Không tham gia đầy đủ các bước trong quá trình tố tụng hành chính, dân sự, UBND một số quận, huyện với tư cách là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khiến nhiều vụ việc khiếu kiện bị kéo dài, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân vừa làm tăng nguy cơ tạo ra các điểm nóng mất an ninh trật tự.
Đối thoại giải quyết tranh chấp tại Trung tâm hòa giải đối thoại TAND quận Ngô Quyền.
Tham gia tố tụng hành chính, dân sự không đầy đủ
Cuối tháng 5 vừa qua, Báo Hải Phòng phản ánh việc ông Đinh Ngọc Khương, ở thôn Tân Lập, xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên) khiếu nại chính quyền địa phương thanh lý hợp đồng cho thuê đầm nuôi trồng thủy sản nhưng không bồi thường, gây thiệt hại đối với gia đình ông. Sau hơn 3 năm từ ngày ông Khương gửi đơn khiếu kiện, đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Ngay cả khi TAND thành phố thụ lý, vụ án hành chính xem xét tính hợp pháp và tính có căn cứ của Thông báo thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản cũng bị hoãn lại do UBND huyện Thủy Nguyên, UBND xã Lập Lễ chậm trễ trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho tòa. Cũng vì lý do này, đến tháng 11-2017, TAND thành phố ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Lý do là đợi chính quyền địa phương cung cấp tài liệu, chứng cứ theo tòa yêu cầu. Mới đây, vụ án sơ thẩm hành chính được tiếp tục giải quyết và đang trong giai đoạn đối thoại giữa hai bên.
Thực tế cho thấy, tồn đọng một số vụ kiện hành chính, dân sự kéo dài nhiều năm như vụ việc của gia đình ông Đinh Ngọc Khương, chủ yếu liên quan tới quyền sử dụng đất đai. Trong các vụ việc, UBND các quận, huyện tham gia với vai trò là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Theo quy định hiện hành, đối với những vụ án hành chính, án dân sự, UBND quận, huyện sẽ phải tham gia vào 4 bước trong quá trình tố tụng gồm thể hiện quan điểm của địa phương bằng văn bản; cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra; tham gia phiên hòa giải, đối thoại; tham gia phiên tòa.
Tuy nhiên, thực tế, một số địa phương vẫn coi nhẹ việc tham gia giải quyết những vụ kiện hành chính, dân sự. Do đó, nhiều vụ án, nhất là án dân sự, lãnh đạo địa phương không tham gia các phiên đối thoại, phiên tòa. Nhiều vụ việc, Chủ tịch UBND quận, huyện ủy quyền cán bộ các phòng chức năng, chủ yếu là Phòng Tài nguyên- Môi trường tham gia. Nhưng khi giải quyết vụ việc, những người được phân công lại không hoàn thành nhiệm vụ. Lý giải việc này, đại diện Phòng Tài nguyên- Môi trường một số địa phương cho rằng, do đơn vị có nhiều việc, nhân lực lại mỏng nên không thể tham gia đầy đủ các bước trong quá trình tố tụng.
Tiếp nhận đầy đủ thông tin từ phía tòa án
Tại cuộc giám sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố về chấp hành Luật Tố tụng hành chính, tố tụng dân sự tại UBND huyện An Dương mới tháng 5 vừa qua, Phó chánh án TAND thành phố Phạm Văn Phích khẳng định, nếu chính quyền các địa phương không chủ động phối hợp, tham gia đầy đủ các khâu của quy trình tố tụng, việc xử lý, giải quyết các vụ kiện sẽ kéo dài, gây bức xúc cho người dân.
Thực tế, các cá nhân khi khởi kiện ra tòa, đều ý thức rõ cơ quan chức năng trực tiếp giải quyết vụ việc chính là chính quyền địa phương. Do đó, sự xuất hiện của lãnh đạo địa phương trong các phiên hòa giải, đối thoại, phiên tòa là quan trọng để giải quyết thấu đáo vụ việc. Tại buổi làm việc với Ban Pháp chế HĐND thành phố đầu tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND quận Hải An Phạm Chí Bắc cho rằng, việc chấp hành nghiêm túc các quy định yêu cầu tham gia phiên đối thoại, phiên tòa của đại diện UBND quận, huyện là yếu tố đầu tiên giúp nâng cao chất lượng việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, tố tụng dân sự. Đối với các vụ án hành chính, UBND quận Hải An cử một đồng chí Phó chủ tịch UBND quận trực tiếp tham gia đầy đủ các bước trong quy trình tố tụng hành chính. Đối với án dân sự, người được ủy quyền là Trưởng Phòng Tài nguyên- Môi trường. Sau mỗi bước, phải báo cáo Chủ tịch UBND quận để có phương án xử lý đúng pháp luật, phù hợp thực tế.
Để làm được việc này, trước hết, người đứng đầu chính quyền địa phương phải thay đổi về nhận thức trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, tố tụng dân sự. Bởi sự tham gia tích cực những vụ kiện này cũng là biện pháp giúp ổn định tình hình địa phương, không để phát sinh đơn thư, khiếu kiện kéo dài.
Đối với hai bước còn lại trong quy trình tố tụng là thể hiện quan điểm và cung cấp tài liệu chứng cứ liên quan tới vụ việc, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Phạm Tuyên Dương cho rằng, hầu hết vụ kiện đều liên quan tới đất đai. Trong khi đó, do việc chia tách đơn vị hành chính, luân chuyển hồ sơ nhiều lần, dẫn tới việc xác định nguồn gốc đất thường mất nhiều thời gian. Nếu trong 15 ngày sau khi có công văn của TAND, chưa xác minh được, chính quyền địa phương cũng cần thông tin trở lại TAND bằng văn bản về nguyên nhân chưa xác định được nguồn gốc đất, làm căn cứ để TAND giải quyết theo đúng quy định. Tránh tình trạng, không thông tin, báo cáo, khiến việc xét xử bị gián đoạn, gây bức xúc cho người dân.
Sau 3 tháng triển khai, Trung tâm hòa giải, đối thoại tại 9 tòa án quận, huyện và TAND thành phố Hải Phòng thụ lý tổng cộng khoảng 2500 vụ việc, đơn khởi kiện; tổ chức hòa giải, đối thoại thành công hơn 880 vụ, trong đó có 61 vụ tranh chấp dân sự, 8 vụ án hành chính.
Như An – Báo Hải Phòng 26/06/2018
Dự kiến, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Hải Phòng thưởng Tết Nguyên…
Công an huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) vừa bắt giữ 1 đối tượng cướp…
So với những năm trước, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 giảm 1…
Sáng 24/12, Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng long trọng tổ chức lễ kỷ…
Chiều 24/12, quận Lê Chân tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết…
Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu (gọi tắt là Cảng Hoàng Diệu) thông báo…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More