Cuối tháng 9-2019, Sở Giao thông Vận tải thực hiện cắm biển báo cấm xe máy và xe gắn máy đi qua 3 cầu vượt trên trục quốc lộ 5 qua nội thành Hải Phòng gồm: cầu vượt Lạch Tray, cầu vượt Lê Hồng Phong và cầu vượt Nguyễn Bỉnh Khiêm-Đình Vũ để bảo đảm an toàn giao thông. Tuy nhiên, còn nhiều người điều khiển xe máy, xe gắn máy vi phạm biển báo, cố tình đi lên cầu, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn…
Vi phạm do không cập nhật quy định mới
Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hoàng Triệu Hùng cho biết, để bảo đảm an toàn giao thông trên 3 cây cầu vượt, được sự cho phép của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT tổ chức lắp biển báo để cấm 3 loại phương tiện qua cầu gồm: xe mô tô (xe máy), xe gắn máy (bao gồm cả xe điện) và xe thô sơ. Để thực hiện cấm các loại xe nêu trên, Sở GTVT tổ chức đặt 2 loại biển báo cấm: Biển cấm xe máy và xe gắn máy (P.111A) được in hình giống như xe gắn máy và biển cấm xe thô sơ viết bằng chữ, theo Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ. Thực tế cho thấy, từ khi lắp biển báo đến nay, không có vụ tai nạn giao thông nào xảy ra trên cầu, khẳng định hiệu quả chủ trương đúng về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Sau khi cắm biển cấm, vẫn có một số người đi xe máy lên cầu do quan niệm biển P.111A chỉ cấm xe gắn máy, chứ không cấm xe máy (xe mô tô). Đồng thời từ giữa tháng 10-2019, Sở GTVT dỡ bỏ chữ “xe máy” ở biển cấm viết bằng chữ, càng khiến người dân hiểu lầm là biển P.111A không cấm xe mô tô, dẫn đến những cuộc tranh luận trên các trang mạng xã hội tại Hải Phòng.
Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến việc hiểu sai là do người dân không cập nhật kịp thời các quy định mới về biển báo theo quy định mới. Ông Hoàng Triệu Hùng khẳng định, hiện nay, cũng như cả nước, Hải Phòng đang thực hiện lắp đặt biển báo theo Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ năm 2016 (QC41.2016) để bảo đảm tính chính xác, khách quan. Những biển báo theo Quy chuẩn năm 2012 (QC41.2012) đang dần được dỡ bỏ, thay thế theo lộ trình được quy định tại Điều 89 của quy chuẩn.
Cùng với biển P.111A cấm xe máy và xe gắn máy, Sở GTVT đặt thêm biển cấm viết bằng chữ “Cấm xe thô sơ qua cầu”. Nhiều người hiểu lầm đây là chỉ dẫn rằng biển P.111A chỉ cấm xe thô sơ. Tuy nhiên, đó là loại biển cấm được viết bằng chữ theo Điều 46 của QC41.2016 (biển màu đỏ, chữ màu trắng và bắt đầu bằng chữ “cấm”.
Biển báo P.111A ở 2 bộ quy chuẩn (năm 2012 và năm 2016) không còn giống nhau. Nếu như QC41.2012 tách biệt biển cấm xe gắn máy và biển cấm xe mô tô, tại QC41.2016, Bộ GTVT gộp 2 loại phương tiện này vào 1 biển thống nhất là cấm xe máy và xe gắn máy. Đồng thời quy định xe mô tô là xe máy tại Điều 3.39 trong QC41.2016.
Tuyên truyền gắn liền xử lý
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều người dân hiểu chưa đúng về biển báo cấm xe máy và xe gắn máy là quá trình học, cấp giấy phép lái xe cơ giới hiện nay vẫn còn dựa vào quy chuẩn cũ và chưa thay đổi nhiều so với quy chuẩn mới, khiến người dân rất khó khăn trong việc tiếp cận theo. Vì ít được tiếp cận những quy định mới và thấy biển viết bằng chữ không có chữ “xe máy” nên nhiều người càng có cơ sở cho rằng, biển P.111A chỉ cấm xe gắn máy, chứ không cấm xe mô tô. Chỉ đến khi bị xử phạt mới biết mình sai. Điều này cho thấy, kiến thức của người dân về quy định biển báo giao thông còn hạn chế và không cập nhật sự thay đổi. Do đó, tuyên truyền là giải pháp tốt nhất để người dân nắm được những quy định mới.
Theo Ban An toàn giao thông thành phố, ngay từ khi Sở GTVT lắp đặt biển báo, Ban đề nghị Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an thành phố), tổ chức tuyên truyền trong nhiều ngày để người dân biết để chấp hành. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí tuyên truyền sâu rộng đến với người dân. Những ngày đầu, các tổ, đội CSGT bố trí trực chốt ở các đầu cầu để hướng dẫn và nhắc nhở người vi phạm, sau đó mới tiến hành xử lý. Ban An toàn giao thông phối hợp các cơ quan báo chí tuyên truyền về sự nguy hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy qua các cầu vượt. Đồng thời, phối hợp với hội, nhóm và fanpage trên mạng xã hội tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân. Cho đến nay, phần lớn người dân nghiêm chỉnh chấp hành, tuy nhiên còn một số người dân vi phạm, phần vì thiếu kiến thức về biển báo, phần vì cố tình vi phạm do muốn đi lại nhanh hơn…
Cầu vượt Lạch Tray, Lê Hồng Phong và Nguyễn Bỉnh Khiêm- Đình Vũ có lượng xe ô tô tải qua lại rất lớn, trung bình khoảng 40.000 lượt xe/ngày đêm. Đây cũng là khu vực tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông khi nằm trên trục quốc lộ nối đến cảng biển. Nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản, do đó, việc cấm xe máy, xe gắn máy và các loại xe thô sơ lên cầu là cần thiết. Người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành để bảo đảm an toàn giao thông.
Bài và ảnh: Đức Phong