Nhận lời mời của Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ thăm chính thức Vương quốc Na Uy từ ngày 24 đến 26/5.
Kể từ khi Việt Nam và Na Uy thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 11/1971, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố, phát triển.
Trước đây, cũng như các nước Bắc Âu khác, Na Uy có phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam rất mạnh mẽ.
Hiện nay, Na Uy tích cực hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc đổi mới, xóa đói giảm nghèo và hội nhập quốc tế. Hai nước hợp tác rất hiệu quả trên các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và Ngân hàng Thế giới.
Hai bên đã tích cực trao đổi đoàn các cấp và lãnh đạo cấp cao hai nước có nhiều cuộc tiếp xúc bên lề các hội nghị, hội thảo quốc tế.
Chuyến thăm chính thức Vương quốc Na Uy của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lần này nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Na Uy và mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Hợp tác thương mại-đầu tư phát triển tích cực
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Na Uy năm 2018 đạt 363 triệu USD so với mức 354 triệu USD năm 2017.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Na Uy gồm hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều. Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là hàng thủy sản, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, phân bón các loại, các sản phẩm hóa chất, sắt thép.
Tháng 3/1994, Na Uy ký Hiệp định hàng dệt may theo chế độ hạn ngạch và đến năm 1998 hủy bỏ chế độ hạn ngạch cho hàng dệt may của Việt Nam.
Năm 2006, Na Uy thành lập bộ phận thương vụ trực thuộc Đại sứ quán Na Uy (Innovation Norway).
Tháng 11/2006, hai bên đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về hỗ trợ hợp tác thương mại Việt Nam-Na Uy và thành lập Tổ công tác song phương, nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại-đầu tư giữa hai nước.
Na Uy là một trong những nước sớm kết thúc đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với Việt Nam.
Tháng 3/2012, Việt Nam và khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) gồm Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland và Liechtenstein, khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA).
Trước đó, khối EFTA đã công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Hai bên đã tiến hành được 16 phiên đàm phán.
Hiện Na Uy có 41 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 166 triệu USD, xếp thứ 41/130 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Khoảng 40 doanh nghiệp Na Uy đang hoạt động tại Việt Nam, tập trung chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hà Nội, Khánh Hòa, Bình Dương, Hải Phòng.
Các dự án của Na Uy chủ yếu tập trung trong lĩnh vực chế biến gỗ, vật liệu xây dựng và trang trí nội thất; nông lâm nghiệp, thủy sản, thông tin và truyền thông.
Vốn đầu tư của Na Uy chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có dự án đầu tư trực tiếp sang Na Uy.
Hợp tác phát triển hiệu quả
Quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam-Na Uy được nối lại kể từ khi hai bên ký Hiệp định khung về hợp tác phát triển vào tháng 10/1996. Na Uy hiện là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam trong Chương trình Liên hợp quốc về giảm phát thải khí nhà kính, thông qua việc hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (UN-REDD).
Tháng 12/2012, hai bên ký Tuyên bố chung về “Hợp tác thực hiện sáng kiến REDD+ cho những nước đang phát triển,” và Na Uy đã cam kết tiếp tục tài trợ hơn 30 triệu USD cho Chương trình Liên hợp quốc về giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc hạn chế mất rừng và suy thoái rừng ở Việt Nam giai đoạn II (2013-2015), triển khai thí điểm tại 6 tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Lâm Đồng, Cà Mau.
Bên cạnh đó, các dự án trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, quản lý tài nguyên thiên nhiên, năng lượng tái tạo… do Na Uy tài trợ cũng đang được triển khai hiệu quả.
Tổng viện trợ của Na Uy dành cho Việt Nam đạt hơn 320 triệu USD. Năm 2014, ngoài khoản cam kết cho dự án Chương trình Liên hợp quốc về giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, Na Uy viện trợ khoảng 10 triệu USD cho Việt Nam. Khối lượng viện trợ của Na Uy tuy nhỏ nhưng thủ tục và quy trình viện trợ rất linh hoạt, phù hợp với những quy định của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Na Uy cũng có Chương trình tín dụng ưu đãi cho các dự án cấp nước, xử lý nước thải và chất thải rắn tại các tỉnh ở Việt Nam: giai đoạn 1 từ năm 2011, giai đoạn 2 từ năm 2013, thời gian vay là 12,5 năm gồm 30 tháng ân hạn, lãi suất vay 0%.
Ngân hàng KfW Đức được phía Na Uy và Bộ Tài chính thống nhất lựa chọn cung cấp khoản vay thương mại, Chính phủ Na Uy cam kết hỗ trợ toàn bộ lãi suất và các khoản phí.
Hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Na Uy ngày càng được tăng cường. Từ 2007, Na Uy bắt đầu viện trợ cho lĩnh vực văn hóa tại Việt Nam thông qua Dự án Transposition kết nối 12 tổ chức nghệ thuật (nhà hát, nhạc viện…), tổ chức các chương trình hòa nhạc chung, các lớp tập huấn, các chuyến tu nghiệp ngắn ngày cho học sinh, sinh viên và các nghệ sỹ, hỗ trợ công tác giảng dạy âm nhạc, giúp phát triển thư viện và lưu trữ tư liệu, cũng như hỗ trợ bảo dưỡng nhạc cụ.
Dự án Transposition giai đoạn 2 (2012-2015) tập trung hợp tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản lý nghệ thuật cho Việt Nam thông qua việc tổ chức các Hội thảo.
Nhân dịp 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (25/11/1971-25/11/2011), hai bên đã phối hợp tổ chức “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Na Uy” với tâm điểm là chương trình “Hồn Sen Việt” với các tiết mục ca múa nhạc dân tộc đặc sắc.
Na Uy cung cấp học bổng cho lưu học sinh Việt Nam theo chương trình học bổng sinh viên quốc tế, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ giảng viên và cán bộ nghiên cứu thuộc các trường Đại học, Viện nghiên cứu của Việt Nam (Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Nông nghiệp I, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội).
Hằng năm, Na Uy có chương trình học bổng của Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (NORAD) dành cho đào tạo cử nhân và thạc sỹ trong các trường Đại học tại Na Uy hoặc ở một số nước khác, trong đó có Việt Nam (Chương trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tháng 7/2007 và bắt đầu tuyển sinh sau đại học từ năm học 2007-2008 tại trường Đại học Nha Trang).
Na Uy cũng tích cực giúp đỡ Việt Nam đào tạo cán bộ trong các lĩnh vực Na Uy có thế mạnh như nhân quyền và gìn giữ hòa bình.
Ngày 7/9/2010, Na Uy khai trương chương trình thạc sỹ đầu tiên về nhân quyền hợp tác giữa khoa luật, Đại học Oslo và khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Từ 2007-2008, Na Uy giúp đào tạo một số cán bộ công an nâng cao năng lực về nhân quyền và đào tạo sỹ quan cảnh sát Liên hợp quốc làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại các quốc gia, khu vực hay xảy ra xung đột.
Na Uy cũng tích cực hỗ trợ Việt Nam xây trường nội trú cho trẻ em thiểu số ở Điện Biên, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam; đồng tài trợ dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em khó khăn; giúp soạn Từ điển dân tộc học; giúp Bảo tàng dân tộc học di chuyển một ngôi nhà Chăm truyền thống từ Ninh Thuận và dựng lại khuôn viên Bảo tàng dân tộc học.
Những năm qua, các hiệp định đã ký giữa hai nước gồm: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và trốn lậu thuế; Hiệp định về các điều khoản và thủ tục chung cho hợp tác phát triển; Hiệp định hợp tác kinh tế mại và thương; Hiệp định vận chuyển hàng không; Hiệp định về nhận trở lại công dân; Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác con nuôi…/.
Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị…
Sáng 10/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), hướng…
Cơ quan khí tượng dự báo không khí lạnh mạnh sắp tăng cường sẽ gây…
Các trường THCS vẫn có thể đánh giá trực tiếp học sinh khi xét tuyển…
Sáng 10/1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường tiếp Đoàn đại biểu…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More