Print Thứ bảy, 26/01/2019 17:39

5 tháng đầu năm, số thu từ các khu vực doanh nghiệp của thành phố đều tăng thấp so với kế hoạch cả năm và so với cùng kỳ năm 2017. Kết quả này tác động không nhỏ tới số thu chung của toàn thành phố. Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn liên quan tới việc di dời, do áp dụng các cơ chế, chính sách mới, do thị trường và nhiều nguyên nhân khác. Vì vậy, ngoài nỗ lực vươn lên của doanh nghiệp, cần có sự hỗ trợ kịp thời của các bộ, ngành trung ương và thành phố.

Sản lượng hàng hóa qua Cảng Hoàng Diệu giảm mạnh, ảnh hưởng tới số nộp ngân sách.

Ảnh: Minh Tú

Các khu vực doanh nghiệp trọng điểm đều nộp ngân sách giảm

Số thu chỉ đạt 30- 36% dự toán năm, tăng 1-2% so với cùng kỳ năm 2017, thậm chí chỉ bằng khoảng 87%, là tình trạng chung trong 5 tháng đầu năm của khối doanh nghiệp trung ương, địa phương cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước nước ngoài. Việc nhiều doanh nghiệp lớn, nộp ngân sách cao thời gian qua giảm nộp từ 5- 7 tỷ đồng tới vài chục tỷ đồng là điều đáng suy nghĩ.

5 tháng đầu năm 2017, Công ty sản xuất thép Úc SSE sản xuất 130.000 tấn thép, doanh thu đạt gần 1500 tỷ đồng, nộp ngân sách 28,4 tỷ đồng. 5 tháng năm 2018,  sản lượng đạt 170.000 tấn, doanh thu 2283 tỷ đồng, nhưng nộp ngân sách chỉ gần  6 tỷ đồng. Lý giải nguyên nhân,  bà Nguyễn Thị Huyền Trang, Phó tổng giám đốc công ty cho biết, từ cuối năm 2017 và kéo dài sang năm 2018, do chính sách thuế tự vệ đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc, sản lượng phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc giảm mạnh nên ngành thép chỉ trông chờ vào nguồn phôi trong nước. Giá phôi thép lại liên tục tăng, chỉ trong thời gian ngắn tăng hơn 1 triệu đồng/tấn, trong khi phôi chiếm tới 85% giá thành sản xuất. Ngoài ra, giá điện, giá dầu và nhiều chi phí sản xuất khác đều tăng. Giá bán “đầu ra” tăng nhưng không theo kịp mức tăng giá “đầu vào” nên tuy doanh thu, sản lượng tăng nhưng lợi nhuận không có hiệu quả. Vì thế, số nộp ngân sách giảm theo.

Đây cũng là tình trang chung của ngành thép Hải Phòng: Công ty liên doanh sản xuất thép Vinausteel giảm nộp tới 19,6 tỷ đồng; Công ty liên doanh VSC- Posco giảm 7 tỷ đồng…

Các doanh nghiệp cảng biển năm nay cũng đối mặt nhiều khó khăn dẫn tới doanh thu, lợi nhuận giảm và ảnh hưởng số nộp ngân sách. Phó tổng giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng Nguyễn Tường Anh cho biết, năm 2018 tiếp tục là năm khó khăn đối với ngành hàng hải, các hãng tàu vận tải biển trong nước và khu vực vẫn trong tình trạng dư thừa trọng tải, dẫn tới cạnh tranh giá cước và tiếp tục ép các cảng giá cước dịch vụ. Do quy định mới về chính sách nhập khẩu ô tô nên lượng ô tô nhập qua Cảng Hải Phòng trong 5 tháng qua giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái ảnh hưởng doanh thu và đóng góp ngân sách. Cảng Hoàng Diệu trực thuộc công ty phải di dời 3 cầu cảng để thi công cầu Hoàng Văn Thụ nên cũng ảnh hưởng tới sản lượng bốc xếp. Vì thế, số nộp ngân sách của công ty 5 tháng chỉ khoảng 7,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2017, công ty nộp 24,4 tỷ đồng.

Theo Cục Thuế Hải Phòng, do chính sách thuế nên nhiều doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư lớn nhưng chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu, thuế suất thuế GTGT đầu ra là 0%. Nhiều doanh nghiệp trong khu kinh tế có mức ưu đãi thuế cao (miễn 4 năm, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% thuế thu nhập cá nhân)… nên số thuế nộp ngân sách không đáng kể. Những điều này tác động đáng kể tới số thu ngân sách chung.


Dây chuyền sản xuất của Công ty thép Úc SSE.

Ảnh: Duy Thính

Chung tay cùng doanh nghiệp

Cục Thuế Hải Phòng cho biết, hầu hết doanh nghiệp Hải Phòng đều có ý thức trách nhiệm trong thực hiện nghĩa vụ với ngân sách. Các doanh nghiệp sản xuất thép như Vinaustell, thép Úc SSE, VSC- Posco, hay các doanh nghiệp như Công ty CP Cảng Hải Phòng và nhiều doanh nghiệp khác luôn chấp hành nghiêm kỷ cương về nộp ngân sách, phát sinh tới đâu nộp hết tới đó và không để chậm trễ, nợ đọng. Tuy nhiên, trước những khó khăn chung, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương và thành phố để doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, từ đó tăng số nộp ngân sách.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp cảng, vấn đề cần quan tâm trước hết hiện nay chính là luồng tàu. Theo lãnh đạo Công ty CP Cảng Hải Phòng, Công ty CP Cảng Nam Hải việc chậm nạo vét luồng ra vào cảng theo chuẩn tắc sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới việc đưa tàu lớn vào khai thác tại Hải Phòng. Các cảng sẽ gặp nhiều khó khăn trong khai thác nguồn hàng, tác động trực tiếp tới doanh thu, việc làm, sản lượng và số nộp ngân sách. Cảng Hải Phòng đề nghị thành phố có ý kiến với Chính phủ, Bộ GTVT sớm phê duyệt đề án di dời bến cảng Hoàng Diệu để ổn định sản xuất. Đồng thời, đề nghị sớm phê duyệt đầu tư bến số 3, số 4 tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng do Công ty CP Cảng Hải Phòng thực hiện để tăng thêm năng lực sản xuất mới, có thêm nguồn thu đóng góp cho ngân sách.

Đối với ngành sản xuất thép Hải Phòng, dự kiến năm 2018 có thể tăng trưởng 12- 15%. Tuy nhiên, “đầu ra“ của các doanh nghiệp sản xuất thép tại thị trường Hải Phòng cần có sự trợ giúp của thành phố, nhất là tạo điều kiện cung ứng thép cho các dự án, công trình lớn, giúp doanh nghiệp tăng sản lượng tiêu thụ, doanh thu, lợi nhuận, kéo theo sự gia tăng của số nộp ngân sách…

Thanh Nhân –  Báo Hải Phòng ngày 17/06/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thu ngân sách khu vực doanh nghiệp: Mới đạt 30-36% dự toán năm
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác