Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDCCS) tại nơi làm việc trong khối doanh nghiệp theo Nghị định 60/2013/NĐ-CP được các doanh nghiệp triển khai đạt kết quả bước đầu, tuy nhiên, việc thực hiện còn nhiều khó khăn.
Đối thoại định kỳ tại Công ty TNHH văn phòng phẩm quốc tế ISC (Cụm công nghiệp Tân Liên).
Còn nhiều khó khăn
Đồng chí Bùi Đức Quang, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy cho biết, theo báo cáo của Ban chỉ đạo thực hiện QCDC của thành phố, kết quả xây dựng và thực hiện QCDC ở các loại hình doanh nghiệp tuy có chuyển biến, nhưng hiệu quả còn thấp. Cụ thể như: việc cụ thể hóa Nghị định 60/2013/NĐ-CP thành 3 quy chế, quy định thực hiện dân chủ trong đơn vị theo yêu cầu tại Kế hoạch số 8226 của UBND thành phố chưa đầy đủ, chưa kịp thời cập nhật các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương và thành phố, nhất là ở các doanh nghiệp có số lao động dưới 20 người. Một bộ phận không nhỏ người lao động tại các đơn vị thành viên chưa được tiếp cận đầy đủ và nắm rõ các quy định trong Nghị định 60/2013/NĐ-CP; chủ doanh nghiệp chưa quan tâm tổ chức hội nghị dân chủ hằng năm, coi việc tổ chức hội nghị là của tổ chức công đoàn; chưa tổ chức đối thoại định kỳ, chỉ đối thoại khi có vấn đề phát sinh hoặc lồng ghép vào đại hội cổ đông. Tính dân chủ của người lao động chưa được phát huy hiệu quả cao, nhiều ý kiến phát biểu có sự phân công từ trước nội dung bằng văn bản nên chung chung, không cụ thể; tại hội nghị dân chủ, người lao động chưa dám tham gia ý kiến cụ thể, trực tiếp. Tỷ lệ doanh nghiệp có thỏa ước lao động tập thể thấp (67,6%), việc ký thỏa ước lao động tập thể còn hình thức theo hướng có lợi cho chủ doanh nghiệp nhiều hơn người lao động. Các đoàn thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về lao động đối với việc thực hiện QCDC tại các doanh nghiệp chủ yếu nhắc nhở, hướng dẫn, chưa xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, nên sau khi thanh tra, kiểm tra, nhiều doanh nghiệp không chấp hành việc xây dựng và thực hiện QCDC theo quy định của pháp luật.
Đồng chí Trần Thị Quỳnh Trang, Phó bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp cho biết, ở loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, việc cụ thể hóa Nghị định 60/2013/NĐ-CP thành các quy chế, quy định hầu như chưa được thực hiện. Một số nội dung thực hiện dân chủ rõ nét nhất được triển khai là: tổ chức hội nghị người lao động với 167/193 doanh nghiệp đã tổ chức, chiếm 86,5%; xây dựng và ký thỏa ước lao động tập thể với 132/193 doanh nghiệp có thỏa ước, chiếm 68,3% . Việc xây dựng và thực hiện QCDC trong các công ty cổ phần, công ty TNHH gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, doanh nghiệp mà giám đốc không phải là đảng viên. Ở các công ty cổ phần dưới 51% vốn nhà nước, công ty TNHH, chủ doanh nghiệp chỉ chú trọng lợi nhuận, chưa quan tâm thực hiện QCDC tại nơi làm việc, không tổ chức hội nghị người lao động, chỉ đối thoại với người lao động chủ yếu về chế độ, quyền lợi người lao động được hưởng khi có yêu cầu. Vai trò của tổ chức đảng, công đoàn trong một số doanh nghiệp còn mờ nhạt, hình thức, chưa tuyên truyền đầy đủ, kịp thời cho người lao động về các quy định của pháp luật có liên quan, chưa mạnh dạn đấu tranh, bảo vệ tới cùng lợi ích hợp pháp của người lao động.
Chú trọng phối hợp, làm thực chất
Đồng chí Hoàng Đình Long, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, để tăng hiệu quả thực hiện QCDC tại các doanh nghiệp, thời gian tới, Liên đoàn Lao động thành phố sẽ tăng cường chỉ đạo LĐLĐ các quận, huyện, Công đoàn ngành và công đoàn cơ sở trực thuộc triển khai tập huấn, hướng dẫn tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Hội nghị người lao động bảo đảm thực chất, dân chủ để người lao động được tham gia ý kiến vào các hoạt động của doanh nghiệp theo quy định; phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động và quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật; định kỳ tổ chức hội nghị giao ban, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện QCDC hằng năm.
Từ thực tế, Ban Thường vụ Thành ủy kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60 phù hợp các loại hình doanh nghiệp. Chẳng hạn, việc tổ chức đối thoại định kỳ 3 tháng/lần theo quy định tại Điều 10 của nghị định là chưa phù hợp thực tế hoạt động tại các doanh nghiệp có tổ chức bộ máy đơn giản, quy mô sản xuất nhỏ; quy định việc tổ chức hội nghị người lao động hằng năm có thể lồng ghép với đại hội cổ đông thường niên (đối với công ty cổ phần) và hội nghị tổng kết công tác năm (đối với công ty TNHH, công ty tư nhân). Đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện QCDC ở cơ sở đối với các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, tổ chức công đoàn. Cùng với đó, Thành ủy rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy chế, quy định, quy trình về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc theo hướng bãi bỏ các quy định hết hiệu lực, không theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ, cập nhật các quy định pháp luật hiện hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định đã ban hành với những cách làm riêng, sáng tạo, vận dụng phù hợp đặc thù địa phương, đặc thù sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp….
Hoàng Yên – Báo Hải Phòng 31/07/2018
Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More