Tại Hải Phòng, tỷ lệ giải ngân tuy có cao hơn, đạt 198 tỷ đồng, bằng 41,7% kế hoạch nhưng vẫn có không ít khó khăn, vướng mắc. Bởi vậy, thúc đẩy tiến độ giải ngân trong những tháng cuối năm đang được Bộ Tài chính, thành phố quan tâm.
Trước tình trạng giải ngân ì ạch, từ đầu năm tới nay, Bộ Tài chính chỉ đạo rất quyết liệt, nhiều lần tổ chức các cuộc làm việc, hội nghị để thúc tiến độ như làm việc với các nhà tài trợ nước ngoài; tháng 6 và tháng 8 tổ chức hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương; nhiều lần làm việc với các địa phương; thường xuyên báo cáo, kiến nghị Chính phủ giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Tuy vậy, 8 tháng mới giải ngân được hơn 10% là quá chậm.
Tại Hải Phòng, theo Sở Tài chính, số vốn còn lại chưa giải ngân 4 tháng cuối năm là 265 tỷ đồng, tương ứng với 58,3% kế hoạch vốn được giao. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn vì 8 tháng mới giải ngân được 198 tỷ đồng.
Sở dĩ giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài chậm như vậy là do có nhiều vướng mắc liên quan tới bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn. Cụ thể, kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí thiếu so với nhu cầu; dự toán phân bổ chậm; các Bộ, ngành, địa phương thông báo kế hoạch vốn cũng chậm (đến cuối tháng 6 mới giao kế hoạch được khoảng 55% kế hoạch vốn năm 2019) nên nhiều Bộ, ngành, địa phương không có vốn để giải ngân trong khi nhu cầu thực hiện các dự án rất cấp bách. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu làm chậm tiến độ giải ngân của Hải Phòng.
Sở Tài chính Hải Phòng cho biết, tới tháng 6- 2019, Bộ Kế hoạch Đầu tư mới giao chi tiết kế hoạch vốn năm 2019 đợt 2 cho địa phương. Mặt khác, nhu cầu vốn ODA cho phần khối lượng còn lại của các dự án có thời hạn kết thúc hiệp định vay trong năm 2020 còn rất lớn, nhưng cũng chưa được bố trí kịp thời, bị khống chế bởi mức bội chi ngân sách và chưa được bố trí đủ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020 (dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn Hải Phòng; dự án phát triển hệ thống giao thông đô thị thành phố Hải Phòng). Ngoài ra, do tình hình thực tế nên có nhiều dự án phải điều chỉnh vốn, nhưng các bước thủ tục rất nhiều và việc phê duyệt cũng chậm. Thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn… khá nhiều và kéo dài cũng tác động tới tiến độ. Nhiều đơn vị có tỷ lệ giải ngân rất thấp như Bộ Giáo dục- Đào tạo mới đạt 5,8%; Bộ Y tế 4,8%; Quảng Ninh 0,5%; Hưng Yên 8,3%; Quảng Nam 2,3%…
Sau nhiều lần đề nghị bố trí bổ sung nguồn vốn cho các dự án phải gia hạn nhiều lần, mới đây Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bố trí 1550 tỷ đồng cho các dự án ODA tại Hải Phòng, tạo điều kiện để thành phố hoàn thành các dự án, nhất là dự án phát triển hệ thống giao thông đô thị thành phố Hải Phòng đã phải gia hạn rất nhiều lần và buộc phải kết thúc trong tháng 2- 2020. Thế nhưng đến nay, số vốn này vẫn chưa về tới thành phố; các dự án tiếp tục phải chờ đợi.
Theo Bộ Tài chính, tổng số vốn giải ngân 3 năm 2016- 2018 mới đạt 137.176 tỷ đồng, nếu năm 2019 số giải ngân thực tế đạt tối đa bằng kế hoạch vốn giao 60.000 tỷ đồng thì số vốn kế hoạch còn lại cho năm 2020 là 162.824 tỷ đồng. Với tiến độ giải ngân như 3 năm qua thì việc sử dụng hết kế hoạch vốn còn lại trong năm 2020 là không khả thi. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ thực hiện các dự án ODA của cả nước và Hải Phòng. Việc dồn khối lượng thực hiện và tiến độ giải ngân trong một thời gian ngắn dễ gây ra những sai sót, ảnh hưởng tới chất lượng sử dụng nguồn vốn ODA nói chung.
Để tháo gỡ, thúc đẩy nhanh tiến độ, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ một số giải pháp như khẩn trương giao đủ kế hoạch 60 nghìn tỷ đồng vốn nước ngoài bổ sung năm 2019 cho các bộ, ngành, địa phương. Đối với các dự án không thể giải ngân hết kế hoạch trong năm 2019, cho phép các bộ, ngành và địa phương được đưa phần vốn chưa sử dụng hết vào kế hoạch năm 2020 nhằm bảo đảm triển khai liên tục để hoàn thành dứt điểm các dự án đang triển khai. Đồng thời, để giúp các dự án có thể nhanh chóng triển khai theo đúng tiến độ trong khi cơ chế điều chỉnh kế hoạch vốn chưa được sửa đổi, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát và báo cáo ngay các cấp có thẩm quyền điều chuyển nguồn vốn giữa các dự án cho phù hợp với nhu cầu giải ngân thực tế.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều địa phương, trong đó có Hải Phòng, Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương cần xem xét lại việc áp dụng cơ chế giải ngân các dự án ODA theo tiến độ thực hiện và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài, không quá phụ thuộc bởi mức bội chi ngân sách như hiện nay. Mặt khác, với mỗi Bộ, ngành, địa phương cũng cần có sự chủ động, tích cực hơn trong ứng trước nguồn vốn ngân sách; kịp thời giải phóng mặt bằng… Đặc biệt, chú trọng nâng cao năng lực chủ đầu tư. Hiện tại, Hải Phòng có 2 dự án vốn ODA chưa thực hiện được kế hoạch vốn vay là dự án cung cấp trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Phụ sản, dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai chủ yếu do năng lực chủ đầu tư cần sớm được xem xét và có hướng xử lý hiệu quả.
Bài: Hồng Thanh; Ảnh: Duy Thính
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More