Print Thứ Hai, 30/03/2020 09:15 Gốc

Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến 7 giờ ngày 30/3/2020, Hải Phòng không có ca mắc, không có ca tử vong, có 300/300 trường hợp nghi ngờ đã có kết quả âm tính COVID-19. Tiếp tục rà soát phát hiện thêm các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc COVID-19 để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Còn 136 mẫu chờ kết quả. Số cách ly tại cơ sở tập trung là 797 người.

I. Tình hình dịch COVID-19:

–  Thế giới: 720.658 người mắc, 33.926 người tử vong, trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ

– Hoa Kỳ: 141.169 người mắc; 2.458 người tử vong.

– Italy: 97.689 người mắc; 10.779 người tử vong.

– Trung Quốc 81.439 người mắc; 3.300 người tử vong.

– Tây Ban nha: 80.110 người mắc; 6.803 người tử vong.

– Đức: 62.095 người mắc; 533 người tử vong.

–   Việt Nam194 trường hợp mắc COVID-19; Chưa có bệnh nhân tử vong

Đến 7h, ngày 30/3/2020, phát hiện 6 ca nhiễm mới (BN 189 đến BN 194); 24 tỉnh thành có bệnh nhân.

– 16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).

– 09 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến 29/3) được chữa khỏi (giai đoạn 2).

– Hải Phòng: 0 ca mắc; 0 tử vong.

+ Có 300/300 trường hợp nghi ngờ đã có kết quả âm tính COVID-19. Tiếp tục rà soát phát hiện thêm các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc COVID-19 để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Còn 136 mẫu chờ kết quả.

+ Số cách ly tại cơ sở tập trung là 797 người, tại: Cao đẳng Du lịch 155 người; Bệnh viện Việt Tiệp 2: 295 người; Trung tâm GDQP- Đại học Hải Phòng: 151 người; Trung tâm quân sự thành phố (Thủy Nguyên): 47 người; Khách sạn Công đoàn Đồ Sơn 33 người; Khách sạn Sinh viên Đại học QL&CN: 116 người.

+ Số trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú 952 người.

II. Thông tin hoạt động của Chính phủ, các bộ, ngành:

1. Thủ tướng chỉ đạo chống dịch COVID-19 tại 5 thành phố lớn

Sáng 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp và thị sát qua hệ thống trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương khi mà 15 ngày tới được coi là “giờ vàng” quyết định chúng ta thành công hay thất bại trong chống dịch.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng ở điểm cầu truyền hình trụ sở Chính phủ và lãnh đạo các địa phương tại các điểm cầu: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn.

Thủ tướng đề nghị các địa phương làm rõ hơn, góp ý cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về các biện pháp phòng chống dịch để làm sao giải quyết vấn đề sát hơn với thực tiễn, để “chủ trương của Trung ương phải sát cơ sở, sát địa phương, nhất là các thành phố lớn” vì trên thực tế thì các địa phương đóng vai trò chính trong triển khai chống dịch.

Thủ tướng cũng đánh giá cao ngành y tế, các địa phương đã tập trung điều trị cho người bệnh, nhất là các ca bệnh nặng, hiện chưa có người tử vong và yêu cầu xử lý việc thông tin thất thiệt về vấn đề này. Chỉ đạo Bộ Y tế và Bộ Công an cùng phối hợp xử lý bệnh nhân 178, do bệnh nhân này khai báo không trung thực; để răn đe, giáo dục nhiều người khác.

2. Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19.  Mức hỗ trợ tiền ăn là 80.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế. Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cấp không thu tiền: nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế với tổng chi phí là 40.000 đồng/ngày.

Quy định về chi trả chi phí khám, chữa bệnh khác đối với trường hợp đang trong thời gian cách ly y tế tập trung mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị. Cụ thể: Đối với người có thẻ bảo hiểm y tế, Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám, điều trị trong trong phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế như trường hợp đi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Ngân sách nhà nước chi trả phần chi phí đồng chi trả của người bệnh và các chi phí ngoài phạm vi hưởng bảo hiểm y tế. Đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế: Người Việt Nam thì do ngân sách nhà nước chi trả; người nước ngoài tự chi trả chi phí khám, điều trị.

Nghị quyết cũng quy định chế độ phụ cấp chống dịch cho cán bộ y tế, người lao động tham gia phòng, chống dịch:

– Chế độ phụ cấp chống dịch mức 300.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ đối với: Người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch; người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc bệnh dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

– Chế độ phụ cấp chống dịch mức 200.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ đối với: Người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; bảo quản tử thi người bệnh; người giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hóa chất; bảo vệ khu điều trị cách ly; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cán bộ y tế thực hiện giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước.

– Chế độ phụ cấp chống dịch mức 150.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ đối với: Người thực hiện nhiệm vụ (không phải là chuyên môn y tế) tại cơ sở cách ly tập trung; người tham gia cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly nhưng không chấp hành biện pháp cách ly y tế; người phiên dịch, đội cấp cứu 115, kíp vận chuyển người bị cách ly.

– Chế độ đối với người tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ; mức phụ cấp thường trực chống dịch 24/24 giờ là 130.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ; người lao động tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/phiên trực.

Về chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia chống dịch trong thời gian có dịch COVID-19, mức 130.000 đồng/ngày đối với cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp hoặc phối hợp tham gia các hoạt động chống dịch; mức 80.000 đồng/ngày đối với cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân, phát tờ rơi hoặc tham gia diễn tập.

3. Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và những ai đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong khoảng thời gian từ 12 tới 27/3/2020 thực hiện các biện pháp sau đây:

– Gửi tin nhắn thông báo họ tên đầy đủ và địa chỉ nơi ở của mình vào số điện thoại 8889.

– Liên lạc với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tại địa phương để được tư vấn.

– Thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI (ncovi.vn), hoặc khai trực tuyến tại tokhaiyte.vn, thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe để được tư vấn và trợ giúp.

4. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa ký ban hành Chỉ thị số 6/CT-BYT ngày 28/3/2020 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở y tế. Chỉ thị yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế ngành, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ: Thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về công tác phòng chống dịch COVID-19 không chủ quan, lơ là, phải chủ động trong mọi tình huống, quán triệt toàn bộ cán bộ nhân viên, người lao động với tinh thần “chống dịch như chống giặc” theo nguyên tắc phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả.

III. Thông tin hoạt động phòng chống dịch tại Hải Phòng ngày 29/3/2020:

Sáng 29/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp và thị sát qua hệ thống trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh cao thành phố Hải Phòng đã có những biện pháp sáng tạo, đặc biệt đã quan tâm phân công từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách, chỉ đạo trực tiếp công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương; thành lập hơn 2.500 Tổ công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố, nòng cốt là lực lượng vũ trang. HĐND thành phố đã họp bất thường để quyết định các cơ chế chính sách cho công tác phòng chống dịch bệnh. Hải Phòng đã có nhiều hình thức hoạt động phong phú, thường xuyên nắm tình hình hàng ngày, đây là bài học kinh nghiệm để đề ra biện pháp xử lý trên tinh thần “4 tại chỗ”. Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi đến nay, Hải Phòng và Cần Thơ chưa có ca dương tính COVID-19.

Tại cuộc họp trực tuyến, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng được quan sát trực tuyến tổng thể khu cách ly và nghe báo cáo hoạt động tại khu cách ly tập trung của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành cho biết thành phố đang đứng trước nguy cơ rất lớn lây nhiễm dịch bệnh từ các địa phương và người nước ngoài. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành đề nghị Chính phủ xem xét để hạn chế việc lưu thông giữa các địa phương đã có nhiều ca mắc COVID-19 với các địa phương còn lại; chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tạm dừng các hoạt động liên quan đến chuyến bay về sân bay Cát Bi, hạn chế các chuyến tàu hỏa đến thành phố. Có cơ chế chính sách động viên về mặt tinh thần, vật chất cho đội ngũ tham gia vào công tác phòng chống dịch cho đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế, cũng như các lực lượng vũ trang.

2. Tại Hội nghị trực tuyến với các Ban Thường vụ quận ủy, huyện ủy về tình hình triển khai Chỉ thị 26-CT/TU về một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố, chiều 29/3. Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành đã đề nghị UBND thành phố nghiên cứu, xây dựng Đề án hỗ trợ cho các hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ gặp khó khăn do phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19; căn cứ nội dung Đề án có thể sẽ tổ chức kỳ họp bất thường HĐND thành phố để xem xét thông qua.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Thành ủy đánh giá, trong thời gian 3 ngày, hơn 2.500 tổ công tác trên toàn thành phố đã thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả, bài bản, khắc phục một số khó khăn, cho thấy sự quyết tâm, trách nhiệm, quyết liệt của toàn hệ thống chính trị của thành phố.

Từ nay cho đến ngày 7/4 là thời điểm sẽ sơ kết hoạt động của các tổ công tác, các địa phương cần phát huy các ưu điểm, khắc phục các nhược điểm, khó khăn, có sáng tạo trong cách làm để tiếp tục tập trung cao cho công tác phòng chống dịch bệnh. Các Sở, ngành cần có biện pháp giảm thiểu số người đến cơ quan theo chỉ đạo của Chính phủ, thực hiện xử lý, giải quyết công việc trên môi trường mạng điện tử, hạn chế tiếp xúc xã hội, để công tác phòng chống dịch của thành phố đạt hiệu quả cao nhất.

3. Để tất cả các tổ chức, cá nhân nghiêm túc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã có công văn 2282/UBND-NC yêu cầu Công an thành phố, các Sở, ngành, đơn vị và các địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng, thanh tra chuyên ngành tăng cường công tác xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân không áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 với mức tối đa so với quy định; hằng ngày tổng hợp, báo cáo UBND thành phố để chỉ đạo đưa tin trên các phương tiện thông tin truyền thông. Đối với trường hợp cố tình chống đối, không áp dụng các biện pháp quan trọng, Chủ tịch UBND thành phố giao Công an thành phố chỉ đạo xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật về hình sự; giao Sở Tư pháp hướng dẫn Công an thành phố, các Sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân không áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 đảm bảo đúng quy định pháp luật.

4. Sau khi xem xét kết quả hoạt động của các Chốt kiểm soát dịch COVID-19 liên ngành, UBND thành phố đã có Văn bản gửi UBND các quận, huyện, các sở, ngành: Y tế, Giao thông vận tải, Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố yêu cầu tăng cường kiểm soát đối với tất cả các phương tiện và người vào thành phố tại các Chốt Kiểm soát dịch bệnh COVID-19. để đảm bảo 100% các phương tiện ra vào thành phố đều được kiểm soát; 100% người vào thành phố được kiểm soát y tế, đo thân nhiệt, xác định lịch trình, khai báo y tế đối với người nước ngoài và người Việt Nam mới từ nước ngoài về Việt Nam…

5. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Xuân Bình đi kiểm tra đột xuất tại Bến xe Thượng Lý, Niệm Nghĩa, Cầu Rào về việc chấp hành chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố dừng ngay hoạt động đối với các tuyến vận tải hành khách từ 24 tỉnh, thành phố đã có ca dương tính đi và đến thành phố Hải Phòng. Bến xe Thượng Lý vẫn còn có xe đi, đến Hải Phòng từ một số tỉnh, thành phố có dịch; Bến xe Thượng Lý, Niệm Nghĩa thực hiện chưa đúng quy trình bán vé, không lưu lại được trong sổ bán vé về danh tính người đi; trong bến xe còn hàng quán vẫn mở, chưa dọn dẹp. Phó Chủ tịch Thường trực nghiêm khắc phê bình Ban quản lý bến xe Thượng Lý; giao Thanh tra giao thông kiểm tra cụ thể các vi phạm, xử lý theo quy định. Bến xe Cầu Rào đã thực hiện nghiêm túc việc chấp hành việc dừng hoạt động đối với các tuyến từ các tỉnh, thành phố có dịch và bảo đảm vệ sinh hàng quán trong bến xe.

6. Sở Y tế phối hợp cùng lực lượng chức năng tiến hành phun hóa chất khử trùng trên một số tuyến đường, công sở, nơi cộng cộng toàn thành phố nhằm phòng chống dịch COVID-19. Việc khử trùng sẽ được thực hiện trên diện rộng ở các khu vực công cộng, nơi tập trung đông người, bến tàu, bến xe, sân bay, bến cảng, các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố nhằm nhanh chóng loại trừ các yếu tố nguy cơ gây dịch COVID-19.

7. Lãnh đạo UBND thành phố, các Quận huyện tiệp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương, tại các chốt kiểm dịch của thành phố, tại các cơ quan đơn vị, cơ sở kinh doanh lưu trú, địa điểm du lịch, dịch vụ ăn uống, giải trí, cơ sở tôn giáo….

8. Duy trì các hoạt động tuyên truyền, tẩy uế, khử trùng tại công sở, cơ sở y tế trường học, cơ quan đơn vị, nơi công cộng, khu vực có người nghi nhiễm. Duy trì hoạt động các điểm chốt kiểm soát dịch ở cộng đồng

9. Duy trì các hoạt động truyền thông kết hợp điều tra giám sát, tại cộng đồng, truyền thông trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh.

10. Tại các quận huyện, xã phường: tiếp tục điều tra, rà soát, tìm kiếm những trường hợp đi trên chuyến bay có người bệnh, người tiếp xúc gần với người nhiễm hoặc nghi nhiễm (F1, F2), người bệnh điều trị, người thân tại BV Bạch Mai từ 14/3 đến nay, cán bộ y tế học tập tại Bệnh viện Bạch Mai, … để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn cách ly y tế tại nhà hoặc đưa vào cách ly tập trung, lấy mẫu làm xét nghiệm.

11. Các cơ sở cách ly tập trung của thành phố tiếp tục bàn giao đối tượng hết thời gian cách ly tập trung về địa phương và nhận các đối tượng cần cách ly tập trung từ quận huyện chuyển lên, hoặc vừa nhập cảnh, trên cơ sở quyết định danh sách cách ly tập trung do UBND thành phố phê duyệt.

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thông tin phòng chống dịch COVID-19 đến 7 giờ ngày 30/3/2020
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác