Ngày 29/5, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 641/QĐ-TTg về việc chuyển đổi Trường Đại học dân lập Hải Phòng sang loại hình trường đại học tư thục.
Theo đó, chuyển đổi Trường Đại học dân lập Hải Phòng sang loại hình trường đại học tư thục và đổi tên thành Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng. Quá trình chuyển đổi thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của nhà trường, không gây khó khăn cho người học, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động của nhà trường, các cá nhân và tổ chức có liên quan.
Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng có trụ sở chính tại thành phố Hải Phòng, là cơ sở giáo dục đại học tư thục, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng; chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chịu sự quản lý về lãnh thổ của UBND thành phố Hải Phòng.
Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng hoạt động theo quy định của Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 14/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, Nghị định số 135/2018/NĐ-CP ngày 4/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ và Luật giáo dục đại học.
Thành lập ngày 24/9/1997, đến nay nhà trường đã có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại trên diện tích 15 ha, có đội ngũ hơn 200 giảng viên và cán bộ nhân viên cơ hữu, 100% giảng viên là thạc sĩ, Tiến sĩ, Phó giáo sư, Giáo sư. Đến nay, trường đã đào tạo hơn 20.000 cử nhân, kỹ sư và thạc sỹ, là một trong 25 trường đại học Việt Nam có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm khá cao, đạt 93,46% theo khảo sát của dự án Mekong, 84,5% theo khảo sát của nhà trường vào cuối năm 2016 với khóa sinh viên tốt nghiệp năm 2015.
Theo nhà trường, Luật Giáo dục đại học 2012 tại Điều 7 Khoản 2 về loại hình cơ sở giáo dục đại học Việt Nam chỉ cho phép tồn tại 2 loại hình là trường công lập và trường tư thục. Thực hiện quy định của pháp luật, các trường đại học dân lập khác đều đã bỏ chữ “dân lập” trong tên trường và chuyển đổi sang tư thục, nhưng với Trường Đại học dân lập Hải Phòng thì việc bỏ chữ “dân lập” sẽ làm trường trùng tên với Trường Đại học Hải Phòng. Việc đổi tên trường nhằm đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và quyền lợi của sinh viên: không ghi loại hình trong tên trường, không phân biệt trường công, trường tư trong văn bằng cấp cho sinh viên.
Nguồn. haiphong.gov.vn