Trải nghiệm thú vị
Sáng 13/3, hơn 360 học sinh Ban KHTN khối lớp 10, Trường THPT Lê Quý Đôn, Hải An, Hải Phòng thi tài Bắn tên lửa nước tầm xa, đây là phần thi thứ 2. Trước đó, các lớp đã cùng nhau thi phần lý thuyết Trình bày bản thiết kế và Chế tạo tên lửa.
Phần thi thứ hai với những nội dung chính là: Chinh phục tầm xa, chinh phục mục tiêu và tên lửa nước tầm cao bung dù.
Cuộc thi “Tên lửa nước” là một hoạt động khoa học, giáo dục thú vị và hấp dẫn, nơi mà học sinh có thể tạo ra những tên lửa nước độc đáo và đưa ra thử thách về khoảng cách, độ cao và sự chính xác.
Cuộc thi với mục đích nhằm khuyến khích các em tham gia vào lĩnh vực Khoa học-Công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực vũ trụ. Tạo sân chơi giao lưu, trao đổi kiến thức về ứng dụng vật lý, khoa học, sáng tạo và giải trí lành mạnh cho học sinh.
Đồng thời, cuộc thi còn giúp gắn kết học sinh trong nhà trường, là nơi giao lưu, chia sẻ và học hỏi tri thức, khoa học, kinh nghiệm; tạo tiền đề để các em tiếp tục học tập, rèn luyện kĩ năng tư duy, sáng tạo, làm việc nhóm, góp phần “chắp cánh những ước mơ của học sinh”.
Bằng kiến thức lý thuyết môn Vật lý và các môn KHTN, các đội thi sẽ thiết kế, chế tạo và thử nghiệm các mô hình tên lửa nước tự chế của mình để cùng nhau thi phóng thành công chiếc tên lửa nước cao nhất, xa nhất và chính xác nhất.
Cuộc thi là cơ hội để học sinh trổ tài và trải nghiệm những thử thách mới mẻ trong việc chế tạo và thử nghiệm tên lửa nước.
Thầy Trần Mạnh Cường, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ: Chương trình GDPT 2018 đã triển khai với lớp 10 trong năm học 2022-2023. Chương trình có nhiều đổi mới về quan điểm giáo dục để học sinh phát huy phẩm chất, năng lực. Mục tiêu của chương trình là làm sao để học sinh lĩnh hội được kiến thức lý thuyết vận dụng vào đời sống. Thầy cô không phải người dạy, truyền đạt kiến thức một chiều mà đóng vai trò người định hướng, kiểm tra, đánh giá việc vận dụng kiến thức của học sinh.
Từ kiến thức lý thuyết môn Vật lý và liên môn, với những vận dụng đơn sơ học sinh đã biết vận dụng tạo nên nguyên lý vận hành của tên lửa nước. Hoạt động này có ý nghĩa thiết thực, chắp cánh ước mơ cho các em bay cao, bay xa, trong tương lai các em có thể chế tạo ra những tên lửa khám phá vũ trụ. Đó là những trải nghiệm sáng tạo của trong hoạt động STEM và cũng là mục tiêu mà Chương trình GDPT 2018 hướng tới, thầy Cường nhấn mạnh.
Chế tạo tên lửa nước từ chai phế liệu
Tạ Thanh Ngọc Long cùng nhóm học sinh của lớp 10C12, Trường THPT Lê Quý Đôn vừa thực hiện xong phần thi Bắn tên lửa nước tầm xa. Long chưa thực sự hài lòng với phần thi của nhóm mình vì em cho rằng quá trình chế tạo tên lửa các em chưa tính toán chính xác được áp suất trong chai và áp suất khí quyển nên không tạo ra động lực bắn tên lửa bay xa. Qua cuộc thi Long và các bạn rút kinh nghiệm sẽ nâng cấp tên lửa, giảm lực cản không khí và chú trọng hơn tới phần mũi của tên lửa.
Cùng các bạn sưu tầm chai nhựa tái chế thành thân tên lửa và trang trí màu sắc cho sản phẩm, em Lê Thị Giang, học sinh lớp 10C7 cảm thấy thú vị. Giang chia sẻ, cho dù sản phẩm của chúng em còn thô sơ nhưng mang lại những trải nghiệm tuyệt vời. Từ kiến thức lý thuyết bài Bảo toàn động lượng, môn Vật lý lớp 10 chúng em đã biết vận dụng để chế tạo ra tên lửa nước, cùng nhau tính toán sao cho tên lửa bay cao, bay xa.
Em Nguyễn Minh Đức, lớp 10C7 cho rằng sau lần thi thực tế này em và các bạn có cơ hội cọ xát và trải nghiệm. Dù sản phẩm của đội chưa thực sự tốt nhưng qua đó các bạn sẽ biết thiết kế sản phẩm và tính toán góc bắn cho phù hợp hơn.
Theo Đức để làm được sản phẩm tên lửa nước đội của em mất khoảng nửa ngày thiết kế, cắt dán. Qua cuộc thi em và các bạn thêm đoàn kết, gắn bó và mong muốn có thật nhiều những trải nghiệm bộ môn như này.
Thầy Nguyễn Thế Hưng, giáo viên môn Vật lý chia sẻ: Ngoài kiến thức môn Vật lý, các em học sinh khối 10, Ban KHTN của nhà trường đã biết vận dụng kiến thức liên môn KHTN vào thực hành sản phẩm. Các em phải tính toán, đo vẽ, kĩ thuật và trang trí sản phẩm cho phù hợp.
Thầy Hưng cho rằng, quá trình làm ra sản phẩm nhiều nhóm chưa chú ý tới phần nước, khí và áp suất. Bởi khi lượng nước ở trong tên lửa có đủ khi bơm khí vào tên lửa mới chuyển động xa được. Tuy nhiên, đây là những trải nghiệm thực tế môn học mà học sinh rất hứng thú. Các em được học tập, giao nhiệm vụ, tìm tòi và sáng tạo phát huy phẩm chất, năng lực của mình. Đó là mục tiêu môn học theo chương trình GDPT 2018 hướng đến.
Thảo Nguyên
Ngày 14/11, Đoàn thẩm định số 40, 53 thuộc Ban tổ chức Giải Sao vàng…
Công an quận Ngô Quyền (Hải Phòng) vừa bắt giữ 12 đối tượng có liên…
Chiều 14/11, đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng…
UBND quận Ngô Quyền vừa ban hành Thông báo (lần 5) yêu cầu Công ty…
Chiều 14/11, Trường THPT Ngô Quyền, quận Lê Chân, TP Hải Phòng tổ chức Chuyên…
Ngày 14/11, tại Bệnh viện Đa khoa quận Ngô Quyền, Hội đồng Nghĩa vụ Quân…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More