Print Thứ bảy, 26/01/2019 18:03

Theo Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn (NN-PTNT), sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa 10) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hệ thống công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn thành phố được quan tâm đầu tư, gia cố vững chắc góp phần tăng năng lực phòng, chống thiên tai (PCTT), ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Hệ thống đê biển Cát Hải được đầu tư  nâng cấp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng, chống thiên tai.       Ảnh: Duy Lân

Nhiều công trình đê điều, thủy lợi quan trọng được xây dựng, nâng cấp

Ông Bùi Đức Thảnh, hộ nuôi trồng thủy sản ở phường Tân Thành, quận Dương Kinh phấn khởi chia sẻ, từ khi tuyến đê biển 1 trên địa bàn quận được đầu tư, vào mùa bão lũ người nuôi trồng thủy sản ở các phường Tân Thành, Hải Thành không lo nước tràn vào đầm nuôi. Không riêng ông Thành, hàng trăm hộ nuôi trồng thủy sản ở quận Dương Kinh và quận Đồ Sơn yên tâm hơn khi đưa con giống vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi trồng.

Đó chỉ là một trong những công trình đê biển được đầu tư góp phần tăng năng lực PCTT cho người dân địa phương, thúc đẩy kinh tế thủy sản phát triển. Theo Chi cục Thủy lợi và PCTT thành phố, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương về “tam nông”, nhiều công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn thành phố được đầu tư góp phần tăng năng lực PCTT, ứng phó với biến đổi khí hậu. Giai đoạn 2008-2017, lĩnh vực đê điều của thành phố được đầu tư 775 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa, tu bổ đê. Với nguồn lực này, công tác quản lý đê điều được duy trì, phát triển tốt hệ thống đê sông và đê biển, giảm thiểu đê xung yếu xuống mức 5% tổng chiều dài toàn tuyến; nâng cấp 90% số tuyến đê có cao trình thấp hơn quy hoạch đạt cao trình đê quy hoạch; đầu tư cứng hóa trên 60 km mặt đê bằng bê tông phục vụ giao thông và phòng chống lụt, bão. Xử lý đồng bộ các nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn đê điều như tổ mối, mạch sủi phía đồng, địa chất nền đê yếu.

Ông Nguyễn Bá Tiến, Trường Chi cục Thủy lợi và PCTT thành phố cho biết, với việc đầu tư trên, đến năm 2017, nhiều đoạn đê, tuyến đê, tuyến kè được hoàn thiện về quy mô và chất lượng, cống xung yếu được thay thế, các trọng điểm xung yếu tồn tại nhiều năm được loại trừ. Công tác tu bổ đê điều cũng chú trọng đầu tư kết hợp nhiều mục tiêu như cải thiện điều kiện giao thông nông thôn, chỉnh trang đô thị, tạo điều kiện phát triển giao thông, công nghiệp, bảo đảm sự hài hòa giữa bảo vệ và phát triển bền vững.

Trong lĩnh vực thủy lợi cũng có nhiều công trình trọng điểm được quan tâm đầu tư. Tiêu biểu như: Dự án thủy lợi Bích Động thuộc hệ thống thuỷ lợi Vĩnh Bảo; dự án thủy lợi Nam sông Mới, Bắc sông Mới (huyện Tiên Lãng); dự án thủy lợi kênh Hòn Ngọc (huyện Thủy Nguyên); dự án Lai Sàng Họng, An Kim Hải; nâng cấp trạm bơm Thượng Đồng; xây dựng hồ chứa và công trình thủy lợi cung cấp nước ngọt tại xã Trân Châu, huyện Cát Hải; Chương trình phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn…, với tổng nguồn kinh phí đầu tư ước đạt 2.300 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố).

Tiếp tục quan tâm đầu tư

Các công trình đê điều, thủy lợi được đầu tư thời gian qua bước đầu phát huy tác dụng tích cực trong phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế và công tác PCTT. Song thực tế cho thấy toàn thành phố hiện còn nhiều công trình thủy lợi xây dựng từ những năm thập niên 70-80 của thế kỷ trước, kinh phí đầu tư cải tạo, nâng cấp hạn chế, thường xuyên chịu tác động trực tiếp của môi trường nên xuống cấp nhanh. Thêm vào đó, quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nhanh đang làm phá vỡ quy hoạch hệ thống thuỷ lợi, gia tăng tình trạng lấn chiếm công trình thuỷ lợi, ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống thuỷ lợi. Mặt khác, do hạn chế về nguồn vốn đầu tư nên việc đầu tư đồng bộ toàn tuyến đê, kè, cống chưa thực hiện được.

Để hệ thống đê điều, thủy lợi thành phố phát huy tác dụng đồng bộ, tăng năng lực PCTT, thời gian tới trung ương và thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hoá hệ thống đê điều bảo đảm tiêu chuẩn phòng, chống lũ, bão trong điều kiện biến đổi khí hậu. Trong đó, yêu cầu đặt ra với đê biển sau khi nâng cấp là bảo đảm phòng, chống bão cấp 12, triều cường tần suất 5%; đê sông sau khi nâng cấp và xây dựng mới bảo đảm phòng, chống lũ với mức lũ tần suất 0,8%, bão cấp 12. Bên cạnh đó, thành phố bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án như: rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch đê điều; đầu tư củng cố, nâng cấp đê biển; Dự án đầu tư xây dựng mới các cống xung yếu dưới đê; đầu tư xây dựng công trình kè phòng chống sạt lở bờ và bảo vệ đê sông; điều chỉnh cục bộ tuyến và kiên cố hoá đê qua các khu công nghiệp, khu đô thị; đầu tư phát triển rừng phòng hộ chắn sóng ven đê biển. Bố trí nguồn vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi đang triển khai; nâng cấp cụm công trình đầu mối cống Đợn và trạm bơm tiêu Cộng Hiền; các dự án cải tạo, nâng cấp các công trình nội đồng để phát huy hiệu quả các công trình đầu mối; bổ sung một phần kinh phí đầu tư cải tạo, nâng cấp một số công trình phục vụ cho công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn. Cùng với đó, cần hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực đê điều, thủy lợi và PCTT-TKCN.

Tiến Đạt – Báo Hải Phòng ngày 28/05/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa 10) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn  Tăng năng lực phòng, chống thiên tai
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác