Theo Cục Thuế Hải Phòng, để hoàn thành kế hoạch thu ngân sách nội địa năm 2018 ở mức cao nhất, 2 tháng cuối năm còn phải thu 4126 tỷ đồng. Bình quân mỗi tháng phải thu hơn 2000 tỷ đồng trong khi bình quân các tháng trong năm mới chỉ đạt khoảng 1700- 1900 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, rất khó khăn nhưng ngành Thuế đang quyết tâm cao, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.
Rà soát từng khoản thu
Để đạt được chỉ tiêu trên, Cục Thuế tổ chức rà soát lại, phân tích từng khoản thu, sắc thuế, việc thực hiện nhiệm vụ của từng bộ phận, từng chi cục thuế 10 tháng qua. Theo Phó cục trưởng phụ trách Cục Thuế Hà Văn Trường, kết quả thu 10 tháng trong bối cảnh có nhiều khó khăn là động lực rất lớn thôi thúc cán bộ công chức (CBCC) ngành Thuế vươn lên trong 2 tháng cuối năm. Đến nay, toàn ngành đã thu được 18.206 tỷ đồng tiền thuế các loại, bằng 80% dự toán pháp lệnh, 73,6% dự toán phấn đấu và tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, đáng chú ý, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đạt 1549 tỷ đồng, bằng 95,7% dự toán pháp lệnh, 93,9% dự toán phấn đấu, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2017. Một số khoản thu khác cũng có sự tăng trường như thu từ các doanh nghiệp địa phương đạt 951 tỷ đồng, bằng 76,4% kế hoạch, tăng 4,7%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3141 tỷ đồng, bằng 78,6% kế hoạch, tăng 22%. Theo lĩnh vực khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 3456 tỷ đồng, bằng 79% kế hoạch, tăng trưởng 22,5%; thu tiền thuê đất đạt 836,8 tỷ đồng, bằng 139% kế hoạch năm, tăng trưởng 33%…
Cục Thuế Hải Phòng hướng dẫn, hỗ trợ người nộp thuế. Ảnh: Duy Lân
Một số đơn vị có nhiều cố gắng trong 10 tháng qua như Phòng Thuế TNCN; Phòng Kiểm tra Thuế số 1, Phòng Kiểm tra Thuế số 2; các chi cục thuế Hồng Bàng, Hải An, Đồ Sơn, Dương Kinh; Thủy Nguyên, Cát Hải, An Dương, Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo…
Qua rà soát, Cục Thuế Hải Phòng thấy nổi lên một số khoản thu, khu vực thu thấp như khối doanh nghiệp Nhà nước Trung ương, số thu mới đạt 62,4% mức kế hoạch; thu tiền sử dụng đất bằng 76,7, thuế bảo vệ môi trường bằng 70%, thu tiền bán nhà mới đạt 33,3%… Đây sẽ là những lĩnh vực sẽ có sự tập trung cao trong 2 tháng cuối năm để hoàn thành chỉ tiêu.
Tăng tốc thu từng ngày
Từ kết quả rà soát và phân tích kỹ các nguồn thu, Cục Thuế Hải Phòng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu 24.365 tỷ đồng trong năm 2018.
Theo lãnh đạo Cục Thuế Hải Phòng, cân đối tất cả các khoản thu ổn định thì 2 tháng cuối năm có thể huy động được khoảng 3300 tỷ đồng. Như vậy, sẽ còn hụt thu khoảng 700 – 800 tỷ đồng, phải có các giải pháp bù đắp. Trong đó, Cục Thuế đang nỗ lực tìm mọi biện pháp đôn đốc thu hồi thuế nhà thầu nợ đọng của các đơn vị thi công Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng khoảng 230 tỷ đồng; làm việc cụ thể với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đề nghị nộp thuế tại Hải Phòng với số thuế ước tính khoảng 200 tỷ đồng… Ngoài ra, Cục Thuế chỉ đạo các đơn vị cưỡng chế thu hồi nợ thuế; thực hiện các biện pháp chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, du lịch, dịch vụ, kinh doanh thương mại điện tử…
Tại phiên họp thường kỳ tháng 10, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cũng dành nhiều thời gian chỉ đạo về công tác thu ngân sách, nhấn mạnh đây là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu cần tập trung cao trong 2 tháng cuối năm. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan tới tính giá đất của các dự án để có đủ cơ sở tính tiền sử dụng đất và yêu cầu các doanh nghiệp nộp vào ngân sách. Thực tế, trong tháng 10, Tập đoàn Vingroup đã nộp 200 tỷ đồng tiền sử dụng đất của Khu đô thị cầu Rào 2 vào ngân sách và cam kết sẽ nộp hết số còn lại trong 2 tháng cuối năm. Ngoài ra, một số dự án khác cần triển khai thu khẩn trương như dự án nhà ở Đầm Trung (quận Ngô Quyền); các trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại khu vực nông trường Thành Tô trước đây (quận Hải An); tính toán lại các trường hợp giao đất đã lâu nhưng chưa thu tiền sử dụng đất hoặc thu chưa đúng. Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng rà soát lại quỹ nhà thuộc sở hữu của thành phố, chấm dứt hợp đồng với các trường hợp cho thuê và chọn một số nhà có đủ điều kiện đưa ra đấu giá, thu tiền vào ngân sách…
Như vậy, nhiệm vụ thu của 2 tháng cuối năm rất nặng nề nhưng dư địa thu còn. Vì thế, ngành Thuế cần tiếp tục có các giải pháp đột phá, sáng tạo với sự quyết tâm, quyết liệt cao, không để thất thu, thất thoát và huy động hết các nguồn thu phát sinh vào ngân sách, hướng tới mục tiêu thu 24.750 tỷ đồng chứ không chỉ là 24.365 tỷ đồng như đã tính toán.
Hồng Thanh – An ninh Hải Phòng 21/11/2018