Print Thứ tư, 27/11/2024 18:30 Gốc

Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 định hướng rõ nhiệm vụ “…đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà thành phố Hải Phòng có lợi thế, như kinh tế biển, hàng hải, vận tải biển, dịch vụ logistics, đóng tàu, cơ khí, chế biến, chế tạo, đầu tư, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản…” để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố.

Cụ thể hơn, tại Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ lao động của Hải Phòng qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 48-52%… Bám sát định hướng này, Thành uỷ có nhiều chủ trương, HĐND, UBND thành phố ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp, thu hút người tham gia học nghề, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố Cảng.

Thời gian gần đây, thành phố dành nhiều cơ chế chính sách ưu tiên, quan tâm bố trí nguồn lực, kinh phí… để động viên, hỗ trợ người lao động tham gia các lớp đào tạo kỹ năng nghề, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, góp phần nâng cao năng suất lao động. Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam, UBND thành phố ban hành nhiều kế hoạch như: Kế hoạch số 217 nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới; Kế hoạch số 233 về thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch số 40 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố Hải Phòng; Kế hoạch số 143 về hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đào tạo chính sách khác trên địa bàn thành phố năm 2024…

Là cơ quan quản lý nhà nước về GDNN, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Huyền cho biết: Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở tăng cường tham mưu đẩy nhanh tiến độ sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp cấp huyện thành trung tâm GDNN -Giáo dục thường xuyên cấp huyện; đồng thời rà soát, đánh giá sắp xếp các cơ sở GDNN trên địa bàn Hải Phòng, cũng như tham gia xây dựng Đề án sắp xếp các cơ sở GDNN của Trung ương…, từ đó tạo nhiều chuyển biến mạnh mẽ, đồng đều, tạo đà trong đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN thành phố.

Sinh viên Khoa Công nghệ ô tô, Trường cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương 2 trong giờ thực hành.

Công tác tuyên truyền về các chương trình đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực có tay nghề trong các lĩnh vực về công nghiệp, du lịch, cảng biển, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, các nghề tiểu thủ công nghiệp, chuyển giao kỹ thuật-công nghệ… được các Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ để triển khai chiêu sinh, mở lớp đào tạo. Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao độngThương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Ngân thông tin, các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố tổ chức đa dạng các hoạt động như tọa đàm gắn kết với doanh nghiệp, nâng cao vai trò tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng khung chương trình, nội dung đào tạo… Các đơn vị xây dựng chuyên mục tuyên truyền, giải đáp nhanh, tư vấn học nghề, việc làm, định hướng nghề nghiệp trên fanpage, website của nhà trường đối với hơn 50.000 lượt học sinh, sinh viên, người lao động/năm. Nhờ vậy, những năm gần đây, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn thành phố tăng đều từ 0,5- 1%/năm. Tính đến tháng 11- 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn thành phố đạt khoảng 87%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt gần 40%.

Chú trọng lĩnh vực có lợi thế, triển vọng phát triển lớn 

Theo dự báo từ Dự án “Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn thành phố có nhu cầu sử dụng hơn 1,2 triệu lao động đã qua đào tạo vào năm 2030. Trong đó, cần khoảng 670 nghìn người được đào tạo ở trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng; gần 408 nghìn người được đào tạo mức trình độ trung cấp… Đến năm 2030, nhu cầu sử dụng lao động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật khoảng 26 nghìn người; thợ lắp ráp, vận hành thiết bị đã qua đào tạo gần 16 nghìn người; kỹ thuật viên về y tế, chăm sóc sức khoẻ khoảng 51 nghìn người… Nhằm tạo “cú hích”, khích lệ người dân tham gia học nghề một số lĩnh vực có lợi thế, nhiều triển vọng phát triển của thành phố như: logistics, điện tử công nghiệp, công nghệ thông tin, kinh tế biển…, HĐND thành phố vừa ban hành Nghị quyết 03 quy định chính sách về hỗ trợ đào tạo một số nghề trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2024-2030, góp phần đem lại hiệu ứng tích cực trong công tác tuyển sinh của các cơ sở GDNN. TS Lưu Việt Hùng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Hàng hải 1 thông tin, khi Nghị quyết 03 của HĐND thành phố có hiệu lực thi hành, công tác tuyển sinh của nhà trường có nhiều khởi sắc. Kỳ tuyển sinh năm nay, nhà trường tuyển được hơn 1 nghìn sinh viên hệ chính quy (vượt gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái); gần 500 học sinh hệ 9+; nhất là số người đăng ký theo học một số ngành như: logistics, điều khiển máy tàu biển… tăng đáng kể. Không ít người lao động đang làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được tạo điều kiện thuận lợi khi đăng ký tham gia học nghề, đào tạo lại tại trường.

Trường cao đẳng Du lịch Hải Phòng mở thêm mới 3 chuyên ngành mới: logistics, kinh doanh thương mại và truyền thông đa phương tiện, là những ngành được dự báo nhiều triển vọng phát triển, “hút” nhân lực thời gian tới. Cùng với đó, Trường cao đẳng kỹ thuật giai đoạn 1 tại xã Mỹ Đức (huyện An Lão) được thành phố đầu tư kinh phí xây dựng gần 400 tỷ đồng, trên diện tích 7,4 ha, với các hạng mục công trình đồng bộ, đáp ứng tiêu chuẩn của trường cao đẳng nghề chất lượng cao, với quy mô đào tạo , đào tạo lại khoảng 2 nghìn học viên ngành kỹ thuật/năm.

Đồng thời, công tác hỗ trợ đào tạo nghề đối với các trường hợp lao động phổ thông bị nhỡ, mất việc làm, lao động nông thôn chưa qua đào tạo, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp… được các đơn vị, địa phương nỗ lực triển khai. Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Phòng (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) tư vấn về học nghề, nâng cao trình độ, chuyển đổi việc làm đối với hơn 2 nghìn lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn thành phố trong 10 tháng qua.

Trong kết quả chấm điểm về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của Hải Phòng, chỉ số thành phần đào tạo lao động của Hải Phòng đạt 7,39 điểm, tăng mạnh so với năm trước (tăng 0,82 điểm). Để hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ trên địa bàn thành phố đạt khoảng 48-52%, theo đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành uỷ, thành phố tiếp tục rà soát, đánh giá các cơ chế chính sách đặc thù được Quốc hội ban hành tại Nghị quyết số 35 để hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh phù hợp trên cơ sở bám sát các chủ trương, định hướng của Nghị quyết số 45 và kết quả tổ chức triển khai các nội dung. Từ đó, thành phố tiếp tục đề xuất Trung ương nghiên cứu ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù mới, có tính đột phá cho thành phố Hải Phòng, bảo đảm tính thống nhất, tương quan, tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước về phát triển khoa học-công nghệ, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Hải Phòng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước như Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đề ra.

Bài và ảnh: HUY ĐẠI

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thúc đẩy hoạt động đào tạo lao động: Nâng cao chất lượng nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác