Print Thứ Bảy, 26/01/2019 21:09

Tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tại quận Hồng Bàng ngày 8-8 vừa qua, Bí thư Quận ủy Đoàn Văn Chương nêu băn khoăn: khi thực hiện Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố, quy mô số hộ dân quá đông, số đảng viên, đoàn viên, hội viên tăng cao, địa bàn rộng, gây khó khăn cho việc quản lý và bố trí điểm sinh hoạt cộng đồng. Trong khi đó, ở nhiều xã trên địa bàn thành phố, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mỗi thôn bảo đảm tiêu chí có nhà văn hóa, khi sáp nhập các thôn, sẽ có tình trạng thừa nhà văn hóa.

 


Nhà văn hóa thôn là nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng.

Trong ảnh: Câu lạc bộ dưỡng sinh người cao tuổi sinh hoạt tại Nhà văn hóa thôn 5, xã Hợp Thành (huyện Thủy Nguyên).

 

 

Các phường băn khoăn đã thiếu lại thêm chật


Bí thư Đảng ủy phường Hùng Vương Lê Văn Mịch cho biết, trước năm 1994, phường là xã Hùng Vương, thuộc huyện An Hải cũ, có 8 thôn. Sau khi chuyển về quận Hồng Bàng và thực hiện Quyết định 1772 của UBND thành phố, 8 thôn chuyển thành 8 khu dân cư, sau đó chia tách thành 22 tổ dân phố. Tuy nhiên, hiện tại trên địa bàn phường chỉ có 6 nhà văn hóa. Nếu sáp nhập 22 tổ dân phố thành 7 tổ dân phố như dự kiến, phường lo không có địa điểm phù hợp để tổ chức các hoạt động cộng đồng. Đơn cử khi sáp nhập, có tổ dân phố có tới 100 đảng viên, chỉ tính việc sinh hoạt chi bộ, nhà văn hóa hiện nay với diện tích khoảng 100m2 còn khó đáp ứng. Nếu tổ chức các hoạt động quy mô như Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, các liên hoan ca múa nhạc quần chúng hay sinh hoạt cộng đồng, e không đủ chỗ để người dân tham gia. Trong khi phường không thể có quỹ đất để bố trí xây dựng thêm hoặc mở rộng diện tích nhà văn hóa.

 

Quận Hồng Bàng hiện có 11 phường, 206 tổ dân phố. Trong đó, có 49 tổ dân phố có quy mô dưới 100 hộ dân, 154 tổ dân phố có quy mô từ 100 đến 200 hộ dân, 3 tổ dân phố có quy mô từ 200 đến 300 hộ dân. Theo quy định mới của Bộ Nội vụ, 100% số tổ dân phố thuộc quận chưa bảo đảm điều kiện về quy mô số hộ gia đình (tổ dân phố từ 500 hộ gia đình trở lên). Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, quận xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập 206 tổ dân phố trên địa bàn để thành lập 56 tổ dân phố mới. Trong đó, 1 tổ dân phố có quy mô từ 200 đến 300 hộ, 8 tổ dân phố có quy mô từ 300 đến 400 hộ, 15 tổ dân phố có quy mô từ 400-500 hộ, 32 tổ dân phố có quy mô từ 500 hộ trở lên. Phần lớn các tổ dân phố trên địa bàn quận Hồng Bàng đều thiếu nhà văn hóa-điểm sinh hoạt cộng đồng dân cư, hoặc có nhà văn hóa nhưng chật chội. Bí thư Quận ủy Đoàn Văn Chương băn khoăn: “Việc sáp nhập tổ dân phố dẫn đến quy mô dân số đông, sẽ rất khó trong công tác quản lý và thiếu các thiết chế văn hóa cộng đồng”. Vì thế, quận Hồng Bàng đề xuất việc sắp xếp, bố trí quy mô tổ dân phố có từ 250 hộ gia đình trở lên theo quy định cũ tại Thông tư 04, ngày 31-8-2012 của Bộ Nội vụ là phù hợp. Hoặc nếu thực hiện quy định mới, thành phố quan tâm, hướng dẫn cách giải quyết vướng mắc cụ thể.

 

Nhiều xã lo vừa thừa vừa thiếu


Trong khi ở các phường lo thiếu nhà văn hóa nếu sáp nhập các tổ dân phố, thì ở nhiều xã trên địa bàn thành phố lại lo thừa nhà văn hóa thôn.

 

Theo Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Kiến Thụy Phạm Văn Thép, trên địa bàn huyện hiện có 113 thôn, dự kiến sáp nhập còn 80 thôn. Từ năm 2011 đến nay, huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong số 19 tiêu chí, có tiêu chí về nhà văn hóa. Để đạt tiêu chí này, nhiều thôn huy động sức dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa mới. Vì thế, nếu thực hiện chủ trương sáp nhập các thôn, sẽ dư thừa nhà văn hóa. Bên cạnh các nhà văn hóa thôn mới được xây dựng bảo đảm diện tích, tại huyện Kiến Thụy cũng như nhiều huyện ngoại thành khác có tình trạng: không ít nhà văn hóa cũ xây dựng cách đây hàng chục năm, hiện tương đối đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhưng nếu thực hiện đề án sáp nhập thôn, dân số tăng, dẫn đến nguy cơ chật chội. Lại có tình trạng thôn đặc biệt (cách xa trung tâm xã hoặc biệt lập), chỉ có 50 đến 60 hộ dân cũng có nhà văn hóa, một năm họp vài ba lần rồi đóng cửa để đấy, gây ra tình trạng lãng phí.

 

Như xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy) hiện có 7 nhà văn hóa, ở 10 thôn. Huyện yêu cầu xã chỉ đạo các thôn chưa có nhà văn hóa dừng việc xây dựng lại. “Thực hiện đề án sáp nhập thôn, xã dự kiến sáp nhập 10 thôn thành 6 thôn, trong đó 4 thôn có nhà văn hóa, 1 thôn không có nhà văn hóa, 1 thôn có tới  2 nhà văn hóa”, Bí thư Đảng ủy xã Đoàn Xá Ngô Đăng Đán cho biết.

 

Tương tự, tại xã Hòa Bình (huyện Vĩnh Bảo), hiện xã có 13 thôn, có 13 nhà văn hóa. Trong đó, 7 thôn có nhà văn hóa diện tích đủ dùng, 4 thôn có nhà văn hóa xây mới khang trang, rộng rãi; còn 2 thôn sử dụng nhà văn hóa được cải tạo lại từ nhà trẻ. Thực hiện đề án sáp nhập thôn, xã Hòa Bình dự kiến sáp nhập 13 thôn thành 7 thôn, trong đó có 1 thôn đặc thù.

 

Để tránh tình trạng thừa nhà văn hóa thôn hoặc có nhà văn hóa nhưng không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân khi triển khai đề án sáp nhập thôn, theo Bí thư Đảng ủy xã Đoàn Xá Ngô Đăng Đán, xã dự kiến để thôn chưa có nhà văn hóa và thôn có 2 nhà văn hóa tổ chức các hoạt động cộng đồng chung. “Mỗi thôn có đặc thù hoạt động riêng, hơn nữa nếu sử dụng chung trong nhà văn hóa, dân số đông mà diện tích chật, chắc chắn khó khăn, bất tiện nhưng trước mắt chúng tôi chưa có phương án giải quyết thỏa đáng”, ông Đán cho biết. Còn theo Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình Hoàng Hữu Thủ, mặc dù chưa có chỉ đạo của huyện, nhưng với 6 nhà văn hóa dôi dư, có diện tích không bảo đảm, xã dự kiến cải tạo thành điểm sinh hoạt cộng đồng dân cư, khắc phục tình trạng lãng phí cơ sở vật chất.

 

Đông Hải – Báo Hải Phòng 08/09/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thực hiện Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố: Băn khoăn thừa, thiếu nhà văn hóa
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác