Print Thứ ba, 06/04/2021 10:45 Gốc

Sau khi được Quốc hội bầu, Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính trở thành vị Thủ tướng thứ 9 trong lịch sử của Chính phủ. So với những Thủ tướng tiền nhiệm, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính có một điểm rất khác biệt.

Trường hợp đầu tiên là Thủ tướng khi chưa từng là thành viên Chính phủ

Trong lịch sử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngoại trừ trường hợp Bác Hồ (Người từng giữ chức Thủ tướng Chính phủ), những trường hợp còn lại trước khi trở thành Thủ tướng đều kinh qua chức vụ Phó Thủ tướng.

Đó là trường hợp của ông Phạm Văn Đồng (ông làm Thủ tướng từ năm 1955 đến 1987); Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) Phạm Hùng (ông giữ chức vụ này từ năm 1987 đến 1988); Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười (giữ chức vụ này từ 1988 đến 1991); Thủ tướng Võ Văn Kiệt (giữ chức từ 1991 đến 1997); Thủ tướng Phan Văn Khải (giữ chức từ 1997 đến 2006); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữ chức từ 2006 đến 2016); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữ chức từ 2016 đến 2021).

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc (ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội).

Ông Phạm Minh Chính là trường hợp đầu tiên chưa từng là thành viên Chính phủ trở thành người đứng đầu Chính phủ.

Với sự khác biệt so với các vị Thủ tướng tiền nhiệm, ông Phạm Minh Chính liệu có được những thuận lợi khi bắt đầu triển khai công tác?

Nhìn nhận vấn đề này, khi trao đổi với PV Dân Việt, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng) cho rằng: Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng làm việc trong bộ máy quản lý của Nhà nước, công tác ở Bộ Công an rồi làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, một địa phương năng động.

Trong thời gian 5 năm ở Quốc hội, ông là một ĐBQH tích cực trong các phiên họp. Tân Thủ tướng còn có quá trình phụ trách công tác nhân sự của Đảng, công tác này liên quan đến con người, yếu tố rất quan trọng. Những lợi thế từng trải đó chính là động lực hay nói cách khác là cơ sở quan trọng để ông phát huy khi ở trên cương vị mới. Có thể khai thác được tiềm năng, thế mạnh trí tuệ con người Việt Nam để đóng góp vào sự phát triển kinh tế“, ĐBQH Trần Hoàng Ngân nói.

Vẫn theo ĐB Ngân, trong thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính đã có những đột phá, giúp tỉnh có những bước phát triển rất năng động, tạo điều kiện cho nhiều địa phương khác đến học tập, nhất là về công tác tổ chức quản lý nhân sự, mô hình quản lý nhà nước.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân nói thêm: “Tân Thủ tướng từng công tác trong ngành Công an nên tôi nghĩ ông có thêm một điểm mạnh nữa đó là sự quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ. Điều mà người dân rất lo lắng là các vấn đề liên quan đến chữ “an”, như an toàn xã hội, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm…Tôi rất mong Thủ tướng quan tâm để đem lại chữ “an” cho nhân dân. Tôi cũng tin tưởng ông sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp, phát huy những thành tựu của 35 năm đổi mới của nước ta để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và vững mạnh“.

“Tôi đón nhận nhân sự mới như một ẩn số”

Cũng nhìn nhận về vấn đề này, ĐBQH Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: Thông thường chúng ta tiến hành công tác cán bộ tuần tự từng bước một, chẳng hạn từ Phó Thủ tướng rồi lên Thủ tướng. Nhưng nay chúng ta đã có những điều khác, chẳng hạn nhân sự từ chức Thủ tướng được bầu làm Chủ tịch nước cũng là điều khác so với trước đây.

Vẫn theo ĐB Kim, không phải việc gì theo tuần tự rồi trở thành tiền lệ và cứ mãi như thế, có những điều do sự phát triển nên phải có sự thay đổi. Đặc biệt với công tác nhân sự, đối với người đã được hun đúc, phẩm chất lãnh đạo, quản lý đã thể hiện thì cần phải sớm đưa vào đúng vị trí để họ phát huy hơn nữa.

Với công tác cán bộ, việc thực hiện tuần tự cũng cần thiết nhưng không phải tuần tự như chúng ta hiểu là phải từ cấp này mới lên tới cấp kia. Vấn đề ở chỗ cán bộ đó đã đủ độ chín để bầu hoặc bổ nhiệm trọng trách mới và họ có đủ tố chất để lãnh đạo, quản lý, điều hành, đó mới là vấn đề quan trọng. Đây là cách làm để có thể làm bật lên những tư duy mới, cách nghĩ, cách làm sáng tạo.

Còn ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai), khi nói về việc Quốc hội bầu ông Phạm Minh Chính giữ chức Thủ tướng, đã cho biết: Theo dõi công tác nhân sự kể cả dưới góc độ ĐBQH hay người làm công tác lịch sử ông luôn luôn muốn tìm nhân tố mới.

Sự kế thừa là rất cần thiết nhưng nhân tố mới cũng là điều quan trọng, bởi cuộc sống phát triển có rất nhiều điều mới nảy sinh, đó vừa là thử thách, vừa là cơ hội. Chính vì thế tôi đón nhận nhân sự mới như là một ẩn số“, ĐB Dương Trung Quốc nói.

Lương Kết

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thủ tướng Phạm Minh Chính và điều khác biệt lớn nhất so với những Thủ tướng tiền nhiệm
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác