Print Thứ Hai, 30/12/2019 09:33 Gốc

Từ ngày 1-1-2020, Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực. Theo đó, người lao động được tăng lương từ 150 đến 240 nghìn đồng mỗi tháng tùy theo từng vùng. Để bảo đảm quyền lợi của người lao động, công đoàn cơ sở cần giám sát chặt chẽ, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện nghiêm.

Đáp ứng mong chờ của công nhân

5 năm trở lại đây, vào dịp 1-1 hằng năm, người lao động mong ngóng được tăng lương tối thiểu vùng. Qua mỗi năm, lương tối thiểu tăng thêm nhằm đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Đơn cử, người lao động ở vùng 1, từ năm 2015 đến nay, mức lương mỗi năm tăng từ 200 đến 400 nghìn đồng/tháng. Năm 2015, lương tối thiểu vùng 1 đạt 3,1 triệu đồng/tháng, đến năm 2020 đạt 4,42 triệu đồng/tháng, tăng 1,32 triệu đồng sau 5 năm. Theo quy định của Nghị định 90, lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng trung bình 5,5% so với năm 2019, mức tăng tuyệt đối từ 150-240 nghìn đồng/tháng/vùng. Chị Nguyễn Thị Hương, công nhân Công ty Yazaki, Khu công nghiệp Nô-mu-ra (huyện An Dương) cho biết: “Tôi làm việc gần 10 năm, mỗi lần tăng lương tối thiểu vùng dù không nhiều nhưng người lao động rất mừng, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống”. Việc tăng lương tối thiểu vùng hằng năm không chỉ có ý nghĩa khi được lấy làm căn cứ để trả lương, mà còn là cơ sở để doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, bảo đảm mức lương hưu của người lao động không quá thấp. Như vậy, với việc tăng lương tối thiểu vùng, người lao động được “lợi ích kép” khi vừa tăng thu nhập, vừa bảo đảm việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tăng lương tối thiểu vùng là niềm vui của người lao động, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống. Trong ảnh: Công nhân Công ty sản xuất đồ chơi Lucky trong ca sản xuất.

Cùng với việc tăng lương tối thiểu vùng hằng năm, nhiều doanh nghiệp quan tâm, có thêm các chế độ về phúc lợi xã hội, nâng tổng thu nhập của người lao động tăng cao hơn mức lương quy định, giúp người lao động ổn định và cải thiện cuộc sống, thêm gắn bó với doanh nghiệp. Thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trên cơ sở báo cáo của hơn 4.400 doanh nghiệp cho thấy, năm 2019, mức lương bình quân chung của người lao động đạt 7,848 triệu đồng/tháng, tăng 13,4% so với năm 2018 và gấp gần 2 lần so với mức lương tối thiểu vùng.

Theo quy định tại Nghị định 90, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ 1-1-2020 như sau: Các địa bàn thuộc Vùng 1, mức 4.420.000 đồng/tháng; Vùng 2 mức 3.920.000 đồng/tháng; Vùng 3 mức 3.430.000 đồng/tháng; Vùng 4 mức 3.070.000 đồng/tháng. Đối với Hải Phòng, tất cả quận, huyện thuộc Vùng 1, trừ huyện đảo Bạch Long Vỹ thuộc Vùng 2.

Tích cực giám sát, đôn đốc thực hiện

Cán bộ lao động-tiền lương, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, ngay sau khi Nghị định 90 được ban hành, Sở có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện. Qua nắm bắt thông tin phản hồi từ các doanh nghiệp cho thấy, hầu hết doanh nghiệp đều đáp ứng được mức tăng lương tối thiểu vùng. Ông Lưu Hải Âu, Chủ tịch Công đoàn Công ty Toyoda Gosei (Khu công nghiệp Nô-mu-ra) cho biết; “Công ty có 3.800 công nhân tại nhà máy ở Hải Phòng. Thực hiện tăng lương tối thiểu vùng, Công đoàn lấy ý kiến người lao động, tham gia đàm phán với chủ sử dụng lao động, bảo đảm thực hiện nghiêm túc”. Về phía người lao động, chị Nguyễn Thị Hương bày tỏ: “Tôi mong khi tăng lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp không cắt giảm các chế độ phúc lợi của người lao động, thu nhập của người lao động có tăng lên thì việc tăng lương tối thiểu vùng mới có ý nghĩa”.

Theo quy định tại Nghị định 90, khi thực hiện tăng lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Để bảo đảm việc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm, cần phát huy vai trò giám sát của tổ chức Công đoàn. Bà Phạm Thị Hằng, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế, cho biết: “Công đoàn Khu kinh tế chỉ đạo các công đoàn cơ sở trực thuộc hoàn thành việc tham gia đàm phán với chủ sử dụng lao động để thực hiện tăng lương tối thiểu vùng theo quy định. Trong đó chú ý không cắt giảm chế độ của người lao động, để thu nhập của người lao động phải thực sự tăng lên khi lương tối thiểu vùng tăng. Hiện tại, Công đoàn các doanh nghiệp đang phối hợp đề xuất việc thưởng Tết Canh Tý và thực hiện các phúc lợi năm 2020”.

Việc tăng lương vào tháng 1-2020, đúng thời điểm các doanh nghiệp thực hiện “3 trong 1”: Vừa tăng lương tối thiểu vùng, vừa thưởng Tết Dương lịch và thưởng Tết Canh Tý nên mức chi kinh phí khá lớn. Theo bà Hằng, để bảo đảm việc tăng lương tối thiểu vùng đúng, đủ, nghiêm túc, Công đoàn tổ chức giám sát chặt chẽ, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện nghiêm.

Bài: Phương Nam – Ảnh: Đỗ Hiền

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thực hiện tăng lương tối thiểu vùng: Giám sát để bảo đảm quyền lợi người lao động
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác