Việc thu phí khí thải với ôtô, xe máy có thể gây gánh nặng lên người dân, trong khi người dân đã phải nộp Thuế Bảo vệ môi trường khi sử dụng xăng dầu.
Gánh nặng lên người dân
Làm nghề chạy xe ôm công nghệ hơn năm nay, anh Trần Tiến (quận Long Biên, TP Hà Nội) cho biết, vợ anh là công nhân, 2 vợ chồng vừa sinh em bé, áp lực chi tiêu của gia đình rất nặng.
“Mỗi ngày trung bình chạy được 300.000 đồng, hôm nào cao điểm chạy 13-14 tiếng thì mới được 500.000 đồng. Nếu thêm các loại phí nữa thì chắc tôi phải chuyển việc“, anh Tiến cho hay.
Đồng quan điểm, ông Phạm Hồng Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, việc này cũng gây thêm nhiều khó khăn cho những người thu nhập thấp, sử dụng xe máy làm phương tiện mưu sinh, là kế sinh nhai như xe ôm, shipper…
Cần xem xét thời điểm thu phí
Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội Lữ hành TP Đà Nẵng cho biết, ý tưởng thu phí khí thải đối với ôtô, xe máy là ý hay nhưng tại thời điểm hiện tại cần phải xem xét. Hầu hết những người đi xe máy là những người dân khó khăn, có thu nhập thấp.
“Ví dụ, hiện tại, chúng ta đánh thuế lên ôtô hạng sang, một năm 10 triệu đồng thì không cao, nhưng đối với xe máy đánh phí 1 triệu đồng là cao vì có những xe máy chỉ có giá 2-3 triệu đồng, nó là phương tiện bắt buộc để mưu sinh hằng ngày. Vậy hiện tại có nên đánh phí đồng nhất hay không, hay cần đưa ra lộ trình 1-2 năm đầu; 3-4 năm sau; 7-8 năm sau, khi mức sống của người dân lên mức ổn định.
Cùng là 2 người có xe máy nhưng người có thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng khác với người 4-5 triệu đồng/tháng, đánh phí như thế này lại đánh trên phương tiện, thực tế phương tiện 100 triệu đồng khác với phương tiện 2-3 triệu đồng“, ông Ngọc Anh lấy dẫn chứng.
Theo Chủ tịch Hội Lữ hành TP Đà Nẵng, sẽ có nhiều khía cạnh cần mổ xẻ. Tất nhiên, thu phí khí thải với phương tiện giao thông là việc cần hướng tới vì nó ảnh hưởng đến đời sống chung, môi trường chung, cũng như ảnh hưởng đến cam kết của chúng ta tại COP26 đạt mức thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhưng cần có lộ trình lâu dài, chi tiết, sẽ thu phí phương tiện nào, đối tượng nào, khi thực hiện ảnh hưởng như thế nào đến người dân… nếu có sự đồng thuận mới khả thi.
Giai đoạn hiện nay áp dụng chưa phù hợp
TS Hoàng Dương Tùng (ảnh), Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, việc thu phí khí thải với ôtô, xe máy đã có một số nước trên thế giới làm, nó thể hiện trách nhiệm của người sử dụng đối với môi trường, tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay việc áp dụng điều này ở Việt Nam là chưa phù hợp.
Lượng xe máy, ôtô của chúng ta là rất lớn, trong đó nhiều xe gây ô nhiễm nhưng chủ yếu tại một số đô thị như Hà Nội, TPHCM… còn ở các đô thị khác thì đó lại là phương tiện đi lại chính của người dân. Khi người dân đã nộp Thuế Bảo vệ môi trường qua xăng rồi thì việc không thu phí khí thải là hợp lý trong giai đoạn hiện nay. Người dân đã nộp thuế, giờ nếu thêm phí nữa sẽ gây thêm gánh nặng cho người dân và thu như thế nào cũng là vấn đề.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, mỗi người sử dụng ôtô, xe máy cũng cần có trách nhiệm giảm thiểu khí thải, cần nhận thức rằng đang gây ô nhiễm.
“Trên đường phố hay bắt gặp những phương tiện cũ kỹ, xả khói mù mịt, với xe máy là phương tiện của người thu nhập thấp. Tuy nhiên, không vì thế mà người dân không có cách để bảo vệ môi trường. Hiện nay, Chính phủ đang đề xuất kiểm soát khí thải xe máy, mỗi năm phải đi kiểm tra nếu đạt tiêu chuẩn mới được lưu hành, còn nếu không, phải đi bảo dưỡng. Còn với ôtô, hiện nay đã được đi kiểm định khí thải định kỳ, trong giai đoạn hiện nay có lẽ việc này phù hợp hơn“, TS Hoàng Dương Tùng phân tích.
Theo GS.TS Từ Sỹ Sùa, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông Vận tải, việc kiểm soát, thu phí khí thải đối với môtô, xe máy không mới, đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Tuy nhiên, quy định này nếu thực hiện sẽ ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân sử dụng xe máy, những người có thu nhập thấp.
“Chúng ta cần có những nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, bài bản và chỉ thí điểm, áp dụng rộng rãi khi có đủ căn cứ, đánh giá tác động đầy đủ“, GS.TS Sùa cho biết thêm.
Trong tờ trình dự thảo Nghị định về thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, Bộ Tài chính cho biết, một loạt tỉnh đề nghị thu phí đối với ôtô và xe máy. Đề xuất này được đưa ra với lý do từ các nghiên cứu cho thấy phát thải khí thải từ xe cơ giới là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường đô thị. Trong đó môtô, xe máy là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất.
Nguyễn Hà, Cát Tường