Print Thứ hai, 17/07/2023 06:10 Gốc

Lợi dụng sự hoang mang của nạn nhân sau khi bị lừa đảo, các đối tượng giả danh chuyên gia an ninh mạng, luật sư… tiếp cận, hứa hẹn sẽ lấy lại tiền bị chiếm đoạt trước đó.

Hai lần sập bẫy của tội phạm công nghệ cao

Hôm đầu tháng 7, chị H (ở Hà Nội) tới Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội trình báo việc trước đó chị có làm cộng tác viên online trên mạng để hưởng hoa hồng nhưng bị lừa đảo chiếm đoạt 100 triệu đồng.

Sau đó, chị có liên hệ với một tài khoản Facebook giới thiệu là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để giúp lấy lại tiền bị lừa đảo qua mạng.

Chị được hướng dẫn thu hồi tiền bằng cách truy cập vào đường link của một trang web chơi cờ bạc online và an ninh mạng sẽ hack vào 2 khung giờ, đảm bảo đóng tiền đặt lệnh sẽ thu được lãi.

Sau một vài lần thực hiện thành công, các đối tượng thông báo chị phải nạp thêm nhiều tiền hơn. Thấy chị H đã mắc bẫy và chuyển 300 triệu đồng, các đối tượng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về.

Cùng hai lần bị tội phạm công nghệ cao lừa đảo là trường hợp của anh N.V.L (Bắc Ninh). Trước đó, anh L bị các đối tượng giả mạo tuyển dụng Shopee lừa mất 300 triệu đồng.

Sau đó, anh có đăng bài trên một nhóm Cảnh báo lừa đảo trên mạng xã hội và được giới thiệu đến một “chuyên gia” làm ở Ngân hàng Nhà nước. Truy cập vào trang của “chuyên gia” này, anh L thấy có nhiều thông tin về các vụ thu hồi lại tiền bị lừa đã giải quyết thành công.

Liên hệ với “chuyên gia” này, anh L được yêu cầu phải chuyển 2 triệu đồng và thanh toán 5% số tiền “sẽ lấy được” (tương đương 15 triệu). Trình bày không còn tiền, anh được “chuyên gia” nói đi vay mượn. Nghi ngờ, anh L tìm hiểu và biết đó là thủ đoạn lừa đảo.

Tin nhắn của “chuyên gia” giả hướng dẫn nạn nhân bị lừa đảo. Ảnh chụp màn hình.

Nhận diện thủ đoạn lừa đảo giả mạo chuyên gia

Hôm 17.6, Công an TP Hà Nội thông tin, hiện nay, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện các tài khoản giả danh luật sư đăng bài về việc hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa đảo. Nhiều người bị lừa đảo thay vì đến cơ quan công an trình báo sự việc đã liên hệ các tài khoản này với mong muốn thu hồi được tiền và tiếp tục sập bẫy tội phạm.

Qua thực tế điều tra, cơ quan chức năng đã vạch trần thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao này.

Cụ thể, tại những hội nhóm này, khi thấy có nạn nhân vừa bị lừa đảo đăng bài hoặc bình luận kể câu chuyện của mình, các đối tượng đã chủ động inbox để dụ dỗ họ kết nối với các fanpage hoặc một chuyên gia giả danh để được giúp đỡ.

Chúng dùng các phần mềm spam bình luận, tin nhắn để đưa thông tin của các “chuyên gia” đến nhiều hội nhóm mà có đối tượng phù hợp. Các đối tượng sau đó sẽ giả vờ kết nối với bên an ninh mạng, thông báo với nạn nhân số tiền bị lừa đã được chuyển qua hình thức cá cược đặt lệnh trực tuyến với mục đích rửa tiền.

Để thu hồi số tiền đã mất, chúng yêu cầu nạn nhân đóng tiền để tham gia vào trò cá cược đặt lệnh. Trong quá trình tham gia, sẽ có đội điều tra công nghệ cao hỗ trợ thay đổi tỉ lệ lệnh để thắng cá cược và thu hồi được tiền bị lừa về. Khi thấy con mồi đã mắc bẫy, nạp tiền vào, chúng dùng mọi cách để cắt đứt liên lạc với nạn nhân.

Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin truyền thông, các vụ lừa đảo trên internet khó lấy lại tiền đã mất. Người dân cần tự trang bị kiến thức cần thiết, nên tham khảo các bài viết cảnh báo của cơ quan chức năng.

Quang Việt

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thủ đoạn giả mạo chuyên gia lấy tiền của người bị lừa đảo
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác