Print Thứ Ba, 10/08/2021 15:55 Gốc

7 tháng, số thu ngân sách nội địa của thành phố đạt 18.650 tỷ đồng, bằng 70,9% dự toán Trung ương giao, 53,3% dự toán phấn đấu HĐND giao, tăng trưởng 34,4% so cùng kỳ năm 2020. Như vậy, bất chấp đại dịch COVID-19, thu ngân sách của thành phố vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, khẳng định sự tăng trưởng bền vững của kinh tế thành phố cũng như cố gắng, nỗ lực của các ngành, các địa phương.

8/17 khoản thu đạt yêu cầu

Khởi sắc nhất trong công tác thu ngân sách nội địa năm nay là số thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 7 tháng, khu vực này đã đóng góp hơn 2600 tỷ đồng, bằng 75,2% dự toán cả năm, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2020.

Lý giải điều này, lãnh đạo Cục Thuế Hải Phòng cho biết, kết quả có được do một số doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh hiệu quả và có số nộp ngân sách cao. Đó là Công ty CP Khu công nghiệp Hải Phòng nộp tăng 36,7 tỷ đồng do cho thuế cơ sở hạ tầng của các doanh nghiệp mới. Một số doanh nghiệp có số nộp tăng thêm lên tới hàng trăm tỷ đồng như Công ty TNHH công nghiệp nặng Doosan Hải Phòng Việt Nam, Công ty TNHH dầu nhờn Chevron, Công ty Phú Lâm, Công ty xi măng ChinFon, Công ty TNHH Toyada Gosei… Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nằm trong Khu Kinh tế Đình Vũ-Cát Hải đã hết thời hạn được hưởng ưu đãi thuế và bắt đầu nộp thuế nên cũng là một trong những yếu tố tăng thu ngân sách.

Khoản thu thứ 2 cũng có nhiều đột biến là thuế thu nhập cá nhân (TNCN). 7 tháng, thuế TNCN đạt 76,5% dự toán. Có được kết quả đó là do thành phố kiểm soát dịch tốt nên chuyên gia nước ngoài sang Hải Phòng làm việc tăng. Bên cạnh đó, theo Nghị định 82 ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý Khu kinh tế, Khu công nghiệp, nhiều trường hợp hết thời gian được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập cá nhân nên góp phần tăng khoản thu này.

Ngoài ra, còn có một số khoản thu khác cơ bản đáp ứng tiến độ như khu vực doanh nghiệp Nhà nước địa phương đạt 61,7%; thuế bảo vệ môi trường đạt 61,9%; lệ phí trước bạ đạt 75,7%; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 92,5%; thu từ hoạt động xổ số đạt 60,4%; thu khác ngân sách đạt 65,2%…

Công ty TNHH công nghiệp nặng Doosan Hải Phòng Việt Nam có số nộp ngân sách 7 tháng tăng cao. Trong ảnh: Công nhân Công ty gia công ống dẫn khí.

Dốc sức về đích

Mặc dù vậy, áp lực thu ngân sách những tháng cuối năm cũng rất lớn. Theo Cục Thuế Hải Phòng, với phần dự toán còn lại, 5 tháng cuối năm, bình quân mỗi tháng phải thu được gần 2900 tỷ đồng trong khi bình quân thu 7 tháng qua đạt gần 2.700 tỷ đồng/tháng. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương 7 tháng mới đạt 45,9% dự toán; thu từ khu vực ngoài quốc doanh mới đạt 46,4%; phí, lệ phí đạt 52,7% do hụt thu phí cảng biển so dự toán (7 tháng hụt 90,7 tỷ đồng) và hụt thu phí tham quan so dự toán 31,6 tỷ đồng. Thu tiền sử dụng đất cũng mới đạt 35,4% dự toán. Trong đó, một số địa phương có tiến độ thu tiền sử dụng đất đạt thấp như: An Dương 20,8%, Ngô Quyền 48,7%, Hải An 33,5%, Kiến An 32,9%, Đồ Sơn 27,9%, Thủy Nguyên 24,8%, Cát Hải 13,5%. Tiền thuê đất đạt mới đạt 57% do thực hiện giãn thuế theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều đơn vị báo cáo gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất với tổng số tiền là 87,6 tỷ đồng. Các khoản thu còn lại cũng đạt thấp như thu hồi vốn và lợi nhuận đạt 51,5%; thu quỹ đất công ích 37,8%. Một số doanh nghiệp chủ lực cũng nộp ngân sách giảm như: Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng giảm 147,5 tỷ đồng; Công ty CP vận tải xăng dầu VIPCO giảm 20,1 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng giảm 12,3 tỷ đồng. Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh VinFast 7 tháng mới nộp 2.986 tỷ đồng (hụt so với bình quân dự toán phải thu 7 tháng là 1.496 tỷ đồng)…

Với vai trò chủ lực, Cục Thuế chủ động đề xuất, tham mưu và có nhiều giải pháp tăng thu trong những tháng cuối năm. Theo đó, Cục Thuế tham mưu với UBND thành phố tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách, đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản, kinh doanh thương mại, vận tải và trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản… Đồng thời, thúc đẩy việc tính toán tiền sử dụng đất của một số dự án lớn; tổ chức đấu giá đất tại các địa phương theo kế hoạch được duyệt, kịp thời thu nộp tiền thuê đất, thu tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước. Ngành Thuế tiếp tục quản lý chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt nguồn thu từ hoạt động kinh doanh thương mại; các mặt hàng xăng, dầu, gas…, hoạt động xây dựng cơ bản vãng lai, thuế nhà thầu của hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài nhưng không hiện diện tại Việt Nam, kịp thời hướng dẫn kê khai và thu nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước… Ngành Thuế đã xây dựng và triển khai thực hiện các đề án chống thất thu thuế đối với một số lĩnh vực; từng bước rà soát và triển khai công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, góp phần tăng thu và chống thất thu ngân sách.

Cho dù còn nhiều khó khăn nhưng thành phố quyết tâm cao hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nội địa năm 2021. Các cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy, UBND thành phố đều đặt thu ngân sách là trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Hoàn thành dự toán thu 33.000 tỷ đồng trong năm nay, Hải Phòng sẽ ghi dấu ấn mới về sự tăng trưởng vượt bậc trong công tác thu ngân sách nội địa. Dư địa thu của thành phố còn lớn. Nếu quyết tâm cao, biện pháp đồng bộ, phù hợp, chắc chắn Hải Phòng sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra./.

Hồng Thanh. Ảnh: Trọng Luân

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thu ngân sách nội địa 7 tháng: Vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng cao
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác