Theo báo cáo của Sở Y tế, thông tin phòng chống dịch COVID-19 đến 7 giờ ngày 18/4/2020: Thế giới có hơn 2,2 triệu người mắc bệnh; trên 150 ngàn người tử vong. Việt Nam: 268 trường hợp mắc COVID-19; Chưa có BN tử vong. Hải Phòng: 0 ca mắc; 0 tử vong.
I. Tình hình dịch Covid-19:
– Thế giới: 2.238.571 người mắc trên 211 quốc gia, có 153.887 người tử vong,
– Hoa Kỳ: 700.246 người mắc; 36.922 người tử vong.
– Tây Ban Nha: 190.839 người mắc; 20.002 người tử vong.
– Italia: 172.434 người mắc; 22.745 người tử vong.
– Pháp: 147.969 người mắc; 18.681 người tử vong.
– Đức: 140.886 người mắc; 4.326 người tử vong.
– Anh: 108.692 người mắc; 14.576 người tử vong.
– Trung Quốc 82.692 người mắc; 4.632 người tử vong.
– Iran: 79.494 người mắc; 4.958 người tử vong.
– Thổ Nhĩ Kỳ: 78.546 người mắc; 1.769 người tử vong.
Thế giới có hơn 2,2 triệu người mắc bệnh; trên 150 ngàn người tử vong;
Hoa Kỳ đã có trên 700 ngàn người mắc, Số tử vong của Tây Ban Nha vượt 20 ngàn ca. Tỷ lệ tử vong đang cao nhất ở Bỉ với 14,3%. Một số nước đang tăng nhanh số mắc: Bỉ, Brazil, Nga.
Với 5.923 ca mắc, Indonesia vượt Philippines, thành quốc gia nhiều ca nhiễm nhất, bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh ở khu vực Đông Nam Á.
– Việt Nam: 268 trường hợp mắc COVID-19; Chưa có BN tử vong
Đến 7h ngày 18/4/2020, chưa phát hiện thêm ca nhiễm mới (đã qua 48h)
– Tổng số 198 người khỏi bệnh;
– 16 người (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh.
– 182 người (tính từ ngày 6/3 đến 17/4) được chữa khỏi bệnh.
– Hải Phòng: 0 ca mắc; 0 tử vong.
+ Có 417 trường hợp / 421 trường hợp nghi ngờ nhiễm dịch COVID-19 có kết quả xét nghiệm âm tính; có 4 mẫu đang chờ kết quả.
+ Có 2.171 mẫu / 2.199 mẫu sàng lọc cho các trường hợp cách ly, đã có kết quả âm tính; 28 mẫu đang chờ kết quả.
+ Số cách ly tại cơ sở tập trung là 699 người, tại: Cao đẳng Du lịch 151 người; BV Việt Tiệp 2: 61 người; Trung tâm GDQP- Đại học HP: 287 người; Trung tâm quân sự thành phố (Thủy Nguyên): 72 người; Khách sạn Công đoàn Đồ Sơn 54 người; Khách sạn Sinh viên ĐH QL&CN: 74 người.
+ Số cách ly tại nhà: 1.770 người.
II. Thông tin hoạt động của Chính phủ, các bộ, ngành:
1. Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) với 63 địa phương, chiều 17/4.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài, dù sẽ có từng nơi, từng thời điểm lắng xuống, nhưng chỉ tới khi nào có thuốc đặc trị hoặc có vaccine thì mới có thể coi là cơ bản hết dịch được. Điểm này rất quan trọng vì chúng ta không thể đóng kín cửa một mình, dù hạn chế nhưng vẫn phải có giao lưu để đảm bảo “mục tiêu kép”. Thời gian đó chắc chắn không tính bằng tuần mà phải tính ít nhất bằng tháng.
Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, không để dịch lan rộng nhưng đồng thời cũng phải ổn định và phát triển. Trong mục tiêu kép đó, vẫn phải quán triệt mục tiêu tuyệt đối là phải kiểm soát được dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan, để chết nhiều người. Một nước đang phát triển như Việt Nam mà nhiều người lây nhiễm như các nước phương tây thì chắc chắn tỷ lệ tử vong sẽ cao hơn.
Trong công tác điều trị, hiện nay chúng ta cứu sống được các bệnh nhân nặng vì cả nước dồn trí, dồn sức vào cứu chữa. Còn nếu nhìn ra bên ngoài, rất nhiều nước có nền y tế phát triển hơn ta nhiều, giàu có hơn ta nhiều nhưng đã có tới hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người nhiễm bệnh, hàng ngàn, hàng chục ngàn người tử vong thì không chỉ thiệt hại về tính mạng con người, về xã hội mà thiệt hại kinh tế cũng lớn hơn rất nhiều. Do vậy, chúng ta phải quán triệt mục tiêu kép nhưng vẫn phải ưu tiên hơn là kiểm soát được dịch bệnh.
“Vì vậy chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, tiến tới chung sống an toàn, thúc đẩy sự điều chỉnh tích cực của xã hội”
2. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vừa có công văn số 2120/CV-BCĐ ngày 16/4/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 gửi Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố về tiếp tục thực hiện việc rà soát và quản lý người có nguy cơ với dịch COVID-19;
Theo đó, đề nghị Bộ Công an, UBND các tỉnh thành phố chỉ đạo Công an tỉnh thành phố phối hợp với Sở Y tế, Sở Ngoại vụ, UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để rà soát tất cả các trường hợp liên quan đến người nước ngoài, những người có nguy cơ với dịch COVID-19 và kịp thời phát hiện các trường hợp mắc bệnh, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, cụ thể như sau:
Liên quan đến người nước ngoài: Người nước ngoài vào Việt Nam hiện đang lưu trú, cư trú tại địa phương; người Việt Nam làm việc với người nước ngoài; người nước ngoài đi du lịch tự do …
Liên quan đến người Việt Nam: Người Việt Nam đi từ nước ngoài về; người đi từ hoặc đi qua từ vùng dịch trong nước; người tiếp xúc với ca bệnh hoặc tiếp xúc với người tiếp xúc gần với ca bệnh; người sống lang thang, cơ nhỡ,…
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện theo dõi sức khỏe hàng ngày đối với các trường hợp rà soát nêu trên, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và tổng hợp, phân tích các thông tin về sức khỏe; 05 ngày một lần (tính từ ngày 10/4/2020 đến khi hết dịch) báo cáo kịp thời theo mẫu gửi kèm về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, UBND tỉnh thành phố theo yêu cầu.
3. Ngày 17-4, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) có văn bản hướng dẫn các Sở Giao thông vận tải (GTVT) địa phương về tổ chức vận chuyển hành khách giữa các địa phương thuộc nhóm 3 (nhóm có nguy cơ thấp về dịch bệnh Covid-19). Tổng cục ĐBVN yêu cầu các đơn vị vận tải, chủ xe chỉ được thực hiện vận chuyển hành khách liên tỉnh giữa các địa phương thuộc nhóm 3 với nhau, đồng thời hành trình vận chuyển không được đi qua địa phận các địa phương thuộc nhóm 1 và 2. Trường hợp hành trình chạy xe có đi qua địa phận các địa phương thuộc nhóm 1, nhóm 2 thì thông báo yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tạm dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới của Chính phủ, Bộ GTVT.
Với các chuyến xe hoạt động, Tổng cục ĐBVN yêu cầu số lượng hành khách trên mỗi chuyến xe không được vượt quá 50% sức chứa của xe và tối đa không quá 20 người trên một chuyến xe; bố trí hành khách ngồi giãn cách, xen kẽ giữa các hàng ghế. Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe cũng như hành khách phải đeo khẩu trang, được kiểm tra y tế, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi lên xe và khai báo y tế theo quy định; phải thực hiện tay rửa, khử trùng xe trước và sau khi đón, trả khách. Các đơn vị vận tải bố trí, sắp xếp lại biểu đồ chạy xe trên các tuyến cố định liên tỉnh, bảo đảm cắt giảm tối thiểu 50% số chuyến xe theo biểu đồ chạy xe đã được Sở GTVT phê duyệt; Sở GTVT bố trí cán bộ thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của các phương tiện trên hệ thống giám sát bằng thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục ĐBVN để kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm (nếu có).
III. Thông tin hoạt động phòng chống dịch tại Hải Phòng:
1. Ngày 16/4, UBND thành phố có Thông báo sô 186/TB-UBND về kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam, tại cuộc họp Tổ công tác nghe tiến độ mua sắm trang thiết bị phương tiện bảo hộ, vật tư tiêu hao, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch. Qua đó, giao Sở Y tế thực hiện gói thầu mua sắm trang thiết bị phương tiện bảo hộ, vật tư tiêu hao, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên tinh thần khẩn trương, nhanh chóng, kịp thơi, đảm bảo chất lượng, xuất xứ hàng hóa; chịu trách nhiệm về giá cả hàng hóa, đảm bảo sát với giá thị trường, đôn đốc các đơn vị giao hàng đúng tiến độ hợp đồng. Giao Sở Tài chính thẩm định phê duyệt gói thầu đợt 2; giao Văn phòng UBND thành phố xem xét trình quyết định phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu…
2. Nhằm chia sẻ khó khăn với ngành Y tế, đồng thời chung tay thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19, trong tuần qua, có 2 doanh nghiệp trực tiếp ủng hộ ngành Y tế nhiều trang bị bảo hộ y tế gồm:
– Công ty TNHH Global Resources Group Việt Nam có địa chỉ tại thôn Kiều Trung, xã Hồng Thái, huyện An Dương ủng hộ 2.000 bộ quần áo chống dịch hãng ETI và 2.000 bao bọc giày hãng ODM.
– Công ty TNHH Maple có địa chỉ tại số 120 đường 14, khu công nghiệp VSIP, Thủy Nguyên ủng hộ 100.000 khẩu trang y tế.
3. Lãnh đạo UBND thành phố, các Quận huyện tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương, tại các chốt kiểm dịch của thành phố, tại các cơ quan đơn vị, cơ sở kinh doanh lưu trú, địa điểm du lịch, dịch vụ ăn uống, giải trí, cơ sở tôn giáo….
4. Duy trì hoạt động tuyên truyền, tẩy uế, khử trùng tại công sở, cơ sở y tế, trường học, cơ quan đơn vị, nơi công cộng, đường phố, khu vực có người nghi ngờ nhiễm.
Duy trì hoạt động các chốt kiểm soát dịch; các hoạt động truyền thông kết hợp điều tra giám sát, tại cộng đồng, truyền thông trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh.
5. Tại các quận huyện, xã phường: tiếp tục điều tra, tìm kiếm những trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm, người bệnh điều trị, người từ tỉnh có nguy cơ cao về Hải Phòng … để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn cách ly y tế tại nhà hoặc đưa vào cách ly tập trung, lấy mẫu làm xét nghiệm.
6. Các cơ sở cách ly tập trung của thành phố tiếp tục bàn giao đối tượng hết thời gian cách ly tập trung về địa phương để tiếp tục giám sát, cách ly tại nhà và nhận các đối tượng cần cách ly tập trung từ quận huyện chuyển lên, trên cơ sở quyết định danh sách cách ly tập trung do UBND thành phố phê duyệt.