11 nhiệm vụ chủ yếu đối với công tác thu ngân sách của khu vực quận, huyện vừa được đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố chỉ rõ tại hội nghị giao dự toán ngân sách năm 2018. Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, thu ngân sách là nhiệm vụ hàng đầu và lãnh đạo các quận, huyện phải dành phần lớn thời gian tập trung chỉ đạo, tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhất để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch.
Năm 2018, huyện Thủy Nguyên tăng cường công tác quản lý, kiểm soát việc thu thuế tài nguyên khoáng sản. Ảnh: Phương Linh
Mục tiêu đi kèm giải pháp
Năm 2018, dự toán thu ngân sách giao khu vực quận, huyện là 6680 tỷ đồng. Nếu trừ các khoản thu từ đất 3910,3 tỷ đồng thì dự toán thu tăng 16,8% so với số thực hiện năm 2017. Trong đó, thu ngoài quốc doanh 2280 tỷ đồng, tăng 21,3%. Thu tiền sử dụng đất 2000 tỷ đồng, bằng 73,3%; tiền thuê đất 700 tỷ đồng, bằng 60,5%. Lệ phí trước bạ 880 tỷ đồng, tăng 12,8%.
Sở dĩ số thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất thấp hơn năm 2017 là do năm 2017 có một số dự án lớn đã nộp hết các khoản phải nộp. Như vậy, chỉ tiêu thu quan trọng nhất của năm đối với các quận, huyện vẫn là thuế ngoài quốc doanh (NQD). Hơn nữa, Cục Thuế yêu cầu các địa phương đề ra mục tiêu phấn đấu cao hơn 5- 10% so với dự toán (sau khi trừ đi số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) nên sức ép thu ngân sách đối với khu vực quận, huyện càng lớn.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng yêu cầu các địa phương tập trung bàn và tìm ra các giải pháp mang lại kết quả tốt nhất. Phó cục trưởng phụ trách Cục Thuế Hải Phòng Hà Văn Trường đề xuất 15 giải pháp. Cụ thể là tiếp tục phát huy vai trò của Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách; rà soát lại tổng số doanh nghiệp, số hộ kinh doanh, phân tích kỹ các vấn đề liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và khả năng nộp ngân sách để có biện pháp quản lý. Kiên quyết chống thất thu thuế. Quản lý chặt chẽ và đưa vào thu thuế đối với các hộ kinh doanh vận tải cũng như kiểm soát việc thu thuế tài nguyên khoáng sản, thuế nhà thầu, thuế XDCB tư nhân. Tăng cường quản lý hóa đơn…
Hầu hết lãnh đạo các quận, huyện đều đồng tình với các giải pháp này và đề xuất thêm một số cách làm cũng như phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chủ tịch UBND quận Dương Kinh, Lê Lương cho biết, năm nay, quận sẽ nâng mức thuế khoán của khu vực hộ kinh doanh, đồng thời rà soát kỹ các khoản thu trên địa bàn. Tuy nhiên, quận cũng mong muốn thành phố hỗ trợ để thu số thuế nợ đọng của một số doanh nghiệp trên địa bàn vì nợ khá lâu, vượt thẩm quyền xử lý của địa phương. Chủ tịch UBND quận Hải An Phạm Chí Bắc cho rằng, việc quản lý hóa đơn phải có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của ngành công an mới mang lại hiệu quả cao. Về tiền đất, Chủ tịch UBND quận Hải An phản ánh, việc xác định giá đất quá lâu, ảnh hưởng rất lớn tới công tác giải phóng mặt bằng cũng như đấu giá đất, từ đó ảnh hưởng tới công tác thu ngân sách. Một số thủ tục về quy hoạch còn phức tạp, rắc rối, đòi hỏi nhiều thời gian xử lý, cần được cải tiến để tạo điều kiện cho các địa phương. Chủ tịch UBND quận Lê Chân, Phạm Tiến Du cho biết, hiện thuế đối với các hộ cho thuê nhà, nhất là các hộ mặt đường, không kiểm soát nổi. Số hộ trốn tránh nghĩa vụ rất nhiều trong khi thu tiền cho thuê nhà rất lớn. Do đó, cần có nghị quyết chuyên đề cấp thành phố, cụ thể là áp mức giá thuê nhà cụ thể từng tuyến đường để các địa phương có cơ sở thu thuế.
Về việc ủy nhiệm thu thuế hộ kinh doanh cho xã, phường, thị trấn, lãnh đạo các địa phương đề nghị cân nhắc kỹ và có các giải pháp kèm theo về nhân lực, nhất là khi các vị trí việc làm khu vực này đã mô tả hết và sắp xếp xong, nay nếu phát sinh thêm người sẽ khó khăn hơn.
Còn nhiều khu vực chưa khai thác triệt để
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh, còn một số khu vực chưa được các quận, huyện tập trung cao và dư địa thu còn lớn. Như khu vực hộ kinh doanh, nhà hàng, khách sạn, theo đồng chí Chủ tịch, còn thất thu cả về số hộ và số thuế, phải gắt gao hơn, không được để sót lọt. Đồng chí Chủ tịch cũng chỉ đạo, tất cả trường hợp đang sử dụng đất tại các địa phương đều phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với thành phố, dù đã có sổ đỏ hay chưa và các quận, huyện phải kiểm soát tốt việc này. Về thủ tục đấu giá đất, Chủ tịch yêu cầu Hội đồng định giá thành phố khẩn trương chấn chỉnh quy trình làm việc, rút ngắn thời gian thẩm định, chấm dứt tình trạng để các địa phương kêu ca, phàn nàn vì kéo dài quá lâu. Ngược lại, các địa phương cũng phải rút kinh nghiệm, hồ sơ trình lên phải đầy đủ, đúng quy định, tránh trường hợp phải chuyển lên chuyển xuống nhiều lần. Thu thuế tài nguyên khoáng sản cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các ngành chức năng, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tiến hành đo lại khối lượng khai thác của các mỏ để thu ngân sách.
Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Phạm Quốc Ka cho biết, năm 2017, tổ công tác của Sở phối hợp với xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy tiến hành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho gần 200 trường hợp, giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc, nhờ vậy tăng thu ngân sách hàng chục tỷ đồng. Hiện tại các địa phương, nhu cầu cấp GCNQSDĐ còn rất lớn nên có thế tiếp tục thực hiện phương thức này để tháo gỡ, tạo điều kiện cho các hộ nhanh chóng hoàn tất thủ tục, nghĩa vụ tài chính. Ông Phạm Quốc Ka dự tính, toàn thành phố còn gần 8000 trường hợp sử dụng đất xen kẹt với 78,5 ha, nếu hoàn tất thủ tục và cấp giấy, có thể thu về hơn 800 tỷ đồng…
Như vậy, chỉ tiêu thu ngân sách năm 2018 của các quận, huyện tuy cao nhưng dư địa thu cũng còn rất lớn. Vì vậy, từ quyết tâm và khí thế ngay từ đầu năm, cộng với tinh thần trách nhiệm của mỗi địa phương, chắc chắn sẽ hoàn thành dự toán ngân sách được giao, góp phần để Hải Phòng thu ngân sách nội địa vượt ngưỡng 25.000 tỷ đồng trong năm 2018.
Hồng Thanh – Báo Hải Phòng 02/02/2018