Tháng 2, số thu ngân sách nội địa của Hải Phòng đạt 1220,6 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2017, hụt 179,4 tỷ đồng so với dự kiến; tính chung, 2 tháng đầu năm, đạt 3113,9 tỷ đồng, bằng 13,7% dự toán trung ương giao, 12,6% dự toán HĐND thành phố giao và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là mức tăng thấp hơn bình quân chung cả nước, vì thế, thành phố chỉ đạo rà soát lại tất cả nguồn thu, có giải pháp quyết liệt, để tăng số thu tháng 3 và quý 1-2018.
Công nhân Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong trong dây chuyền sản xuất ống nhựa.
Ảnh: Phương Duy
Nhiều khoản thu giảm
Số thu 2 tháng đầu năm chưa đạt yêu cầu do một số khu vực doanh nghiệp giảm. Cụ thể, khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trung ương đạt 301 tỷ đồng, bằng 95,5% so với cùng kỳ năm ngoái; DNNN địa phương đạt 148,9 tỷ đồng, bằng 96% cùng kỳ; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng chỉ bằng 84,4% cùng kỳ với tổng số thu 453 tỷ đồng. Thuế bảo vệ môi trường chỉ đạt 254 tỷ đồng, bằng 16,8% so với cùng kỳ.
Theo Cục Thuế Hải Phòng, nguyên nhân chủ yếu là số phát sinh thuế tháng 12 và quý 4-2017 của nhiều doanh nghiệp lẽ ra phải nộp trong tháng 1-2018, nhưng hầu hết ứng nộp trước nên số thu tính vào năm 2017. Cụ thể, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong nộp trước 32,3 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV xăng dầu VIPCO 3 tỷ đồng; Công ty Thuốc lá Hải Phòng 13 tỷ đồng; Công ty CP Khu công nghiệp (CN) Sài Gòn- Hải Phòng 2 tỷ đồng; Công ty cấp nước 5 tỷ đồng; Công ty xi măng Chin- phong 21 tỷ đồng; Công ty CP Cáp điện và hệ thống LS VINA 13 tỷ đồng; Công ty xăng dầu khu vực 3 là 20 tỷ đồng; Công ty CP dầu khí PV Oil 6,8 tỷ đồng; Xí nghiệp xăng dầu K131 là 3 tỷ đồng; Công ty xăng dầu quân đội khu vực 1 là 8,5 tỷ đồng… Khoản thu giảm nhiều nhất vẫn là thuế bảo vệ môi trường do số nộp của Công ty TNHH MTV dầu khí Hải Linh giảm 32 tỷ đồng, vì sản lượng bán ra giảm. Ngoài ra, số thu từ khu vực doanh nghiệp giảm còn do khó khăn, cạnh tranh, chia sẻ thị phần nên thuế TNDN giảm như trường hợp Công ty CP công- ten- nơ Việt Nam giảm 5,4 tỷ đồng…
Số thu giảm còn do một số Bộ, ngành trung ương chưa bố trí kinh phí thanh toán thuế nhà thầu cho các dự án nên nhiều đơn vị nợ khoảng 100 tỷ đồng. Cùng với đó, một số nguồn thu liên quan tới sử dụng đất chưa triển khai. Việc nghỉ Tết 1 tuần cũng ảnh hưởng một phần tới số thu chung.
Riết róng thực hiện các giải pháp
Trước kết quả thu ngân sách 2 tháng đầu năm, lãnh đạo thành phố yêu cầu các ngành, các cấp khẩn trương thực hiện các giải pháp, nhất là đẩy mạnh công tác chống thất thu thất thoát để tăng thu, số thu tháng 3 phải bật lên để hoàn thành kế hoạch thu thuế quý 1-2018. Trong đó, yêu cầu Cục Thuế triển khai nghiêm túc các kết luận của thanh tra, kiểm toán nhà nước, đôn đốc thu kịp thời các khoản phải nộp vào ngân sách, nhất là các khoản thu lớn của Công ty xi măng Phúc Sơn, Công ty TNHH Thương mại Tân Hoàng An, Công ty TNHH vật liệu và xây dựng Quyết Tiến… Đồng thời, tiếp tục kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp cung cấp cát, đất núi phục vụ san lấp các dự án lớn trên địa bàn để thu thuế. Qua điều tra sơ bộ 22 doanh nghiệp trong và ngoài thành phố cho thấy các doanh nghiệp này cung cấp hơn 10 triệu m3 đất, đá, cát phục vụ san lấp, nếu quản lý được phát sinh khoản thuế không nhỏ. Cũng qua rà soát của các ngành thành phố, hiện còn nhiều nhà thầu xây dựng các công trình, dự án có doanh thu khá lớn, nhưng chưa kê khai nộp thuế nhà thầu nên tháng 3 cần phối hợp để thu. Cục Thuế cũng đang yêu cầu các đơn vị kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc in, phát hành, sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh mới thành lập kinh doanh đa ngành nghề có doanh số lớn nhưng số nộp không đáng kể. Bên cạnh đó, làm rõ sự chênh lệch về số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động với doanh nghiệp kê khai nộp thuế (theo số liệu của Sở KHĐT cho thấy chênh gần 10.000 doanh nghiệp), tổ chức điều tra, làm rõ và đưa vào quản lý thu thuế… Nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện được hưởng ưu đãi đầu tư về thuế cũng phải nhanh chóng đưa vào danh sách thu.
Theo lãnh đạo Cục Thuế Hải Phòng, tuy 2 tháng đầu năm, nguồn thu ngân sách nội địa của thành phố bị ảnh hưởng một số yếu tố nhưng tiềm năng thu còn lớn, các khoản còn thất thu, thất thoát, chưa quản lý cũng được chỉ ra. Từ đó, Cục Thuế yêu cầu các phòng trực thu, các chi cục thuế quận, huyện phải xây dựng kế hoạch thu, kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo từng tháng, từng quý, kiểm điểm tiến độ thường xuyên và có giải pháp bù đắp các khoản hụt thu; đề xuất với Trung ương, thành phố giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, cho doanh nghiệp để tăng số thu phát sinh, đáp ứng yêu cầu thu ngân sách của thành phố.
(Hồng Thanh – Báo Hải Phòng 11/03/2018)
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More