Quá nhiêu khê, phiền hà, phức tạp, chồng chéo, tốn kém thời gian, công sức, tiền của, tạo cơ hội để cơ chế xin- cho, nạn nhũng nhiễu có đất tồn tại… là những vấn đề được đề cập nhiều nhất tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan tới lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản tổ chức ngày 20- 4.
Động đâu vướng đó
Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận: hệ thống cơ chế chính sách pháp luật thời gian qua được sửa đổi, bổ sung, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư xây dựng nhưng, vẫn quá rườm rà, rắc rối với 12 luật, hàng trăm nghị định, thông tư, đến mức “không thể nhớ hết. Nhiều thông tư, nghị định còn to hơn cả luật”. Vì vậy, gỡ rối “mê cung” thủ tục này là vô cùng quan trọng và cấp thiết.
Không chỉ các hiệp hội, các doanh nghiệp, mà lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cũng phản ánh vô vàn các khó khăn, vướng mắc liên quan tới thủ tục đầu tư xây dựng, đến mức kể mãi không hết và cũng khó nhớ nổi. Theo Bộ Xây dựng, vướng mắc xảy ra ở tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng, từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, đến kết thúc dự án đưa vào sử dụng và kể cả những bất cập trong thực hiện các dự án đầu tư thực hiện theo hình thức đối tác- công tư (PPP).
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch-Đầu tư chỉ ra những vướng mắc phát sinh liên quan đến tiêu chí phân loại, thẩm quyền quyết định, các điều chỉnh đối với chương trình, dự án đầu tư công… Sự thiếu đồng bộ, không thống nhất giữa các luật: Đầu tư, Đầu tư công, Ngân sách nhà nước, Xây dựng làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án. Một dự án có thể có 3 cấp quyết định chủ trương đầu tư trong khi nội dung cũng chỉ gồm mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, địa điểm, thời gian, tiến độ thực hiện.Cũng chưa có sự thống nhất giữa các luật: Đầu tư công, Đầu tư và Bảo vệ môi trường về quy định Báo cáo đánh giá tác động môi trường trong lập, thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư dẫn đến vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, nhất là đối với các dự án có quy mô lớn, dự án quan trọng quốc gia. Luật Đầu tư công và Luật Đất đai chưa thống nhất các quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư là nguyên nhân khiến một số dự án đầu tư công liên quan đến hạ tầng bị đội vốn khi không ước tính đúng các kinh phí liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng trong giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư.
Việc tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản sẽ thúc đẩy lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ hơn. Ảnh: Như Ngọc
Theo Bộ Tài chính, các khâu liên quan tới thanh toán dự án đều vướng, từ bảo lãnh hợp đồng xây dựng tới điều chỉnh hợp đồng, quyết toán… Bộ Tài nguyên- Môi trường nói về khó khăn, vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư có hình thành tài sản thuộc dạng Condotel, Officetel và Hometel (khách sạn căn hộ) nhưng không hình thành “đơn vị ở” và một số vấn đề liên quan đến đánh giá tác động môi trường.
Theo lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam như “lạc vào mê hồn trận” thủ tục hành chính. Hiện tượng có “doanh nghiệp sân sau” và các chi phí không chính thức trong lĩnh vực xây dựng còn rất lớn. Theo khảo sát PCI năm 2017, có đến 74% số doanh nghiệp xây dựng phải “quan hệ” với cán bộ của cơ quan quản lý để tiếp cận thông tin dự án đầu tư, đấu thầu. Tình trạng cán bộ nhà nước ưu ái các doanh nghiệp có vốn nhà nước, ưu ái các doanh nghiệp thân quen trong ngành xây dựng ở mức tương đối cao. Các doanh nghiệp xây dựng phải trả chi phí không chính thức cao nhất so với doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác như công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ. VCCI phản ánh tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp về việc chưa có quy định cụ thể về bảo lãnh thanh toán trong hợp đồng xây dựng. Thiếu tính liên thông thủ tục hành chính giữa lĩnh vực xây dựng với các lĩnh vực khác như: đầu tư, đất đai, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường. Áp dụng đơn giá định mức chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là các công trình không sử dụng vốn nhà nước. Thẩm quyền, nội dung giấy phép xây dựng và thủ tục cấp, điều chỉnh còn phức tạp, chưa hợp lý. Vẫn còn tình trạng khép kín, chưa minh bạch hoá quá trình cấp phép xây dựng và kiểm tra, giám sát chất lượng công trình thông qua thẩm định, kiểm định độc lập trong và sau quá trình cấp phép; hành lang pháp lý cho Condotel chưa rõ ràng…
VCCI cũng cho rằng, để thẩm định một dự án đầu tư xây dựng, doanh nghiệp phải làm việc với Bộ Xây dựng. Nếu có liên quan đến đất đai thì phải làm việc với Bộ Tài nguyên – Môi trường, hay với Bộ Công an về phòng cháy chữa cháy, với Bộ Quốc phòng về chiều cao tĩnh không… Doanh nghiệp phải làm việc với nhiều nơi một cách độc lập mà không có “một cửa” thống nhất một đầu mối giải quyết. Một dự án ở cấp thành phố về lý thuyết làm thủ tục là 15 ngày nhưng doanh nghiệp vẫn phải “gõ cửa” đầy đủ các sở, ngành và thời gian không ít hơn 5- 6 tháng, thậm chí hàng năm.
Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng có sự thiếu bình đẳng giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Trong khi các nhà thầu xây dựng phải chịu sự quản lý của rất nhiều quy định của pháp luật như bảo lãnh dự thầu, nếu thắng thầu phải nộp bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tiền tạm ứng, bảo lãnh bảo hành…, nhưng chủ đầu tư tuyệt nhiên không có một bảo lãnh gì cho nhà thầu (kể cả trường hợp thiếu hụt vốn thanh toán). Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh nêu tình trạng đất “vàng”, đất “kim cương” không đưa vào xây dựng, khai thác sử dụng trong khi đất nông nghiệp sau khi chuyển mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp, nhất là đất ở, đất thương mại, dịch vụ theo quy hoạch của Nhà nước thì sinh lợi cao, thậm chí rất cao đều “ do cơ chế”.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group thì cho rằng, đã xuất hiện tình trạng nản lòng từ các nhà đầu tư khi gặp phải dư luận cũng như vấn đề thanh tra thu phí theo chu kỳ (thanh tra kiểm toán đánh giá lại các yếu tố đầu vào như lưu lượng phương tiện, mức thu giá…).
Sẽ sửa đổi hàng loạt Luật
Tất cả những vấn đề này được chỉ ra, được nhận diện rõ tại hội nghị với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian tới, phải tập trung tháo gỡ thể chế pháp luật, nhất là những thủ tục rườm rà, nhiêu khê, chưa rõ ràng, chưa thống nhất và “gỡ” cả những thái độ vô cảm, vô trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân làm chậm trễ quá trình đầu tư xây dựng. Thủ tướng yêu cầu phải chống bằng được tình trạng tham nhũng, bôi trơn, chi phí không chính thức còn nặng nề, diễn ra ở nhiều khâu, phức tạp, khó kiểm soát, từ khâu quy hoạch, chủ trương dự án, nghiên cứu dựán, quyết định phê duyệt dự án, giải ngân, đấu thầu, thuế, kho bạc, nghiệm thu…, không để tình trạng “ngâm hồ sơ”, “quân xanh quân đỏ”, “có 300 lạng việc này mới xong” diễn ra trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.
Với tinh thần này, theo đề xuất của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp; doanh nghiệp…, thời gian tới, Chính phủ sẽ đề nghị với Quốc hội xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị; sửa đổi một loạt luật liên quan tới đầu tư xây dựng như Luật Xây dựng, Luật Nhàở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm đến 32% GDP, nếu không thúc đẩy lĩnh vực này thì gặp khó khăn, đất nước không phát triển được. Nơi nào, tỉnh nào, thành phố nào có nhiều công trình được khởi công, hoàn thành thì địa phương đó mới phát triển, đất nước mới phát triển. Do đó, Chính phủ sẽ chỉ đạo sát sao tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, cả về trước mắt và lâu dài. Bên cạnh việc xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật hiện hành, sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa trong đầu tư xây dựng trên nguyên tắc công khai, minh bạch, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ để không gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp, người dân và xã hội, nhưng phải bảo đảm duy trì trật tự, kỷ cương. Không cực đoan loại bỏ các thủ tục hành chính cần thiết bằng mọi giá.
Doanh nghiệp và người dân đang rất trông chờ vào các động thái tích cực này, từ đó khơi thông mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh và thịnh vượng.
Hồng Thanh – Báo Hải Phòng 21/04/2018
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More