Print Thứ ba, 22/10/2024 19:25 Gốc

Sở Tài nguyên và Môi trường vừa có hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thống nhất, phù hợp với địa bàn nông thôn và thành thị, đồng thời đưa ra các tiêu chí lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu. Đây là nhiệm vụ UBND thành phố đặt ra đối với Sở Tài nguyên và Môi trường nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Mỗi địa phương một cách làm

Tháng 6/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường có cuộc khảo sát công tác quản lý chất thải sinh hoạt tại các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo và An Lão. Qua kiểm tra cho thấy công tác quản lý, vận hành không có sự thống nhất giữa các huyện và các xã trong cùng huyện; cách tính và tổ chức thu phí vệ sinh không theo quy định chung.

Theo Quyết định số 14/2018/QĐ-UBND ngày 6/6/2018 của UBND thành phố, mức giá thu gom khu vực ngoại thành là 20.000 đồng/hộ/tháng; mức giá vận chuyển 10.000 đồng/hộ/tháng. Hiện nay, có xã thu theo khẩu với mức thu từ 7 đến 10 nghìn đồng/khẩu, có xã thu theo hộ 20-40 nghìn đồng/hộ. Có xã giao tổ dịch vụ hoặc doanh nghiệp thu gom theo mô hình tự thu tự chi; có xã do địa phương tổ chức việc thu và quản lý phí vệ sinh. Từ đầu năm 2022, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường mới, việc quản lý rác thải nông thôn thống nhất về đầu mối quản lý là Sở Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, ở các huyện vẫn tiếp tục vận hành theo cơ chế cũ. Lượng rác thải khu vực ngoại thành ngày càng gia tăng, nhưng với sự hạn chế từ quản lý, kỹ thuật, công nghệ đến nguồn lực tài chính, dẫn đến nguy cơ phát sinh những điểm nóng chung quanh vấn đề thu gom, xử lý rác nông thôn.

Hoạt động thu gom rác tại xã Trường Thọ (huyện An Lão). Ảnh: TRUNG KIÊN.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, khu vực ngoại thành phát sinh 950 tấn rác thải sinh hoạt/ngày. Chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được UBND huyện giao UBND các xã tổ chức quản lý các mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý. Việc xử lý rác khu vực ngoại thành chủ yếu chôn lấp tại bãi tạm. Đến thời điểm này, còn 92 bãi đang hoạt động. Hầu hết bãi rác tạm được hình thành tự phát, không được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đứng quy định; không có hệ thống thu gom hay vải địa ngăn sự rò rỉ nước của chất thải.

Trước thực tế nêu trên, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Bảo Nguyễn Thị Ngọc Diệp kiến nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, hỗ trợ huyện trong tiếp cận các mô hình, đơn vị dịch vụ thực hiện thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sau phân loại, tiếp cận các nguồn hỗ trợ của thành phố.

Lựa chọn phương án quản lý và đầu tư hợp lý

Với trách nhiệm đơn vị quản lý chất thải rắn nói chung, trong đó có chất thải sinh hoạt nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát, trên cơ sở đó tham mưu với thành phố hướng giải quyết phù hợp. Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Thuấn, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020, để bảo đảm sự vận hành quản lý đồng bộ chất thải rắn khu vực ngoại thành, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 27/NQHĐND ngày 20/7/2022 về nhiệm vụ, giải pháp tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện Nghị quyết 27, UBND thành phố có Kế hoạch số 260/KHUBND ngày 21/11/2022. Tại văn bản này, quan điểm của thành phố đến năm 2050 sẽ đóng cửa 100% bãi rác tạm; đầu tư 27 bãi rác tạm thành bãi rác hợp vệ sinh. 1 bãi rác tiếp nhận, xử lý lượng rác của từ 2-3 xã chung quanh và ứng dụng công nghệ đốt rác phát điện để xử lý chất thải rắn sinh hoạt toàn thành phố.

Cùng với đó, để bảo đảm vận hành quản lý thống nhất trong thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt, ngày 20/3/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 1186/STNMT-QLCTR đề nghị UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan tham gia ý kiến vào đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường phục vụ xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang tổng hợp tham mưu thuê đơn vị tư vấn lập đề cương, dự toán “Định mức, đơn giá công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố“, làm cơ sở định giá tối đa áp dụng đối với chủ đầu tư, cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; định giá cụ thể đối với cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, hộ gia đình, cá nhân. Khi quy định này chính thức thông qua, bảo đảm thống nhất trong quản lý rác ở khu vực thành thị và khu vực ngoại thành.

Bài: HUY VŨ

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thu gom, xử lý rác thải khu vực nông thôn: Bảo đảm sự thống nhất trong quản lý, vận hành
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác