Việc triển khai thực hiện phong trào thi đua ‘Dân vận khéo’ trong hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cần thêm nhiều giải pháp trong lãnh đạo thực hiện để phong trào này ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực. Đây là trăn trở của những người làm công tác dân vận, tại hội nghị tổng kết công tác dân vận năm 2017.
Cán bộ xã Kiến Quốc (huyện Kiến Thụy) tích cực vận động nhân dân thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Duy Lân
“Dân vận khéo” gắn với học tập, làm theo Bác
Theo báo cáo của Ban Dân vận Thành ủy, năm 2017, Đảng bộ thành phố có sự sáng tạo, đổi mới trong thực hiện các mô hình dân vận khéo. Ban Dân vận Thành ủy tập trung hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị đăng ký xây dựng và nhân rộng gần 1000 mô hình “dân vận khéo” hướng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành, địa phương, đơn vị, thực hiện chủ đề năm của thành phố. Trong năm xuất hiện các mô hình Đảng bộ dân vận khéo, Cơ quan dân vận khéo, Cộng đồng dân vận khéo, góp phần tích cực phát triển kinh tế, giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng thành phố “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp – An toàn – Văn minh”. Nhìn chung, các cấp ủy Đảng đều quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; nội dung phát động phong trào thi đua gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; với phong trào thi đua yêu nước, lao động giỏi, lao động sáng tạo phù hợp loại hình cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản xuất, kinh doanh và hiệu quả phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Dù vậy, theo đánh giá của Ban Dân vận Thành ủy, việc lãnh đạo triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong khối đảng ủy cấp trên cơ sở và đảng ủy cơ sở trực thuộc Thành ủy còn một số hạn chế. Cụ thể, công tác quán triệt, triển khai các văn bản của Trung ương, Thành ủy về công tác dân vận chưa thường xuyên; các tổ chức chính trị – xã hội chưa có sự chủ động phối hợp để triển khai thực hiện phong trào “Dân vận khéo” gắn với phong trào thi đua yêu nước; việc nhân rộng các điển hình chưa sâu rộng, chưa tạo sức lan tỏa. Kết quả xây dựng và nhân rộng các mô hình “ Dân vận khéo” ở một số địa phương, đơn vị còn chạy theo số lượng, hình thức, chưa bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Trong số 1000 mô hình dân vận khéo và các địa phương, đơn vị đăng ký thực hiện, qua kiểm tra, Ban Dân vận Thành ủy nhận định có khoảng 300 mô hình thực hiện tốt, có thể nhân rộng. Phần còn lại làm hình thức, hoặc là những mô hình thực hiện từ nhiều năm trước khó nhân rộng nhưng cấp ủy vẫn đăng ký lại. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế là một số cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác dân vận và ý nghĩa phong trào thi đua “Dân vận khéo” nên chưa quan tâm đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận tại đơn vị.
Thực hiện “ 3 khéo, 1 phải” để tránh hình thức
Tại hội nghị tổng kết công tác dân vận năm 2017, đại diện nhiều đảng ủy cấp trên cơ sở, đảng ủy cơ sở trực thuộc Thành ủy, Ban Dân vận quận ủy, huyện ủy tham gia ý kiến, trao đổi kinh nghiệm trong triển khai thực hiện.
Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Phạm Xuân Thanh, cần phát huy tốt vai trò của đoàn thể để làm nòng cốt cho công tác vận động quần chúng. Các cấp ủy lựa chọn nội dung mô hình và chỉ đạo tổ chức thực hiện cần bám sát nhiệm vụ chính trị của thành phố, của ngành, hướng vào mục tiêu xây dựng chính quyền “của dân, do dân, vì dân”, kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, cấp ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành thường xuyên quán triệt sâu sắc công tác dân vận, đặc biệt là công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, đưa phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” trở thành một trong những tiêu chí đánh giá đảng viên, công chức, viên chức…
Theo Trưởng Ban Dân vận các Quận ủy Lê Chân, Hồng Bàng, nhằm giữ lửa phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các đảng ủy quan tâm đẩy mạnh công tác dân vận gắn với công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử phục vụ nhân dân và doanh nghiệp; bảo đảm công khai minh bạch, chống phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực; thường xuyên rà soát thủ tục hành chính, các chủ trương, chính sách, cơ chế, để kiến nghị bổ sung, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Ngoài ra, cần duy trì các mô hình, cách làm hiệu quả cao để đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tăng niềm tin của người dân với Đảng, với chính quyền.
Đồng chí Phó bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Nghĩa yêu cầu, năm 2018, công tác dân vận cần tiếp tục bám sát, tham gia thực hiện tốt chủ đề năm của thành phố là “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách– Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh” và chủ đề năm do Ban Dân vận Trung ương chọn là “Năm công tác dân vận của chính quyền”. Hệ thống dân vận đẩy mạnh việc xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”, nhất là các mô hình trong các cơ quan hành chính nhà nước, trong phát triển kinh tế, giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Các tổ chức trong hệ thống chính trị cần thực hiện khéo trong phát hiện vấn đề để đề ra chủ trương đúng, hợp lòng dân; khéo trong bàn bạc với dân các kế hoạch, biện pháp tổ chức triển khai, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện các phong trào hành động cách mạng; khéo trong kết hợp hài hoà lợi ích nhà nước, tập thể, nhân dân để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình vận động thực hiện. Đồng thời cần thực hiện “1 phải”, đó là: cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ công chức nhà nước các cấp phải “nói đi đôi với làm, là tấm gương để nhân dân học tập, làm theo….
(Hoàng Yên – Báo Hải Phòng 11/02/2018)