Thời gian qua, các bộ ngành địa phương đã nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đơn giản hóa nhiều khâu thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn không ít những doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều vướng mắc từ chính sách.
Sau hơn 8 tháng kể từ hoàn thiện các thủ tục đất đai, đến nay, nhà máy sản xuất bê tông đúc sẵn với vốn đầu tư 200 tỷ đồng của doanh nghiệp này vẫn chưa xin phép giấy phép xây dựng. Trong khi đó, một nhà máy khác dù đã đi vào hoạt động 3 năm nhưng lại chưa thể chuyển đổi sổ đỏ sang sổ hồng. Những chậm trễ trong thủ tục hành chính không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn làm hạn chế các cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp đặc biệt trong việc tiếp cận vốn.
Ông Tạ Quyết Thắng – Tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường, Hải Phòng: Việc dừng hoạt động gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp như tiền lãi ngân hàng 1,5 tỷ đồng và tiền thuê đất và đặc biệt công nhân không có việc làm.
Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 cho thấy chi phí cho thủ tục hành chính bao gồm cả chi phí về thời gian, tiền của, cả chi phí trực tiếp và gián tiếp, chi phí chính thức và không chính thức của các doanh nghiệp còn rất cao. Nhiều bất cập trong văn bản hiện hành quy định các TTHC trong vẫn đang còn tồn tại và gây khó cho doanh nghiệp.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Hệ thống pháp luật của chúng ta đặc biệt là khâu thực thi còn rất nhiều thủ tục rườm rà gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Anh Dương – Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương: Hệ thống pháp luật còn rất lâu mới có thể cải cách được nhưng ngay lúc này Chính phủ cần có những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc trực tiếp trao đổi chia sẻ gặp gỡ để nắm bắt những vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp và cùng tìm giải pháp để tháo gỡ. Chỉ có như vậy doanh nghiệp mới hoạt động hiệu quả.
Môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện xếp thứ 69/190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dư địa cho cải cách còn rất lớn. Và chỉ khi cải cách thực chất thì mục tiêu đặt ra đến 2020 có một triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả của Việt Nam mới trở thành hiện thực./.