11 tháng năm 2018, tổng số thu ngân sách nội địa khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 3837 tỷ đồng, bằng 96% dự toán phấn đấu HĐND thành phố giao, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, theo Cục Thuế Hải Phòng, nếu trừ các khoản thu từ đất và tiền thuế nhà thầu thì nguồn thu phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp FDI hầu như tăng trưởng không đáng kể.
Công ty Xi măng Chin phong giảm nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng.
Ảnh: Duy Thính
Nhiều doanh nghiệp giảm nộp ngân sách
Cục Thuế Hải Phòng cho biết, năm 2018, số doanh nghiệp FDI có số nộp ngân sách tăng không nhiều. Chỉ có Công ty TNHH LG Electronic nộp tăng 28,6 tỷ đồng; một số khác số tăng không đáng kể. Tính chung, 18 doanh nghiệp có số nộp ngân sách tăng chỉ được 194 tỷ đồng.
Trong khi đó, danh sách doanh nghiệp có số nộp ngân sách giảm cứ dài thêm. Các doanh nghiệp FDI trọng điểm sản xuất xi măng, sắt thép, nhựa, đóng tàu, cảng biển đều giảm mạnh về nộp ngân sách. Chỉ tính 16 doanh nghiệp đã giảm nộp ngân sách tới 448 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty xi măng Chin- phong giảm nộp 154 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất thức ăn gia súc Proconco giảm 36 tỷ đồng; Công ty TNHH công nghệ nhựa Phú Lâm giảm 25,3 tỷ đồng; Công ty CP Cáp điện và hệ thống LS-Vina giảm 29,6 tỷ đồng; Công ty liên doanh sản xuất thép Vinausteel giảm 36 tỷ đồng; Công ty TNHH công nghiệp nặng Doosan giảm 18 tỷ đồng…
Như vậy, số doanh nghiệp có nộp tăng không bù đắp nổi so với số doanh nghiệp có số nộp giảm. Không những thế, còn hụt thu tới 254 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong số hơn 500 doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn thành phố, chỉ có 2 doanh nghiệp là Công ty xi măng Chin phong và Chi nhánh Công ty TNHH dầu nhờn Chevron có số nộp ngân sách từ hơn 100 tỷ đồng/năm trở lên; còn lại đều ở dưới mức này. Mặt khác, số thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp FDI 11 tháng tăng trưởng tới 41,2% chủ yếu là do có thêm một số khoản thu khác không liên quan tới sản xuất kinh doanh như khoản thu tiền thuê đất, ghi thu ghi chi tiền thuê đất 524 tỷ đồng (trong đó, riêng dự án Khu công nghiệp An Dương phát sinh 365 tỷ đồng); tiền thuế nhà thầu nước ngoài tại dự án Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast 950 tỷ đồng. Nếu trừ đi số này thì thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp FDI cũng chưa có sự tăng trưởng đáng kể.
Cần giải pháp quản lý chặt chẽ
Theo Cục Thuế Hải Phòng, số thu từ các doanh nghiệp FDI chưa tương xứng với vốn đầu tư và quy mô sản xuất là do số đông doanh nghiệp đều đang được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), phần lớn chỉ có mức thuế 10% trong 15 năm, miễn 4 năm, giảm 9 năm. Có tới 188 dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế suất và thời gian miễn giảm thuế TNDN. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng được hưởng ưu đãi thuế. Năm 2018, khu vực này có 233 doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu với tổng doanh thu thực hiện 86.273 tỷ đồng nhưng không phát sinh thuế giá trị gia tăng (GTGT). Cũng như vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong khu chế xuất không chịu thuế GTGT. Năm 2018, có 116 doanh nghiệp thuộc nhóm này, tổng doanh thu đạt 54.831 tỷ đồng nhưng cũng không có thuế GTGT.
Tuy nhiên, các ngành thành phố cũng thừa nhận, công tác quản lý thu thuế khu vực doanh nghiệp FDI còn nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc. Hiện tượng thất thu, thất thoát, chuyển giá là có nhưng chưa có biện pháp thật hữu hiệu. 11 tháng, qua thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế, chống thất thu thuế tại 129 doanh nghiệp FDI, đã truy thu thuế 71,8 tỷ đồng; truy hoàn thuế 4,1 tỷ đồng; phạt vi phạm hành chính 19,4 tỷ đồng; giảm thuế GTGT được khấu trừ 7,7 tỷ đồng; giảm lỗ 332 tỷ đồng. Trong đó, triển khai thanh tra chuyển nhượng tại 6 doanh nghiệp FDI, yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế TNDN hơn 100 tỷ đồng, điều chỉnh giảm lỗ hơn 75 tỷ đồng, truy thu, truy hoàn thuế và phạt vi phạm hành chính 7,5 tỷ đồng. Đồng thời, kiểm tra, phối hợp xử lý dứt điểm các trường hợp cấp giấy chứng nhận đầu tư ghi ưu đãi thuế không phù hợp với Luật Thuế TNDN, truy thu nộp ngân sách 17,7 tỷ đồng.
Thực tế đó cho thấy cần tiếp tục có các giải pháp để quản lý chặt chẽ việc chấp hành nghĩa vụ thuế tại khu vực doanh nghiệp FDI. Trong đó, thanh tra, kiểm tra thuế và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, ngăn chặn hiện tượng chuyển giá được coi là mang lại hiệu quả cao cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa. Thêm vào đó, các sở, ngành có sự phối hợp chặt chẽ, rà soát các trường hợp được ưu đãi đầu tư cũng như cung cấp kịp thời thông tin về sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xây dựng để ngành thuế kiểm tra, giám sát, thu đúng, đủ, kịp thời các khoản phát sinh vào ngân sách thành phố.
Hồng Thanh – Báo Hải Phòng 09/12/2018
Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More