Print Thứ Tư, 05/02/2020 12:04 Gốc

Năm học 2020-2021, Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới được triển khai thí điểm với khối lớp 1, đến năm học 2024-2025 phổ biến ở cấp tiểu học trên toàn thành phố. Để đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày của CTGDPT, các cấp, ngành đang tích cực, chủ động cải tạo cơ sở vật chất, củng cố đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu mới…

Tích cực bổ sung phòng học

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2019-2020, trên địa bàn thành phố có 219 trường tiểu học, gồm 216 trường công lập, 3 trường tư thục; 16 trường phổ thông có lớp tiểu học và 2 trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật. Số phòng dành cho hoạt động dạy học học kỳ 1 năm 2019-2020 là 4.894 phòng, tăng 709 phòng so với năm học trước. Dù vậy, tỷ lệ phòng học/lớp hiện đang đáp ứng được 0,97 phòng/lớp đối với toàn thành phố. Một số quận, huyện vẫn thiếu phòng học, như: quận Hải An (tỷ lệ 0,84 phòng học/lớp); quận Lê Chân (tỷ lệ 0,84 phòng học/lớp)… Để đáp ứng yêu cầu học 2 buổi/ngày, bảo đảm tỷ lệ 1 phòng/lớp, năm học 2020-2021, ngành Giáo dục thành phố cần bổ sung 389 phòng học. Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Kiến An, bà Bùi Thị Tuyết Mai chia sẻ: “Để thực hiện CTGDPT mới, quận Kiến An gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất vì phần lớn trường tiểu học trên địa bàn quận chật hẹp. Với tinh thần chủ động đáp ứng yêu cầu mới, được sự quan tâm đầu tư của UBND quận, 4 trường có diện tích nhỏ được di dời tới địa điểm mới, với các hạng mục công trình lớp học và khu phụ trợ đồng bộ; 7 trường được mở rộng diện tích tại chỗ, đáp ứng quy định của trường chuẩn cấp quốc gia”.

Các trường học xây dựng công trình bổ trợ, tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng tại Phòng đọc sách.

Tại quận Lê Chân, nơi mật độ dân số cao gấp 14 lần mật độ dân số trung bình toàn thành phố, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận tham mưu UBND quận đầu tư kinh phí chồng tầng, xây thêm các dãy phòng học mới. Theo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân, bà Trần Thị Lệ Thủy, năm học 2019-2020, trên địa bàn quận đầu tư cải tạo trường học, xây mới thêm 33 phòng học. Để đáp ứng đủ số phòng học 2 buổi/ngày với cấp tiểu học, năm 2020, UBND quận Lê Chân tiếp tục đầu tư kinh phí cải tạo, xây dựng 16 công trình trường học, với dự kiến hơn 100 phòng học. Tương tự, tại huyện Vĩnh Bảo, năm học 2019- 2020, UBND huyện cấp 4,5 tỷ đồng nhằm xây dựng bổ sung phòng học, trang thiết bị phục vụ việc thực hiện dạy và học 2 buổi/ngày tại các trường tiểu học, từng bước hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học phù hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và quy mô giáo dục tại địa phương.

Bồi dưỡng năng lực giáo viên

Khi những vướng mắc về cơ sở vật chất từng bước được tháo gỡ, nhiều trường tiểu học loay hoay, trăn trở phân công giảng dạy do đội ngũ giáo viên, nhân viên trong nhà trường còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu mới. Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học Trần Thị Thu Hằng, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: So với chương trình hiện hành, chương trình GDPT mới có ít môn học hơn. Tuy nhiên, số tiết học trong năm học đều tăng lên do học 2 buổi/ngày và có thêm các môn học mới bắt buộc là Ngoại ngữ 1, Tin học và Công nghệ. Trên địa bàn thành phố có hơn 7.000 giáo viên và cán bộ quản lý thuộc biên chế. Căn cứ kết quả rà soát vào tháng 12-2019, ngành còn thiếu 1.049 giáo viên để thực hiện đúng yêu cầu của CTGDPT 2018 ở khối 1, trong năm học 2020-2021.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngọc Sơn (quận Kiến An) Trần Thị Phi Nga bày tỏ: “Nhà trường hiện có gần 50 giáo viên và cán bộ quản lý. Trong đó, không có chỉ tiêu biên chế với giáo viên giáo dục thể chất, tin học. Nhà trường không được phép ký hợp đồng lao động với giáo viên, không được hỗ trợ trả lương nên các giáo viên văn hóa phải kiêm nhiệm dạy năng khiếu, do đó khó đáp ứng yêu cầu chuyên môn của CTGDPT. Trước mắt, nhà trường ưu tiên sắp xếp, phân bổ giáo viên đủ số lượng 1,5 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, về lâu dài, để bảo đảm đủ cơ cấu, số lượng giáo viên phục vụ việc dạy- học theo yêu cầu chương trình đề ra, chúng tôi đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo và Sở Nội vụ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà trường ký hợp đồng lao động với giáo viên để bổ sung lực lượng giáo viên ngoài cơ hữu”.

Còn Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cát Hải Tô Thị Khâm nêu ý kiến: “Bên cạnh việc tăng chỉ tiêu biên chế giáo viên, UBND thành phố có kế hoạch bố trí ngân sách thường niên cho các Phòng Giáo dục và Đào tạo nhằm chi trả lương giáo viên hợp đồng. Ngoài ra, sau khi chọn bộ sách giáo khoa chuẩn, Sở Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng khung kế hoạch giáo dục mẫu với các phương pháp dạy học và cách thức kiểm tra, đánh giá rõ ràng, bảo đảm sự hài hòa giữa các khối lớp thực hiện chương trình hiện hành và khối lớp”./.

Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam yêu cầu ngành Giáo dục – Đào tạo thành phố tuyên truyền, phổ biến rộng rãi việc triển khai, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tới giáo viên, cha mẹ học sinh nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Sở Giáo dục và Đào tạo lập phương án lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp, báo cáo UBND thành phố để triển khai đồng bộ trên toàn thành phố; bồi dưỡng kịp thời các kỹ năng cần thiết để đội ngũ giáo viên có thể thực hành nhuần nhuyễn, áp dụng hiệu quả cao ngay từ đầu năm học 2020-2021.

Tuyết Mai – Ảnh: Đỗ Hiền/Theo Báo Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới thí điểm ở khối 1: Chủ động các điều kiện đáp ứng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác