Đô thị

Thông tin về việc đặt tên 02 đường, 42 phố, 01 công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc tuyên truyền để Nhân dân hiểu sâu sắc hơn về nội dung và ý nghĩa tên các phố và công trình công cộng được đặt tên trên địa bàn thành phố trình Kỳ họp thứ 9 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2022) Hội đồng nhân dân thành phố khóa XVI, Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin trích lược về Đề án đặt tên 02 đường, 42 phố, 01 công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

I. CƠ SỞ LỰA CHỌN ĐẶT TÊN: Theo Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng; Thẩm quyền của HĐND, UBND thành phố và các quy phạm pháp luật có liên quan.

II. ĐẶT TÊN ĐƯỜNG, PHỐ: Đề án đặt tên 02 đường, 42 phố, 01 công trình công cộng trên địa bàn thành phố. Trong đó:

+ 16 tên đường, phố là tên danh nhân. Việc đặt tên danh nhân cho các tuyến đường, phố thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với những đóng góp của danh nhân trong công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc và xây dụng, phát triển đất nước cũng như sự phát triển của nền văn học, nghệ thuật nước ta; phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân và chính quyền địa phương; đảm bảo tiêu chí tại khoản 5, Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ.

+ 16 tên phố là tên ghép từ tên địa danh của địa phương có mối quan hệ đặc biệt. Việc đặt tên ghép từ địa danh của địa phương có mối quan hệ đặc biệt cho các tuyến phố để tri ân, ghi nhớ về nguồn gốc quê hương, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân và chính quyền địa phương; đảm bảo tiêu chí thứ nhất về đặt tên đường, phố được quy định tại khoản 1, Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ.

+ 10 tên phố, 01 tên công trình công cộng là tên địa danh. Việc đặt tên phố, công trình công cộng bằng tên địa danh nhằm lưu giữ tên gọi truyền thống đã gắn bó, quen thuộc với Nhân dân địa phương; dễ nhớ, dễ tìm; phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân và chính quyền địa phương; đảm bảo tiêu chí tại khoản 1, Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ.

+ 02 tên phố là danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội. Việc đặt tên phố bằng danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội để thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân và chính quyền địa phương; đảm bảo tiêu chí thứ hai về đặt tên đường, phố được quy định tại khoản 2, Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ.

1. QUẬN LÊ CHÂN (02 phố)

1.1. Phường Vĩnh Niệm (02 phố)

(1) Phố Khúc Hạo

Điểm đầu: Số 97 phố Khúc Thừa Dụ. Điểm cuối: Số 82/97 phố Khúc Thừa Dụ. Phố dài 480m, rộng 10m, vỉa hè mỗi bên 2m. Dân cư ổn định, mặt đường trải nhựa asphal, có hệ thống điện chiếu sáng, có hệ thống thoát nước.

(2) Khúc Hạo (860-917), ông là con của Khúc Thừa Dụ, hai cha con ông đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa năm 905, giành quyền tự chủ cho nước Việt sau nghìn năm Bắc thuộc và kế vị cha năm 907. Dựa vào sự ủng hộ của nhân dân, Khúc Hạo đã thực hiện một cuộc cải cách về nhiều mặt nhằm xây dụng một quốc gia độc lập, tự chủ, thoát dần khỏi ảnh hưởng và sự khống chế của của các thế lực phương Bắc. Đường lối chung trong chính sách lãnh đạo đất nước của Khúc Hạo thể hệ rõ tinh thần tự chủ đất nước, chống lại bọn quan lại tham ô, cường hào ác bá bóc lột nhân dân; không gây phiền hà, sách nhiễu cho nhân dân; sửa đổi chế độ điền tô, thuế má nặng nề trước đây và xây dụng chính quyền thống nhất từ trung ương đến xã, bãi bỏ bộ máy cai trị cũ của nhà Đường để thành lập bộ máy hành chính mới của đất nước. Tên tuổi và đóng góp của ông đã được ghi chép trong lịch sử (Đại cương Lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 102)

(3) Phố Ngô Kim Húc

Điểm đầu: Số 34 đường Trực Cát. Điểm cuối: Số 34 phố Vĩnh Tiến. Phố dài 480m, rộng 10m, vỉa hè mỗi bên 2m. Dân cư ổn định, mặt đường trải nhựa Asphal, có hệ thống điện chiếu sáng, có hệ thống thoát nước.

(4) Ngô Kim Húc, người làng Hàng Kênh, huyện An Dương, nay thuộc phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, ông đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, khoa thi năm Mậu Tuất (1478), niên hiệu Hồng Đức thứ 9, đời vua Lê Thánh Tông. Sau khi đỗ đạt, ông ra làm quan triều vua Lê Thánh Tông. Tên tuổi ông cùng với các vị tiến sĩ Hải Phòng thời kỳ phong kiến đã được khắc bia và được ghi chép trong cuốn “Những ông Nghè đất Cảng”.

2. QUẬN NGÔ QUYỀN (01 đường, 01 phố)

2.1. Phường Gia Viên (01 đường)

(1) Đường Lê Quang Đạo

Điểm đầu: Số 179 phố Lê Lợi. Điểm cuối: Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Phố dài 1.970m, rộng từ 25m-42,5m, vỉa hè mỗi bên 4,25-5m. Dân cư ổn định, mặt đường trải nhựa asphal, có hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước. Phố đi qua 03 phường trên địa bàn quận Ngô Quyền gồm: Gia Viên, Đông Khê và Đằng Giang.

Lê Quang Đạo tên thật là Nguyễn Đức Nguyện (1921-1999), quê xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông tham gia cách mạng từ năm 1938, được giao giữ nhiều vị trí quan trọng, là Bí thư Trung ương Đảng các khóa IV và V (1976-1986), Đại biểu Quốc hội khóa VIII và IX, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) (1987-1992). Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông là Bí thư Thành ủy Hải Phòng, ông được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác. (Nguồn: Nhân vật lịch sử Hải Phòng, tập 3, NXB Hải Phòng).

2.2. Phường Đông Khê (01 phố)

(1) Phố Hoàng Mậu

Điểm đầu: Thửa 18 lô 3C Lê Hồng Phong. Điểm cuối: Chung cư 9 tầng lô 27 Lê Hồng Phong. Phố dài 769m, rộng 24m, vỉa hè mỗi bên 3m, dân cư đông.

Hoàng Mậu tên thật là Hoàng Diện Củu (1907-1990), ông sinh tại Nam Định, quê gốc tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1929, được giao giữ nhiều vị trí quan trọng, là Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Hải Phòng, Ủy viên Chủ tịch đoàn Tổng Công đoàn, ông được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương độc lập hạng Nhất, và nhiều huân, huy chương cao quý khác. (Nguồn: Nhân vật lịch sử Hải Phòng, tập 2, NXB Hải Phòng).

3. QUẬN KIẾN AN (03 phố)

3.1. Phường Lãm Hà (01 phố)

(1) Phố Tây Hà

Điểm đầu: số 196 đường Trường Chinh. Điểm cuối: Số 150/196 đường Trường Chinh. Phố dài 650m, rộng 5-7m. Dân cư ổn định, mặt đường trải nhựa asphal, có hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước.

Phố nằm ở phía Tây sông Lạch Tray, thuộc phường Lãm Hà, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng. Do vị trí nằm ở phía Tây sông nên nhân dân tại đây từ lâu đã quen gọi phố là phố Tây Hà.

3.2. Phường Nam Sơn (02 phố)

(1) Phố Kha Lâm

Điểm đầu: Số 1 phố Thống Trực. Điểm cuối: Số 154 đường Chiêu Chinh. Phố dài 500m, rộng 6m. Dân cư ổn định, mặt đường trải nhựa asphal, không có hệ thống điện chiếu sáng.

Tuyến phố thuộc làng Kha Lâm trước đây, nay thuộc phường Nam Sơn, quận Kiến An. Người dân làng Kha Lâm có nghề mộc truyền thống đã tồn tại từ hàng trăm năm trước, đến nay, địa phương vẫn duy trì sản xuất và mua bán đồ mộc. Vì vậy nhân dân tại đây từ lâu đã quen gọi tuyến phố là phố Kha Lâm.

(2) Phố Thanh Long

Điểm đầu: Số 172 đường Lệ Tảo. Điểm cuối: Số 242 đường Lệ Tảo (đình Lệ Tảo). Phố dài 500m, rộng 5m. Dân cư sinh sống hai bên, mặt đường trải nhựa asphal, không có hệ thống điện chiếu sáng.

Tuyến phố thuộc địa bàn phường Nam Sơn, quận Kiến An, cạnh tuyến phố có đình Lệ Tảo và chùa Thanh Long. Chùa Thanh Long là những công trình tôn giáo, tín ngưỡng cổ, có từ lâu đời, đã gắn bó với sinh hoạt tín ngưỡng và đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương. Vì vậy, tên gọi Thanh Long đã ăn sâu vào tiềm thức nhân dân địa phương.

4. QUẬN DƯƠNG KINH (31 phố)

4.1. Phường Hưng Đạo (05 phố)

Phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh được thành lập từ cuối năm 2007 trên cơ sở xã Hung Đạo, huyện Kiến Thụy nên các tuyến đường, phố tại đây vẫn còn mang đậm các đặc điểm của làng xóm xưa đang trong quá trình đô thị hóa. Hầu hết các tuyến phố có chiều dài ngắn và chiều rộng không lớn, cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ, đồng bộ. Vì vậy, các tên đặt tại đây được lựa chọn từ tên những danh nhân có tầm vóc tương xứng với quy mô tuyến phố trên nguyên tắc ưu tiên tên những người con của vùng đất Dương Kinh, Kiến Thụy đỗ đạt, có nhiều cống hiến cho đất nước và đã được ghi danh vào sử sách.

(1) Phố Hoàng Thuyên

Điểm đầu: Số 112 phố Vọng Hải. Điểm cuối: Số 54/112 phố Vọng Hải. Phố dài 500m, rộng 6m. Dân cư sinh sống hai bên, mặt đường trải nhựa asphal, có hệ thống điện chiếu sáng.

Hoàng Thuyên người làng Lê Xá, huyện Nghi Dương, nay là thôn Lê Xá, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Năm 38 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân tại khoa thi năm Mậu Tuất (1538), niên hiệu Đại Chính thứ 9 đời vua Mạc Thái Tông. Sau khi đỗ đạt, ông ra làm quan và giữ đến chức Tham chính và Hữu thị lang Bộ Công, ông được ghi danh ở bia tại Văn miếu Xuân La, huyện Kiến Thụy, được các triều vua phong kiến ban sắc phong. Tên tuổi của ông được ghi chép lại trong cuốn “Những ông Nghè đất Cảng“.

(2) Phố Trần Quốc Thi

Điểm đầu: Số 36 phố Vọng Hải. Điểm cuối: Đình Vọng Hải. Phố dài 350m, rộng 5m. Một bên có dân cư sinh sống, một bên là vườn, mặt đường trải nhựa asphal, có hệ thống điện chiếu sáng.

Trần Quốc Thi là tôn thất nhà Trần, ông được phong tước Văn Định Vương, là người có đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên, thế kỷ XIII, được vua Trần phong ấp ở Đại Trà, Phong Cầu, Đức Phong, Lạng Côn nay thuộc xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy và phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh. Sau khi ông mất, nhân dân tại đây tôn ông làm Thành hoàng làng, thờ tại đình Đại Trà, xã Đông Phương. Công trạng và đóng góp của ông với đất nước được ghi lại tại sắc phong của nhiều triều vua và được lưu giữ tại đình Đại Trà, xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy và đình Tây Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.

(3) Phố Dã Tượng

Điểm đầu: Số nhà 17 Tổ dân phố số 7 phường Hưng Đạo. Điểm cuối: Số nhà 15 phố Phương Lung. Phố dài 600m, rộng 4,5m, mặt đường trải nhựa asphal, chưa có hệ thông điện chiếu sáng.

Dã Tượng là một gia tướng trung thành của Trần Hưng Đạo. Ông có biệt tài thuần hóa tượng (voi) rừng và chỉ huy đội tượng binh, nên được Trần Hưng Đạo đặt tên là Dã Tượng. Khi quân Nguyên tấn công các ải Nội Bàng, Chi Lăng, quân ta bại trận, thủy quân tan rã, Trần Hưng Đạo định rút theo đường núi, Dã Tượng lo ngại đường núi có phục binh nên khuyên Trần Hưng Đạo rút theo đường thủy, vì vậy mà Trần Hưng Đạo không bị sa vào tay giặc, ông cũng là người khuyên Trần Hưng Đạo nên đặt lợi ích dân tộc lên trên thù riêng. Ngoài việc thuần hóa voi rừng, Dã Tượng còn có tài xông pha trận mạc nên được vua Trần Nhân Tông phong là Tiết Chế Binh Nhung. Tên ông đã được thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh sử dụng để đặt tên đường, phố.

(4) Phố Lưu Trọng Lư

Điểm đầu: Số 69 phố Phúc Lộc. Điểm cuối: Số 170/69 phố Phúc Lộc. Phố dài 600m, rộng 4,5m, mặt đường trải nhựa asphal, chưa có hệ thống điện chiếu sáng.

Lưu Trọng Lư (1911-1991), quê xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông là một trong những nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới, là Tổng Thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (1940), được Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”. Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Tiếng thu, Tỏa sáng đôi bờ, Người con gái Sông Gianh, Cung đàn mùa Xuân… Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000.

(5) Phố Nguyễn Bính

Điểm đầu: Số 645 đường Mạc Đăng Doanh. Điểm cuối: Đường 361. Phố dài 900m, rộng 4,5m, mặt đường trải nhựa asphal, chưa có hệ thống điện chiếu sáng.

Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính (1918-1966), quê huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945 và là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới. Ông sáng tác nhiều thể loại văn học với 14 tập thơ, 10 vở kịch thơ, 4 truyện thơ, tiểu thuyết, bút ký, truyện ngắn… Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000.

4.2. Phường Anh Dũng (02 phố)

(1) Phố Nguyễn Nhân Khiêm

Điểm đầu: Số 75 phố Hợp Hòa. Điểm cuối: Số 100/144 đường Mạc Đăng Doanh. Phố dài 400m, rộng 4,5m, mặt đường trải nhựa asphal, có hệ thống điện chiếu sáng.

Nguyễn Nhân Khiêm người làng Lê Xá nay là thôn Lê Xá, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Ông đỗ Đệ Tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân (là một danh hiệu học vị trong hệ thống thi cử Nho học thời phong kiến) vào năm 29 tuổi tại khoa thi năm Kỷ Sửu (1469), niên hiệu Quang Thuận thứ 10, đời vua Lê Thánh Tông. Sau khi đỗ tiến sĩ, ông ra làm quan, sau thăng tới chức Đô cấp sự trung Bộ Công. Tên tuổi và công trạng của ông được ghi tại bia Văn Miếu Xuân La, huyện Kiến Thụy và cuốn “Những ông Nghè đất Cảng“.

(2) Phố Phú Hải

Điểm đầu: Số 59 đường Phạm Văn Đồng. Điểm cuối: Số 150 đường Mạc Quyết. Phố dài 250m, rộng 4,5m, mặt đường trải nhựa asphal, có hệ thống điện chiếu sáng, dân cư đông đúc.

Phú Hải là tên địa danh có từ khi hình thành làng Phú Hải nay là tổ dân phố Phú Hải, phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh. Tuyến phố đề nghị đặt tên đi qua tổ dân phố Phú Hải. Vì vậy, từ lâu nhân dân địa phương đã quen gọi là phố Phú Hải.

4.3. Phường Hải Thành (12 phố)

Khu vực phường Hải Thành trước đây là vùng đất bồi, nhiều lau sậy, sú vẹt ven cửa sông Lạch Tray đổ ra biển Đồ Son. Năm 1977, thành phố tổ chức đưa dân từ các địa phương của huyện Kiến Thụy, Vĩnh Bảo… đến đây khai hoang, phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, năm 1983, xã Hải Thành được thành lập. Cuối năm 2007, đổi thành phường Hải Thành. Do hình thành muộn nên đặc điểm các tuyến đường, phố tại đây ngắn, được quy hoạch theo ô bàn cờ. Đây là vùng đất mới nên tại đây cũng không có tên địa danh cổ, di tích lịch sử-văn hoá tiêu biểu và danh nhân có nhiều công lao đóng góp, cống hiến cho địa phương, đất nước. Vì vậy, tên đặt cho các tuyến phố tại đây được ghép từ tên những địa phương là quê hương trước đây của Nhân dân đến Hải Thành khai hoang, xây dựng kinh tế mới với mong muốn tri ân và ghi nhớ về nguồn gốc quê hương cũ cũng như kết nối quê cũ trên quê hương mới Hải Thành.

(1) Phố Hải Lâm

Điểm đầu: Số nhà 379 đường Phạm Văn Đồng. Điểm cuối: Đê biển. Phố dài 450m, rộng 5m; dân cư đông, chưa có hệ thống chiếu sáng.

Phường Hải Thành vốn là vùng đất bồi ven sông Lạch Tray, từ năm 1977, thành phố tổ chức đưa dân các xã của huyện An Thụy ra khai hoang, lập khu kinh tế mới. Trên cơ sở đó, năm 1983, thành lập 2 xã Hải Thành và Tân Thành (từ cuối năm 2007 là phường thuộc quận Dương Kinh). Đây là tuyến phố có nhiều bà con đến từ vùng đất Quế Lâm, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy cùng nhau chung tay xây dựng và phát triển kinh tế địa phương khi phường Hải Thành được thành lập vào năm 1983. Hải Lâm là tên ghép của chữ cái đầu tên phường Hải Thành và tên thôn Quế Lâm, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy. Đặt tên phố Hải Lâm để tri ân, ghi nhớ về nguồn gốc quê hương, thể hiện sự gắn kết tại quê hương mới.

(2) Phố Hải Phưong

Điểm đầu: Số nhà 389B đường Phạm Văn Đồng. Điểm cuối: Mương chống mặn. Phố dài 360m, rộng 6m. Dân cư đông, chưa có hệ thống chiếu sáng.

Hải Phương là tên ghép của chữ cái đầu của tên phường Hải Thành và tên thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy. Vì nhân dân sinh sống tại khu vực này phần lớn là bà con đến từ vùng đất Trà Phương, huyện Kiến Thụy. Trong nhũng năm 1983, khi phường Hải Thành được thành lập, hưởng ứng phong trào khai hoang, xây dựng vùng kinh tế ven sông Lạch Tray của thành phố, nhiều bà con thôn Trà Phương đã tới mảnh đất Hải Thành, cùng nhau chung tay xây dựng, làm kinh tế mới, đưa phường Hải Thành ngày càng phát triển. Đặt tên phố Hải Phương để tri ân, ghi nhớ về nguồn gốc quê hương, thể hiện sự gắn kết tại quê hương mới.

(3) Phố Hải Long

Điểm đầu: Số nhà 421 đường Phạm Văn Đồng. Điểm cuối: Mương chống mặn. Phố dài 390m, rộng 6m. Dân cư đông, chưa có hệ thống chiếu sáng.

Hải Long là tên ghép của chữ cái đầu của tên phường Hải Thành và tên thôn Vĩnh Long, xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo. Vì nhân dân sinh sống tại khu vực này phần lớn là bà con đến từ thôn Vĩnh Long, xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo. Trong nhũng năm 1983, khi phường Hải Thành được thành lập, hưởng ứng phong trào khai hoang, xây dựng vùng kinh tế ven sông Lạch Tray của thành phố, nhiều bà con thôn Vĩnh Long đã đến mảnh đất Hải Thành, cùng nhau xây dựng, phát triển kinh tế, đưa Hải Thành ngày càng giàu mạnh, đổi mới. Đặt tên phố Hải Long để tri ân, ghi nhớ về nguồn gốc quê hương, thể hiện sự gắn kết tại quê hương mới.

(4) Phố Hải Kỳ

Điểm đầu: Số nhà 36 phố Hải Lâm. Điểm cuối: Số 31 phố Hải Hòa. Phố dài 430m, rộng 5,5m, vỉa hè mỗi bên 1,5m. Dân cư đông, chạy qua Trường Tiểu học, Trường Mầm non, Nhà văn hóa, có hệ thống chiếu sáng, thoát nước, có vỉa hè, phù hợp quy hoạch.

Hải Kỳ là tên ghép của chữ cái đầu của tên phường Hải Thành và tên của thôn Kỳ Sơn, xã Tân Trào, Kiến Thụy. Nhân dân tại khu vực này phần lớn là bà con đến từ vùng đất Kỳ Sơn, huyện Kiến Thụy. Bà con đã cùng nhau tham gia khai hoang, xây dựng và phát triển kinh tế theo chủ trương của thành phố khi phường Hải Thành được thành lập vào năm 1983. Đặt tên phố Hải Kỳ để tri ân, ghi nhớ về nguồn gốc quê hương, thể hiện sự gắn kết tại quê hương mới.

(5) Phố Hải Tiến

Điểm đầu: Số nhà 74 phố Hải Lâm. Điểm cuối: Số 69 phố Hải Hòa. Phố dài 450m, rộng 5,5m. Dân cư đông, có hệ thống chiếu sáng, thoát nước, có vỉa hè.

Đây là tuyến phố thuộc Tổ dân phố 1A, 1B, 1C phường Hải Thành, được quy hoạch theo hình ô bàn cờ, giúp thuận tiện cho giao thông, sinh hoạt và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đây là tuyến phố có nhiều bà con đến từ vùng đất xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo hưởng ứng phong trào khai hoang, xây dựng vùng kinh tế ven sông Lạch Tray của thành phố đã tới Hải Thành từ những năm 1983, khi phường được thành lập và cùng nhau chung tay xây dựng và phát triển phường Hải Thành ngày một giàu mạnh. Hải Tiến là tên ghép giữa tên phường Hải Thành và tên xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo. Đặt tên phố Hải Tiến để tri ân, ghi nhớ về nguồn gốc quê hương, thể hiện sự gắn kết tại quê hương mới.

(6) Phố Hải Hòa

Điểm đầu: Số nhà 485 đường Phạm Văn Đồng. Điểm cuối: Mương chống mặn. Phố dài 430m, rộng 5,5m, vỉa hè mỗi bên 1m. Dân cư đông, đi qua chợ Hải Thành 1, chưa có hệ thống chiếu sáng.

Đây là tuyến phố có nhiều bà con đến từ vùng đất xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, tới phường Hải Thành năm 1983 trong phong trào khai hoang, lấn biển, phát triển vùng kinh tế mới của thành phố. Mọi người đã cùng nhau chung tay xây dựng phường Hải Thành trở nên giàu đẹp, văn minh. Hải Hòa là tên ghép giữa từ Hải là tên phường và Hòa là tên Xã An Hòa, Vĩnh Bảo. Đặt tên phố Hải Hòa để tri ân, ghi nhớ về nguồn gốc quê hương, thể hiện sự gắn kết tại quê hương mới.

(7) Phố Hải Vĩnh

Điểm đầu: Số nhà 775 đường Phạm Văn Đồng. Điểm cuối: Mương chống mặn. Phố dài 380m, rộng 6m. Dân cư đông, chưa có hệ thống chiếu sáng.

Đây là tuyến phố có nhiều bà con di dân từ một số xã thuộc huyện Vĩnh Bảo ra khai hoang, lấn biển, lập nghiệp và cùng nhau chung tay xây dựng và phát triển phường Hải Thành khi phường được thành lập vào năm 1983. Tên Hải Vĩnh ghép giữa từ Hải là tên phường và từ Vĩnh tên huyện Vĩnh Bảo. Đặt tên phố Hải Vĩnh để tri ân, ghi nhớ về nguồn gốc quê hương, thể hiện sự gắn kết tại quê hương mới.

(8) Phố Hải Thụy

Điểm đầu: Số nhà 823 đường Phạm Văn Đồng. Điểm cuối: Mương chống mặn. Phố dài 390m, rộng 6m, vỉa hè mỗi bên 1m. Dân cư đông, chưa có hệ thống chiếu sáng, phù hợp quy hoạch.

Đây là tuyến phố có nhiều bà con di dân từ mộ số xã thuộc huyện Kiến Thụy ra vùng đất Hải Thành khai hoang, lấn biển, lập nghiệp sau khi phường Hải Thành được thành lập vào năm 1983. Hải Thụy là tên ghép hai chữ cái từ tên gọi phường Hải Thành và huyện Kiến Thụy. Đặt tên phố Hải Thụy để tri ân, ghi nhớ về nguồn gốc quê hương, thể hiện sự gắn kết tại quê hương mới.

(9) Phố Trung Hiếu

Điểm đầu: Số nhà 859 đường Phạm Văn Đồng. Điểm cuối: Mương chống mặn. Phố dài 390m, rộng 6m, vỉa hè mỗi bên 1m. Dân cư đông, chưa có hệ thống chiếu sáng.

Trung hiếu là cụm từ có ý nghĩa về văn hóa-xã hội. Trung với Nước, hiếu với dân là phẩm chất quan trọng nhất trong chuẩn mực chung của đạo đức cách mạng Việt Nam. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trung với Nước là sự trung thành với sự nghiệp dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước của nhân dân. Nước ở đây là nước của dân, còn dân là người làm chủ, chủ nhân của đất nước, “bao nhiêu quyền hạn đều của dân“, “bao nhiêu lợi ích đều vì dân“. Hiếu với dân không chỉ dừng lại ở chỗ thương dân mà còn là gần dân, dựa hẳn vào dân, lấy dân làm gốc. “Trung với nước, hiếu với dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội…” là chuẩn mực đạo đức bao trùm của con người Việt Nam, là định hướng chính trị-đạo đức lớn nhất cho mỗi người, là khát vọng vươn lên tự hoàn thiện mình của tất cả nhân dân Việt Nam theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh.

(10) Phố Nghĩa Thành

Điểm đầu: Số nhà 879 đường Phạm Văn Đồng. Điểm cuối: Mương chống mặn. Phố dài 410m, rộng 6m, vỉa hè mỗi bên 1m; dân cư đông, có hệ thống chiếu sáng, thoát nước.

Đây là tuyến phố có nhiều người dân từ xã Hòa Nghĩa, huyện Kiến Thụy tới mảnh đất Hải Thành tham gia khai hoang, lấn biển, lập nghiệp sau khi phường Hải Thành được thành lập vào năm 1983. Nghĩa Thành là tên ghép hai chữ cái từ tên gọi phường Hải Thành và phường Hòa Nghĩa. Đặt tên phố Nghĩa Thành để tri ân, ghi nhớ về nguồn gốc quê hương, thể hiện sự gắn kết tại quê hương mới.

(11) Phố Trung Thành

Điểm đầu: Số nhà 1 Tổ dân phố 2A. Điểm cuối: Số nhà 128 phố Vũ Hộ. Phố dài 650m, rộng 6m; dân cư đông, chưa có hệ thống chiếu sáng.

Đây là tuyến phố có nhiều người dân đến từ các địa phương khác nhau tham gia phong trào khai hoang, lấn biển, cùng nhau chung tay xây dựng và phát triển kinh tế phường Hải Thành khi phường được thành lập vào năm 1983. Trung Thành nghĩa là trước sau một lòng một dạ, giữ trọng niềm tin, giữ trọn tình cảm gắn bó với những điều đã cam kết. Đặt tên phố Trung Thành để nói lên tình cảm, niềm tin vào sự đoàn kết, gắn bó của nhân dân Hải Thành từ những ngày khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới.

(12) Phố Hải Châu

Điểm đầu: Ngã 3 Tổ dân phố 2A. Điểm cuối: Số nhà 115 phố Vũ Hộ. Phố dài 650m, rộng 6m. Dân cư đông, chưa có hệ thống chiếu sáng.

Khu vực tuyến phố chạy qua có chùa Hải Châu. Đây là địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trên địa bàn phường Hải Thành. Nhân dân tại đây từ lâu đã quen gọi tuyến phố là phố Hải Châu. Đặt tên phố Hải Châu để tri ân, ghi nhớ về nguồn gốc quê hương, thể hiện sự gắn kết tại quê hương mới.

4.4. Phường Tân Thành (11 phố)

Khu vực phường Tân Thành trước đây là vùng đất bồi, nhiều lau sậy, sú vẹt ven cửa sông Lạch Tray đổ ra biển Đồ Sơn. Năm 1977, thành phố tổ chức đưa dân từ các xã của huyện Kiến Thụy, Vĩnh Bảo… đến khai hoang, lấn biển. Trên cơ sở đó, năm 1983, xã Tân Thành được thành lập, cuối năm 2007 đổi thành phường Tân Thành. Do vậy, đặc điểm các tuyến phố tại đây ngắn, chia theo ô bàn cờ. Do là vùng đất mới nên tại đây ít tên địa danh cổ, không có di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu và danh nhân có nhiều công lao đóng góp, cống hiến cho địa phương, đất nước. Vì vậy, tên đặt cho các tuyến phố tại đây được lựa chọn chủ yếu là ghép từ tên những địa phương là quê hương của nhân dân đến Tân Thành khai hoang, xây dựng kinh tế mới với mong muốn tri ân và ghi nhớ về nguồn gốc quê hương hoặc từ tên những địa danh mà nhân dân đã quen gọi.

(1) Phố Chân Kim

Điểm đầu: Số nhà 67 phố Tân Thành. Điểm cuối: Số nhà 68/67 phố Tân Thành. Phố dài 360m, rộng 6m, mặt đường trải nhựa asphal, có hệ thống điện chiếu sáng, 1 bên dân cư sinh sống, 1 bên là mương nước.

Địa điểm này là một dải đất ven đê cổ được gọi là đê Chân Kim, một loại đê biển lớn được đắp vào năm 1526, kéo dài từ chùa Đại Minh (xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy) đến Quý Kim (xã Hợp Đức, Đồ Sơn nay thuộc phường Tân Thành, Dương Kinh). Đê Chân Kim đã được ghi chép tại Sách Đại Nam nhất thống chí, do Quốc sử quán triều Nguyễn, cuối thế kỷ XIX soạn xếp đê này vào mục cổ tích của xứ Đông: Năm Thống Nguyên thứ 8 (1526), hạ lệnh cho dân phủ Hạ Hồng, Thượng Hồng, Kinh Môn, Nam Sách, Thái Bình đắp đê Chân Kim…

(2) Phố Tân Đức

Điểm đầu: Số nhà 68/67 phố Tân Thành. Điểm cuối: Tiếp giáp mương nuôi trồng thủy sản. Phố dài 600m, rộng 5m. Mặt phố trải nhựa asphal, chưa có hệ thống chiếu sáng, một bên là cánh đồng, 1 bên dân cư sinh sống.

Phường Tân Thành vốn là vùng đất bồi ven sông Lạch Tray. Từ năm 1977, thành phố tổ chức đưa dân ra khai hoang, lấn biển, xây dựng khu kinh tế mới. Trên cơ sở đó, năm 1983, thành lập 2 xã Hải Thành và Tân Thành, từ cuối năm 2007 là phường Hải Thành, Tân Thành thuộc quận Dương Kinh. Năm 1982, theo chủ trương di dân xây dựng vùng kinh tế mới của thành phố, nhân dân phường Hợp Đức tới mảnh đất Tân Thành, tham gia khai hoang, lấn biển, xây dựng vùng kinh tế mới. Tân Đức là tên ghép từ tên của phường Tân Thành và phường Hợp Đức. Đặt tên phố Tân Đức để tri ân, ghi nhớ về nguồn gốc quê hương, thể hiện sự gắn kết tại quê hương mới.

(3) Phố Thành Đức

Điểm đầu: Số nhà 81 phố Tân Thành. Điểm cuối: Tiếp giáp phố Tân Đức. Phố dài 360m, rộng 6,0m, vỉa hè mỗi bên 1,5m. Mặt đường trải nhựa asphal, dân cư đông, có hệ thống chiếu sáng, thoát nước.

Năm 1982, theo chủ trương di dân, khai hoang, lấn biển, xây dựng vùng kinh tế mới của thành phố, nhân dân xã Hợp Đức, huyện Kiến Thụy đã tham gia xây dựng vùng kinh tế mới Tân Thành. Thành Đức là từ ghép của 02 địa danh là phường Tân Thành và phường Hợp Đức. Đặt tên phố Thành Đức để tri ân, ghi nhớ về nguồn gốc quê hương, thể hiện sự gắn kết tại quê hương mới.

(4) Phố Tân Minh

Điểm đầu: Số nhà 113 phố Tân Thành. Điểm cuối: Tiếp giáp tuyến phố Tân Đức. Phố dài 360m, rộng 6,0m, vỉa hè mỗi bên 2,0m. Mặt đường trải nhựa asphal, dân cư đông, có hệ thống chiếu sáng, thoát nước.

Năm 1982 theo chủ trương di dân xây dựng vùng kinh tế mới của thành phố, nhân dân xã Minh Đức, huyện Kiến Thụy nay là phường Minh Đức, quận Đồ Sơn đã tham gia xây dựng vùng kinh tế mới Tân Thành. Tân Minh là tên ghép từ tên phường Tân Thành và phường Minh Đức. Đặt tên phố Tân Minh để tri ân, ghi nhớ về nguồn gốc quê hương, thể hiện sự gắn kết tại quê hương mới.

(5) Phố Tân Hà

Điểm đầu: Số nhà 131 phố Tân Thành. Điểm cuối: Phố Tân Đức. Phố dài 360m, rộng 6,0m, vỉa hè mỗi bên 2,0m. Mặt đường trải nhựa asphal, dân cư đông, có hệ thống chiếu sáng, thoát nước.

Năm 1982, theo chủ trương di dân khai hoang, lấn biển, xây dựng vùng kinh tế mới của thành phố, nhân dân xã Đại Hà (thuộc Kiến Thụy) đã tham gia xây dựng vùng kinh tế mới Tân Thành. Tân Hà là tên ghép từ tên phường Tân Thành và xã Đại Hà. Đặt tên phố Tân Hà để tri ân, ghi nhớ về nguồn gốc quê hương, thể hiện sự gắn kết tại quê hương mới.

(6) Phố Tân Ngọc

Điểm đầu: Số 183 phố Tân Thành. Điểm cuối: Tiếp giáp phố Tân Đức. Phố dài 360m, rộng 6,0m, vỉa hè mỗi bên 2,0m. Mặt đường trải nhựa asphal, dân cư đông, có hệ thống chiếu sáng, thoát nước.

Năm 1977, theo chủ trương di dân, khai hoang, lấn biển, xây dựng vùng kinh tế mới của thành phố, nhân dân thôn Ngọc Liễn, xã Đại Hà (thuộc Kiến Thụy) đã ra xây dựng vùng kinh tế mới Tân Thành. Tân Ngọc là tên ghép từ tên phường Tân Thành và thôn Ngọc Liễn, xã Đại Hà. Đặt tên phố Tân Ngọc để tri ân, ghi nhớ về nguồn gốc quê hưong, thể hiện sự gắn kết tại quê hương mới.

(7) Phố Tân Sơn

Điểm đầu: Số 213 phố Tân Thành. Điểm cuối: Tiếp giáp phố Tân Đức. Phố dài 360m, rộng 6,0m, vỉa hè mỗi bên 1,5m. Mặt đường trải nhựa asphal, dân cư đông, có hệ thống chiếu sáng, thoát nước.

Năm 1982 theo chủ trương di dân xây dựng vùng kinh tế mới của thành phố, nhân dân xã Thanh Sơn (thuộc Kiến Thụy) đã tham gia khai hoang, lấn biển, xây dựng vùng kinh tế mới Tân Thành. Tân Sơn là từ ghép của 02 địa danh phường Tân Thành và xã Thanh Sơn. Đặt tên phố Tân Sơn nhằm tri ân, ghi nhớ về nguồn gốc quê hương, thể hiện sự gắn kết tại quê hương mới.

(8) Phố Tân Hải

Điểm đầu: Số 19 phố Bùi Phổ. Điểm cuối: Số 16/72 phố Tân Thành. Phố dài 180m, rộng 6,0m, vỉa hè mỗi bên 1,5m. Mặt đường trải nhựa asphal, dân cư đông, có hệ thống chiếu sáng.

Trước đây, phường Tân Thành và phường Hải Thành khi mới thành lập, dân cư còn thưa thót. Vì vậy, hai phường xây dựng trường học chung tại các cấp học. Để thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa hai phường, phường Tân Thành đã đặt tên một Tổ dân phố trên địa bàn là Tân Hải. Đây cũng là Tổ dân phố nơi có tuyến phố chạy qua.

(9) Phố Tân Tiến

Điểm đầu: Số 39 phố Bùi Phổ. Điểm cuối: Số 192 phố Vũ Thị Ngọc Toàn. Phố dài 520m, rộng 6,0m. Mặt đường trải nhựa asphal, dân cư đông, không có hệ thống chiếu sáng.

Tân Tiến là tên của một tổ dân phố thuộc phường Tân Thành, đây là tên đặt đã có từ khi thành lập phường Tân Thành và là nơi tuyến phố chạy qua. Vì vậy, nhân dân tại đây từ lâu đã quen gọi tuyến phố là phố Tân Tiến.

(10) Phố Tân Nghĩa

Điểm đầu: Số 17 phố Vũ Thị Ngọc Toàn. Điểm cuối: Số 42/152 phố Hải Thành. Phố dài 200m, rộng 5,0m, vỉa hè mỗi bên 1m. Mặt đường trải nhựa asphal, dân cư đông, có hệ thống chiếu sáng, hệ thống thoát nước.

Năm 1982, theo chủ trương di dân xây dựng vùng kinh tế mới của thành phố, nhân dân xã Hòa Nghĩa, huyện Kiến Thụy đã ra khai hoang, lấn biển, xây dựng vùng kinh tế mới Tân Thành. Tân Nghĩa là tên ghép từ 02 tên phường Tân Thành và tên xã Hòa Nghĩa. Đặt tên phố Tân Nghĩa nhằm tri ân, ghi nhớ về nguồn gốc quê hương, thể hiện sự gắn kết tại quê hương mới.

(11) Phố Tân Lập

Điểm đầu: Số 152 phố Hải Thành. Điểm cuối: Số 221 phố Mạc Phúc Tư. Phố dài 980m, rộng 7,0m, vỉa hè mỗi bên 1,5m. Mặt đường trải nhựa asphal, dân cư đông, có hệ thống chiếu sáng, có hệ thống thoát nước.

Tân Lập là tên một Tổ dân phố của phường Tân Thành. Đây là tên đặt có từ khi phường Tân Thành được thành lập và là nơi có tuyến phố chạy qua. Vì vậy, nhân dân địa phương từ lâu đã quen gọi tuyến phố là Tân Lập.

4.5. Phường Hòa Nghĩa (01 phố)

(1) Phố Xuân Diệu

Điểm đầu: Số nhà 95 đường Tư Thủy. Điểm cuối: Tiếp giáp tổ dân phố Quyết Tiến, phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn. Dài 700m, rộng 5m. Dân cư đông đúc; chưa có hệ thống chiếu sáng, chưa có thoát nước.

Xuân Diệu (1916-1985), tên thật là Ngô Xuân Diệu, quê làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là đại biểu Quốc hội khóa I, là nhà thơ, nhà báo, nhà văn và nhà phê bình văn học nổi tiếng. Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ mới đầu thế kỷ XX và được đánh giá là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới. Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng như tập thơ Thơ thơ, Gửi hương cho gió, Ngôi sao,… Ông được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.

5. QUẬN HẢI AN (01 đường, 05 phố)

5.1. Phường Đằng Hải (05 phố)

(1) Phố Trần Đông

Điểm đầu: Từ ngã 3 trụ sở Công an quận Hải An. Điểm cuối: Lối ra đường Bùi Viện. Phố dài 300m, rộng từ 25m, vỉa hè mỗi bên 3m, mặt phố trải nhựa asphal, dân cư đông đúc, đi qua cổng Bệnh viện đa khoa quận Hải An.

Trần Đông (1925-2013), tên thật là Bùi Thuyên, quê làng Hòe Thị, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, tỉnh Kiến An (nay là huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng). Ông tham gia cách mạng năm 1945, là Thứ trưởng Bộ Nội vụ (1979-1987), Thứ trưởng thứ nhất Bộ Tư pháp (1987-1992), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV, V, VI), Giám đốc Công an Hải Phòng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng (1977-1979). Ông được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Quân công hạng Nhất.

(2) Phố Lê Đức Thịnh

Điểm đầu: Trụ sở Quận ủy Hải An. Điểm cuối: Ngã 3 đường nội bộ Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở. Phố dài 260m, rộng 15m, vỉa hè mỗi bên 5m, mặt phố trải nhựa asphal, có hệ thống điện chiếu sáng.

Lê Đức Thịnh tên thật là Nguyễn Văn Phần (1924-2001), nguyên quán thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ông tham gia cách mạng từ năm 1944. Ông là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Nội thương (1982-1986), Trong quá trình hoạt động, ông giữ chức Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hải Phòng (1966-1976). Ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhất (1994), và được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh (2007). (Nguồn: Nhân vật lịch sử Hải Phòng, tập 3, NXB Hải Phòng).

(3) Phố Trần Văn Giang

Điểm đầu: Tiếp giáp Công ty Bảo đảm Hàng Hải. Điểm cuối: Đường đôi quy hoạch chợ hoa Đằng Hải (số 1 Lô 11 đường Lê Hồng Phong). Phố dài 400m, rộng 15m, vỉa hè mỗi bên 2m, mặt phố trải nhựa asphal, dân cư đông, có hệ thống điện chiếu sáng.

Trần Văn Giang tên thật là Trần Trọng Riệc (1924-2016), quê xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Ông tham gia cách mạng, tham gia lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam từ cuối năm 1944. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng, giữ các chức vụ: Chính ủy Sư đoàn Phòng không Hà Nội; Chính ủy Sư đoàn Phòng không Hải Phòng; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân chủng Hải quân. Ông được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Quân công Hạng Nhất, Hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng Hạng Nhì; Huân chương Quân kỳ Quyết thắng. (Nguồn: Lý lịch cán bộ Trần Văn Giang, Quân đội Nhân dân Việt Nam; Lịch sử Sư đoàn Phòng không 361, NXB Quân đội nhân dân).

(4) Phố Vườn Hồng

Điểm đầu: Số 238 phố Chợ Lũng. Điểm cuối: Số 496 đường Đông Hải. Phố dài 280m, rộng 10m, vỉa hè mỗi bên 1m, mặt phố trải nhựa asphal, có hệ thống điện chiếu sáng, có hệ thống thoát nước.

Trước kia, từ những năm 1954, khu vực có tuyến phố chạy qua là nơi nhân dân địa phương chuyên canh tác về hoa hồng do thổ nhưỡng nơi này phù hợp để hoa hồng phát triển, cho năng suất cao, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân Đằng Hải. Vì vậy, Vườn Hồng là tên gọi quen thuộc của người dân Đằng Hải khi nhắc đến khu vực này.

(5) Phố Nguyễn Thiếp

Điểm đầu: Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Điểm cuối: Khu dân cư Tổ dân phố số 15 phường Đằng Hải. Phố dài 160m, rộng 30m, vỉa hè mỗi bên 2m, mặt phố trải nhựa asphal, dân cư thưa thớt, có hệ thống điện chiếu sáng.

Nguyễn Thiếp (1722-1804), quê ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An. Ông là danh sĩ cuối đời Hậu Lê và Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ gọi ông là La Sơn phu tử hay La Sơn tiên sinh. Ông đỗ thủ khoa kỳ thi Hương ở Nghệ An, đỗ Tam trường thi Hội. Ông được triều đình mời giữ chức Huấn đạo, sau ông từ chức về sống cuộc đời ẩn dật, trong những năm tháng này ông đã dạy nhiều học trò thành đạt, là một trong những nhà giáo được lưu danh trong sử sách Việt. Cuối năm 1788, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc đại phá quân Thanh đã gặp và mời ông hiến kế đánh giặc. Khi vào Huế làm quan triều Tây Sơn, ông dâng kế trị nước lên vua Quang Trung gồm 3 điều: Quản Đức (theo Thánh hiền mà trị nước), Dân Tâm (thu phục được lòng dân), Học Pháp (coi trọng giáo dục). Sau này, vua Quang Trung đã thực hiện theo 3 điều trên và đã làm cho đất nước hưng thịnh. Tên ông đã được thành phố Hà Nội và tỉnh Nghệ An dùng để đặt tên cho đường, phố.

5.2. Phường Đông Hải 2, phường Nam Hải và phường Tràng Cát (01 đường)

(1) Đường Đặng Kinh

Điểm đầu: Nút giao với đường Đình Vũ. Điểm cuối: Nút giao đường vành đai 2. Đường dài 5,5km, rộng 40m, vỉa hè mỗi bên 5m. Đường đi qua 3 phường thuộc quận Hải An là: Đông Hải 2, Nam Hải và Tràng Cát.

Đặng Kinh tên thật là Đặng Văn Rợp (1921-2019), nguyên quán phường Bắc Sơn, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng, ông được phong quân hàm Trung tướng, nguyên là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Xây dựng kinh tế-Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân khu 3, Phó Tư lệnh Quân khu Trị Thiên-Huế, Đại biểu Quốc hội khóa VI, Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Kiến An, Chỉ huy trưởng Thành đội Hải Phòng. Tên tuổi ông gắn liền với trận tập kích sân bay Cát Bi ngày 07/3/1954, phá hủy phần lớn máy bay chiến đấu và vận tải hạng nặng của Pháp, góp phần vào thắng lợi của quân ta trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Ông được Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều danh hiệu cao quý khác.

III. CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG (01 công trình)

Công viên An Dương (huyện An Dương)

Công viên trung tâm huyện An Dương thuộc thị trấn An Dương, huyện An Dương; có diện tích: 34.777m²; phía Đông giáp tỉnh lộ 351, phía Nam và Tây Nam giáp đường ven công viên, phía Bắc giáp quốc lộ 17B và sông Rế. Đây là công trình có quy mô khá lớn, nằm ở trung tâm huyện, là nơi diễn ra các chương trình, sự kiện phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân huyện An Dương.

An Dương là tên địa danh cổ của huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Huyện An Dương được đặt từ năm 1469 đời vua Lê Thánh Tông, thuộc phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương. Thời Nguyễn Minh Mạng đổi thuộc phủ Kiến Thụy, tỉnh Hải Dương. Từ năm 1887, thuộc nha Hải Phòng. Từ năm 1898, huyện thuộc tỉnh Phù Liễn. Thời thuộc Pháp, huyện An Dương bị cắt một phần làm nhượng địa để lập thành phố Hải Phòng. Năm 1966, huyện đổi tên là huyện An Hải sau khi sáp nhập huyện Hải An và huyện An Dương. Năm 2002, huyện An Dương được tái lập với 01 thị trấn và 15 xã. Tên công viên An Dương đã được nhân dân địa phương quen gọi từ lâu.

Nguồn tin: haiphong.gov.vn

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More