Theo quy định tại Nghị định 141 của Chính phủ ngày 7-12-2017, mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng tăng từ 2,76 triệu đồng/tháng lên 3,98 triệu đồng/tháng từ ngày 1-1-2018 (vùng 1 là 3,98 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 3,53 triệu đồng, vùng 3 là 3,09 triệu đồng và vùng 4 là 2,76 triệu đồng/tháng). Đến nay, 96% số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn trên địa bàn thành phố nghiêm túc thực hiện điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng theo quy định…
Năm 2018, Công ty May Minh Thành tăng lương thêm 8% cho người lao động.
Công nhân, lao động phấn khởi
Từ những khó khăn trong tuyển dụng, thu hút lao động, nhất là nguồn lao động chất lượng cao, từ cuối năm 2017, Công đoàn Công ty CP cáp điện và hệ thống LS Vina đề xuất lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng kế hoạch tăng lương năm 2018 với mức tăng 13,5% so với năm trước. Cụ thể, thu nhập bình quân năm 2018 của người lao động là 13 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 1,5 triệu đồng/người/tháng so với năm 2017, cao hơn so với quy định của Chính phủ. Theo Giám đốc nhà máy kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty Đỗ Ngọc Tháp, hằng năm, ngoài áp dụng mức tăng lương tối thiểu vùng theo quy định, công ty căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh năm trước và kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm tiếp theo để xây dựng kế hoạch tăng lương. Cùng với điều chỉnh tăng lương, công ty tăng các khoản phúc lợi cho người lao động là 1,1 triệu đồng/ người/năm so với năm 2017. Nhờ vậy, người lao động phấn khởi, yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp (nhiều người lao động gắn bó với doanh nghiệp hơn 20 năm). Cùng với đó, hăng say tham gia lao động sản xuất, tích cực sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp góp phần hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất lao động, làm lợi cho doanh nghiệp (từ đầu năm 2018 đến nay, có gần 900 giải pháp, sáng kiến)…
Công ty TNHH May xuất khẩu Minh Thành hiện tạo việc làm cho hơn 1.700 lao động. Theo Chủ tịch Công đoàn công ty Phan Hồng Đức, trước tình hình biến động lao động do nhiều doanh nghiệp các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố thu hút lượng đông lao động về làm việc, công đoàn đề xuất lãnh đạo doanh nghiệp về phương án tăng lương cho người lao động, xây dựng thang bảng lương dựa theo quy định Nghị định 141, xác định việc tăng lương cho người lao động là giải pháp hiệu quả để giữ người lao động. Cụ thể, năm 2018, công ty áp dụng tăng lương 8%, với mức lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Kế hoạch tăng lương được công khai đến người lao động. Qua nắm bắt tư tưởng, tình cảm của người lao động tại các cuộc đối thoại định kỳ, hội nghị người lao động, các cuộc họp công đoàn, hầu hết công nhân, lao động hài lòng với mức lương doanh nghiệp áp dụng, yên tâm lao động, sản xuất.
Tăng cường giám sát việc tăng lương thời điểm cuối năm
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Tống Văn Băng, ngay sau khi Nghị định 141 của Chính phủ được ban hành và có hiệu lực, Liên đoàn Lao động thành phố chỉ đạo các cấp công đoàn thành phố tăng cường giám sát việc thực hiện việc tăng lương tối thiểu tại các doanh nghiệp. Đến nay, 96% số doanh nghiệp triển khai nghiêm túc việc thực hiện tăng lương tối thiểu vùng, một số doanh nghiệp áp dụng mức tăng cao hơn nhiều lần so với quy định, tạo sự đồng thuận cao từ phía người lao động. Tuy nhiên, còn 4% số doanh nghiệp chưa thực hiện nghị định. Trong đó, hầu hết là doanh nghiệp thiếu nhỡ việc làm, hoạt động kém hiệu quả, đang chờ giải thể….
Để các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định lương, thưởng cho người lao động, quý 4-2018, Liên đoàn Lao động thành phố chỉ đạo các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở chủ động tham gia với người sử dụng lao động xây dựng thang bảng lương, giám sát việc thực hiện tăng lương đúng với mức tăng lương tối thiểu do nhà nước quy định một cách chặt chẽ, sát sao, nhất là thời điểm trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Ngoài ra, công đoàn các cấp công khai phương án tăng lương tới toàn thể người lao động trong đơn vị, doanh nghiệp, tuyên truyền để người lao động hiểu, chia sẻ với doanh nghiệp, tránh bị kích động dẫn đến tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể…. Bên cạnh đó, công đoàn chủ động đề xuất doanh nghiệp xây dựng phương án hỗ trợ người lao động các khoản trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng…. để động viên người lao động yên tâm sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp. Đối với đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa thực hiện mức lương tối thiểu vùng với người lao động hợp đồng theo quy định tại Nghị định 141 của Chính phủ, các cấp công đoàn tiếp tục rà soát, đôn đốc doanh nghiệp. Đồng thời, chia sẻ, động viên đơn vị, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bảo đảm việc làm, tiền lương và các chế độ khác với người lao động.
Báo Hải Phòng 15/10/2018