp tục quán triệt, chỉ đạo bằng các chủ trương, biện pháp, cách làm cụ thể mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trọng tâm là đẩy mạnh xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với cụ thể hóa thực hiện những nội dung, hình thức công khai để nhân dân biết, nhân dân góp ý, nhân dân giám sát; nghiên cứu đổi mới nội dung, biện pháp, cách thức để phát huy vai trò của nhân dân phù hợp tình hình thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội thành phố trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai, đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDC; ưu tiên lựa chọn các hình thức tuyên truyền nổi bật, có mức độ phổ biến rộng rãi, tác động mạnh mẽ và tạo chuyển biến rõ nét đến nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về QCDC và trách nhiệm thực hiện QCDC ở cơ sở.
Thứ ba, tập trung cao chỉ đạo thực hiện chủ đề công tác dân vận toàn quốc năm 2018- “Năm dân vận của chính quyền” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa 12) “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Trong đó, quan tâm thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch, công bằng trong các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, liên quan nhiều, trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân như: quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng thu hồi đất, xã hội hóa xây dựng nông thôn mới, xã hội hóa y tế, giáo dục, cổ phần hóa doanh nghiệp…; nâng cao nhận thức, đạo đức, năng lực thực hành QCDC cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị trong thực hiện QCDC, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức công tâm, thạo việc, có trách nhiệm cao với nhân dân; lấy kết quả thực hiện QCDC ở cơ sở là một trong các tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức.
Thứ tư, tăng cường chỉ đạo và tạo chuyển biến trong thực hiện QCDC trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước; khắc phục tình trạng hình thức trong thực hiện QCDC ở các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, nâng độ đồng đều về kết quả thực hiện QCDC giữa các loại hình cơ sở.
Thứ năm, tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội theo Quyết định số 217, 218 của Bộ chính trị, nhất là trong một số lĩnh vực nhạy cảm, liên quan nhiều đến quyền và lợi ích của nhân dân, được đông đảo nhân dân quan tâm như: thu- chi tài chính trường học, dạy thêm, học thêm, quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, chính sách an sinh xã hội…
Thứ sáu, mở rộng và phát huy QCDC ở cơ sở phải đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương. các cấp ủy Đảng tăng cường và đổi mới hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở, kịp thời phát hiện và nghiêm khắc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.
– Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Kim Oanh – Báo Hải Phòng 13/03/2018